QĐND Online - Đến trường Trường sĩ quan Tăng-Thiết giáp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn những vườn su hào, bắp cải xanh mơn mởn trong khu tăng gia tập trung của đơn vị. Những thành quả này có một phần đóng góp không nhỏ của “vua” tăng gia Đào Văn Chuyển, Trung tá, Trưởng ban quân nhu của đơn vị.
 |
“Vua” tăng gia Đào Văn Chuyển đang kiểm tra rau tại vườn rau của đại đội 3
|
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gia Lộc, Hải Dương, ngay từ nhỏ Đào Văn Chuyển đã sớm tiếp xúc với những hạt giống, cây trồng, Chuyển cũng sớm có niềm đam mê cái nghiệp trồng trọt. Ngay từ khi nhập ngũ, được lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện, anh đã phát huy khả năng và niềm đam mê đó của mình. Tự mày mò, học hỏi, mua các loại sách nông nghiệp, trồng trọt về nghiên cứu thêm rồi ứng dụng khoa học kỹ thuật để ươm tạo nên những thửa ruộng màu mỡ, những luống rau xanh, những con lợn béo, đảm bảo bữa ăn vừa tươi vừa ngon trong đơn vị. Anh tâm sự với chúng tôi: “Tôi thích làm công việc phải đợi chờ và hy vọng như việc trồng rau này. Bạn phải tự tay chăm sóc chúng, từ khi gieo hạt đến khi chúng nảy mầm, rồi chứng kiến chúng lớn nhanh từng ngày. Bạn mới cảm nhận được hết cái thú vị của cuộc sống”.
Hàng ngày, cứ đến giờ tăng gia buổi chiều, anh và các chiến sĩ trong đơn vị lại cùng nhau chăm sóc, tưới nước cho những luống rau do các anh tự tay vun trồng. Nhìn anh cần mẫn bên những gốc su hào, bắp cải… nhìn ánh mắt anh chăm chú vạch lá, tìm sâu chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê, tâm huyết của anh đối với công việc. Chính cái tâm huyết đó đã mang lại những bữa rau xanh đầy mâm của học viên trong trường. Nói về anh, đại tá Hoàng Trung Kiên, Hiệu trưởng của trường nhận xét: “Có được người tâm huyết như đồng chí Chuyển trong công tác này, chất lượng bữa ăn của bộ đội được cải thiện rất nhiều, và hơn tất cả đó là sức khỏe của bộ đội được đảm bảo để học tập và sẵn sàng chiến đấu”.
 |
Chăm sóc rau tại khu tăng gia tập trung
|
Khi được hỏi về bí quyết vì sao trong đợt rét vừa qua, nhiều địa phương ở miền Bắc thiếu rau xanh nghiêm trọng mà rau tại đơn vị vẫn xanh tươi, đảm bảo đủ rau sạch cho cán bộ, học viên trong trường, anh Chuyển cười bảo: “Điều cơ bản nhất là người làm nông nghiệp phải biết tính thời vụ, loại rau và kỹ thuật trồng rau. Trong đợt rét vừa qua, trường chủ yếu trồng những loại cây chịu rét tốt như hành tây, cà chua, su hào, bắp cải… và được chăm sóc tốt nên rau của đơn vị không bị ảnh hưởng mấy”.
Đóng quân trên mảnh đất trung du đầy sỏi đá, việc anh mày mò, nghiên cứu, cải tạo được mảnh đất đồi này trở nên màu mỡ, trù phú như hiện nay cũng là một thành công vô cùng lớn. “Đây là đất đồi, khô cằn lắm, lại nhiều đá, sỏi nữa. Cho nên, để có được mảnh đất như bây giờ, anh em chúng tôi đã phải mất rất nhiều công sức. Đất cuốc lên thật tơi, sau đó rắc vôi bột cho chết hết sâu bọ, phơi nắng, ủ phân, còn nhiều, còn nhiều công đoạn nữa… các bạn chưa làm thì không thể tưởng tưởng được đâu”, anh nói. Nhìn đồi tiếp đồi, toàn sỏi gan gà, qua bàn tay của giáo viên, học viên nhà trường, trong đó có anh Chuyển đã trở nên màu mỡ, trồng được các loại rau như: bắp cải, cải ngọt, cải thơm, su hào, su su, bầu, bí, cà chua…. Đặc biệt có cả những loại thuộc đẳng cấp “VIP” như rau cải thơm, cải Đài Loan, cải ngọt (của Nhật Bản)… mà chỉ có ở siêu thị mới bán.
Không chỉ có khâu làm đất, chọn giống và chăm sóc rau, một công đoạn nữa cũng được toàn trường hết sức quan tâm, đó là vấn đề nước tưới. Nhà trường đã đầu tư xây dựng trạm bơm, các bể tích nước hàng chục mét khối, dẫn nước từ mương vào; xây dựng hệ thống cống tưới tiêu bằng bê tông, hệ thống tưới nước bằng vòi công nghiệp vừa khoa học vừa đỡ tốn công sức của anh em. Ngoài khu tăng gia tập trung của đơn vị thì mỗi tiểu đoàn đều có vườn rau tăng gia riêng. Hàng tháng hoặc sau mỗi đợt thu hoạch, các tiểu đoàn sẽ cử người lên gặp anh Chuyển để nghe phổ biến kế hoạch, điều tiết việc trồng rau và nhận giống rau mới từ “Tủ giống rau” của đơn vị…
Chính nhờ những công sức đó nên mỗi tháng lượng rau, củ, quả của toàn trường thu hoạch trung bình đạt từ 2 tấn đến 2,4 tấn, đảm bảo rau sạch, tốt về chất lượng và an toàn thực phẩm tuyệt đối. Do đó, lượng rau xanh phục vụ đơn vị luôn luôn đủ, ngoài ra còn bán lại cho các bếp ăn trong đơn vị với giá chỉ bằng 70% giá thị trường để gây quỹ. Năm 2007, riêng tiền thu từ tăng gia sản xuất trồng rau của nhà trường đã đạt trên 700 triệu đồng…
Bài và ảnh: Hồng Anh, Phúc Thắng