Trung đội trưởng Hải được chính trị viên (CTV) đại đội gọi lên phòng giao ban có việc trao đổi gấp. Vừa thấy Hải, với chất giọng nhỏ nhẹ, CTV mở lời: “Anh đố Hải quan sát xem có cái gì trên bàn giao ban?”.
CTV vừa nói vừa chỉ tay về phía tờ giấy trắng khổ A4 được đặt ở giữa bàn. Vốn tính cẩn thận, Hải cầm tờ giấy lên tay rồi chăm chú vào vết mực được vẽ không rõ hình hài ở một góc tờ giấy. Suy ngẫm thật kỹ, Hải vẫn không hiểu nét vẽ kia thể hiện biểu tượng hay nội dung gì?
Được một lúc, Hải mới dám trả lời: “Đây là vết mực anh ạ. Chẳng có nghĩa gì cả”. “Hải thử suy nghĩ kỹ hơn, câu hỏi này khó đấy!”-CTV gợi mở.
10 phút trôi đi, Hải vẫn không thể có thêm đáp án nào cho câu hỏi.
Bấy giờ, CTV mới nói: “Tại sao đồng chí chỉ nhìn thấy vết mực mà lại không thấy tờ giấy trắng. Tại sao không trả lời: Đây là tờ giấy A4”.
Hải cười gượng: “Dạ em cứ tưởng...”.
“Đấy không phải là tưởng mà là do sự mặc định trong tư duy và tác phong chỉ huy của đồng chí. Nhìn nhận, đánh giá một sự vật hay một người, chúng ta phải nhìn thấy cái toàn diện. Trong mỗi chiến sĩ ở trung đội, các em vừa bước vào môi trường quân ngũ, đều như những tờ giấy trắng. Do vậy, khi đánh giá từng người, chúng ta phải thấy được cả cái hay, cái tốt và điểm chưa được của anh em. Đừng vì một vết mực nhỏ mà quên đi tờ giấy trắng kia”-CTV từ tốn căn dặn rồi nhắc Hải cần thay đổi thái độ đánh giá đối với một vài chiến sĩ mới mà Hải đã ý kiến gay gắt, phiến diện trong giao ban đại đội vào buổi sáng cùng ngày.
Bắt tay Hải, CTV nhỏ nhẹ: “Quản lý bộ đội là một nghệ thuật. Anh em mình phải cố gắng hơn nữa để giúp đỡ, đồng hành với anh em”. Thấm được bài học quý, dù không nói lời nào nhưng Hải chủ ý siết tay cấp trên để thể hiện sự khắc nhớ và quyết tâm của mình.
NGUYỄN TẤN TUÂN