Lính đặc nhiệm Nga trình diễn súng bắn dưới nước APS. Ảnh tư liệu

Vũ khí nhẹ trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm, biệt kích người nhái để tác chiến dưới nước đang được quân đội các nước quan tâm, đặc biệt là khi các tổ chức lực lượng tác chiến thủy-bộ thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp trên biển. Tác chiến dưới nước vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nên vũ khí trang bị cho người lính phải phù hợp, hoạt động tin cậy, hiệu quả chiến đấu cao. Vũ khí nhẹ tác chiến dưới nước còn giữ vai trò thay thế các loại tàu ngầm, vũ khí chống ngầm hạng nặng không thể hoạt động trong vùng nước nông, gần bờ có yêu cầu cao về tính bí mật, bất ngờ.

Công nghệ chế tạo vũ khí nhẹ tác chiến dưới nước khá phức tạp và hiện đại không thua kém với các loại vũ khí chiến đấu trên bộ và trên không, bởi hoạt động của đầu đạn dưới nước hoàn toàn khác khi bay trong không khí. Sức cản của nước cũng lớn hơn gấp hàng trăm lần không khí, nên phải có những nghiên cứu riêng về động lực và sức xuyên của đạn. Do khó khăn về thiết kế kỹ thuật, trình độ công nghệ, nên các chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí tác chiến dưới nước chưa nhiều, trong khi những yêu cầu đặt ra rất cao. Các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển như LB Nga, Mỹ và các nước NATO, I-xra-en, Nhật Bản, Nam Phi đã dành một lượng lớn ngân sách để phát triển vũ khí hạng nhẹ dưới nước, nhưng chủng loại và các sản phẩm có uy lực chiến đấu lớn còn khiêm tốn. Tuy vậy, việc phát triển vũ khí nhẹ cho lực lượng đặc nhiệm hải quân, người nhái để tác chiến dưới nước vẫn theo hướng nâng cao uy lực, bảo đảm đạt độ chính xác cao, hoạt động tin cậy. Vũ khí nhẹ tác chiến dưới nước còn thỏa mãn các yêu cầu dễ thao tác, bảo đảm kỹ thuật, có tính đồng bộ cao, đa năng và nhỏ, nhẹ, an toàn cho người sử dụng.

Vũ khí nhẹ tác chiến dưới nước ra đời từ rất sớm, ban đầu còn thô sơ như các loại súng phóng lao, súng bắn tên, sử dụng nguyên lý phóng bằng khí nén, cự ly tác chiến ngắn. Súng ngắn bắn tên OMER của Mỹ dùng khí nén để phóng mũi tên bằng gang rỗng, có thể bắn liên tiếp 20 đạn mũi tên (dài 270mm), tầm bắn tùy theo độ sâu, chẳng hạn đạt 10m ở độ sâu 5m và tầm xa chỉ 6m ở độ sâu 20m. Giữa những năm 70 của thế kỷ trước, Công ty HK (CHLB Đức) đã thiết kế, chế tạo loại súng ngắn bắn dưới nước P11, dài 200mm, nặng 1,2kg, bắn đạn phóng lao ổn định bằng cánh đuôi cỡ 7,62mmx100mm. Súng bắn chế độ phát một, tầm bắn hiệu quả ở độ sâu 5m là 15m; ở độ sâu 20m là 9m. Súng ngắn P11 có nhược điểm là chỉ mang cơ số 5 phát đạn, khi bắn hết, việc nạp đạn rất khó khăn. Tuy vậy, súng ngắn P-11 đã trang bị cho lực lượng người nhái, đặc nhiệm của quân đội hầu hết các nước NATO.

LB Nga đang dẫn đầu về tính năng và uy lực chiến đấu của các loại vũ khí nhẹ tác chiến dưới nước. Súng ngắn bắn dưới nước SPP-1 với kết cấu 4 nòng, sử dụng kẹp đạn 4 viên chế tạo riêng, nạp đạn bằng tay. Súng nặng 0,95kg (không đạn) và 1,03kg khi có đạn, sử dụng chế độ bắn phát một. Đạn SPS dài 115mm, đường kính 4,5mm, tầm bắn ở độ sâu 5m là 17m, ở độ sâu 20m là 11m. Mỗi súng SPP-1 mang cơ số 10 kẹp đạn, thiết bị lắp đạn. Hiện nay, Nga đã cải tiến súng ngắn SPP-1 thành SPP-1M với những tính năng ưu việt, phù hợp hơn. Súng trường tiến công bắn dưới nước APS được Nga giới thiệu tại Triển lãm vũ khí Milipol-2008 ở Pa-ri (Pháp) gây sự chú ý lớn của giới quân sự các nước. Súng trường APS sử dụng đạn cỡ 5,56mm, nặng 3,4kg, bắn ở chế độ phát một và liên thanh, hộp tiếp đạn 26 viên. Đạn MPS đường kính 5,56mm, dài 120mm, ổn định bằng cánh đuôi, hình mũi tên cán dài nhỏ, khi vận động về phía trước, đạn chủ yếu dựa vào dòng nước hình thành xung quanh để ổn định chứ không dựa vào chuyển động quay tròn. Ở độ sâu 5m, tốc độ đầu nòng của đạn đạt 250m/s, tầm bắn hiệu quả 30m. Ở độ sâu 20m, tầm bắn hiệu quả là 20m và đạt tầm xa 11m ở độ sâu 40m. Tầm bắn và khả năng gây sát thương của súng trường APS lớn hơn rất nhiều so với các loại súng bắn dưới nước hiện có, đạn có sức xuyên thủng áo giáp bảo vệ, áo giữ ấm bằng sợi tổng hợp và mặt trùm bằng chất dẻo dày 5mm. Súng trường APS bắn dưới nước ở mọi tư thế, khi đang bơi, tuổi thọ khi bắn dưới nước là 2.000 phát.

Nga đang triển khai nghiên cứu phát triển loại vũ khí tiến công dưới nước đa năng ASM-DT có tính năng vượt trội hơn súng trường APS. Súng ASM-DT lắp nòng 5,45mm và nòng phóng lựu GP-25M, trang bị đi kèm còn có lưỡi lê để đánh gần. Súng ASM-DT có khả năng chiến đấu rất tốt trên bộ. Tuổi thọ chiến đấu của súng dưới nước là 5.000 phát đạn. Súng ASM-DT trang bị cho người nhái, lực lượng đặc nhiệm và hải quân đánh bộ.

NGUYỄN ĐÌNH HIẾU