QĐND - Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng Trung tướng Đỗ Văn Đức (bí danh Sáu Đức), nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 11 giờ 45 phút ngày 12-11-2013 (tức ngày 10 tháng 10 năm Quý Tỵ), hưởng thọ 89 tuổi.
 |
Trung tướng Đỗ Văn Đức |
Sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo trên quê hương Hà Nam, chàng trai Đỗ Văn Đức sớm có tinh thần giác ngộ và đi làm cách mạng, rồi được giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đỗ Văn Đức đã có nhiều đóng góp quan trọng và có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức, xây dựng quân đội và sự nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh giải phóng cũng như trong công cuộc xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ hy sinh, trên các cương vị công tác được giao, đồng chí đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, chỉ huy mưu trí sáng tạo, cùng với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, đánh thắng nhiều trận, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cùng với quân và dân cả nước đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc.
Tháng 7-1964, sau khi tốt nghiệp khóa tham mưu ở Liên Xô, đồng chí Đỗ Văn Đức về Cục Quân lực, được giao nhiệm vụ cùng một số cán bộ vào Nam, đảm nhiệm việc tổ chức, xây dựng lực lượng và bảo đảm vũ khí, đạn dược cho bộ đội tại cơ quan Quân sự Miền. Thực hiện nhiệm vụ trên, ông vào Nam, trên một chuyến tàu không số theo đường biển. Trên tàu có cả thảy 13 người, gồm thuyền trưởng, máy trưởng, các thuyền viên và 4 anh em gồm: Đỗ Văn Đức, cán bộ Quân lực, Trần Văn Nghiêm, Cục phó Cục Tác chiến, Nguyễn Quang Bích, Phó tư lệnh Phòng không và một cán bộ Cục Tác chiến quê ở miền Nam, được cử trở về Nam Bộ công tác đồng thời là người dẫn đường. Tàu chở 60 tấn vũ khí, đạn dược xếp trong hầm; có trang bị vũ khí để bảo vệ dọc đường, đồng thời còn chứa một tấn thuốc nổ để khi nguy hiểm có thể hủy tàu. Sau hơn 3 tháng, ông đã hoàn thành cuộc hành quân “đi ngồi” thật đặc biệt mà ông mãi không quên.
Trên cương vị Trưởng phòng Quân lực, rồi Phó Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miền, ông được giao nhiệm vụ tổ chức, xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực Miền; đồng thời theo dõi, chỉ đạo và tổ chức tiếp nhận, chi viện trang bị từ miền Bắc vào bằng đường biển. Lúc này, ở Nam Bộ, các bến cũ đã bị lộ nên ta phải tổ chức các bến mới và tiếp nhận ở cửa biển Lộc An (một căn cứ ở khoảng giữa thị xã Bà Rịa và thị trấn Xuyên Mộc), rồi cũng bị lộ phải chuyển sang tổ chức bí mật một bến tiếp nhận ở đất Cam-pu-chia. Theo đó, ta phải tổ chức một đường dây vận chuyển bí mật trên đất Cam-pu-chia để chuyển vũ khí đạn dược hàng trăm cây số về biên giới Nam Bộ. Bến này cũng chỉ tiếp nhận được một số lần, sau đó bị tàu chiến của quân đội Sài Gòn đuổi ở gần Phú Quốc, nhiều thuyền viên phải phá hủy tàu và nhảy xuống biển, bị địch bắt giam tại Phú Quốc, gần đến ngày giải phóng mới trao trả...
Phải tốn biết bao công sức và vượt qua muôn vàn hiểm nguy mới có thể vận chuyển vũ khí, đạn dược bằng "đường mòn" trên biển chi viện cho quân dân miền Nam đánh giặc. Ông cùng lãnh đạo, chỉ huy cơ quan tham mưu Miền dày công suy nghĩ, tìm hướng giải quyết bằng cả trí tuệ và quyết tâm; không ngại hy sinh, không tiếc công sức để làm được việc này. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan quân sự Miền đã phối hợp với lực lượng ở nước bạn Cam-pu-chia, dùng tàu buôn chở vũ khí đạn dược và nhiều vật chất khác chi viện cho miền Nam. Tàu cập cảng Xi-ha-núc-vin (như một tàu buôn), hàng hóa được ngụy trang hết sức khéo léo, bí mật và được vận chuyển lên bờ sau đó vận chuyển bằng đường bộ về Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có phần đóng góp quan trọng của việc tổ chức, xây dựng LLVT, việc bảo đảm vũ khí, đạn dược và các mặt khác bảo đảm cho bộ đội chiến đấu. Thắng lợi đó có phần đóng góp quan trọng của cơ quan quân lực nói chung và những cán bộ quân lực đầu ngành nói riêng, trong đó có ông, đã tận tâm, tận lực, không sợ hy sinh, không ngại gian khổ, nỗ lực vượt bậc cho sự chiến thắng của quân đội...
Gần nửa thế kỷ phục vụ cách mạng, với 65 năm tuổi Đảng, 49 năm công tác trong quân đội, trưởng thành từ cán bộ Việt Minh và sau này là tướng lĩnh của quân đội, trên cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, rồi Phó tổng Tham mưu trưởng, Trung tướng Đỗ Văn Đức - người cán bộ đầu ngành quân lực đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đáp ứng yêu cầu các cuộc kháng chiến của dân tộc và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc CNH-HĐH đất nước. Ở bất cứ cương vị nào ông cũng luôn thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Khi được quân đội cho nghỉ hưu Trung tướng Đỗ Văn Đức đã tích cực tham gia các hoạt động phong trào của khu phố, được bà con yêu mến và kính trọng. Hình ảnh Trung tướng Đỗ Văn Đức - một vị tướng sâu sát, quyết đoán trong công việc, một cán bộ nhân hậu, luôn gần gũi thân thiết với mọi người, sống giản dị, có nghĩa, có tình, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong anh em, đồng chí, đồng đội, bà con và bạn bè.
Xin vĩnh biệt ông - vị tướng suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng quân đội.
Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU