Vốn chơi thân với nhau, khi Trung đội trưởng Nam vừa rời đơn vị, chiến sĩ Linh bàn với Ký, Quyết và Thắng: “Này các ông, chẳng mấy khi trung đội trưởng đi vắng, tranh thủ giờ nghỉ trưa ta giao lưu tí nhỉ”. Nghe vậy Ký, Quyết và Thắng “biểu quyết” ngay.

Trưa hôm ấy, khi trực ban đơn vị đã kiểm tra quân số ngủ nghỉ và báo cáo chỉ huy xong, theo “hiệp đồng”, Linh, Ký, Quyết, Thắng âm thầm lên căng-tin. Chuẩn bị “đề-pa”, Quyết hồ hởi: “Hôm nay kiểu gì tôi cũng phục thù được cơ hôm trước”. Vừa lúc đó, giọng nói quen thuộc vang lên từ phía sau: “Chơi thế này mà không có ai làm trọng tài thì biết phân xử thế nào?”. Thấy Chính trị viên đại đội đi vào, mặt mọi người tái nhợt, Quyết đánh rơi tay cơ đang cầm xuống bàn: “Dạ... bọn em!”. Thấy vậy, Chính trị viên đại đội nghiêm nghị: “Các đồng chí về nghỉ trưa, đầu giờ chiều lên phòng giao ban gặp tôi”. Thì ra, qua nắm bắt, Chính trị viên đại đội đã biết Linh, Quyết, Ký và Thắng vẫn hay trốn ngủ trưa để lên căng-tin chơi bi-a.

Chiều hôm đó, Linh, Ký, Quyết, Thắng cầm bản tường trình lên phòng giao ban. Chính trị viên đại đội nói: “Các đồng chí có biết như vậy là vi phạm chế độ ngủ nghỉ hay không? Vì trung đội của các đồng chí ổn định nên tôi đã mạnh dạn đề nghị đăng ký cho anh Nam về tranh thủ chăm sóc mẹ lúc ốm đau. Vậy mà các đồng chí đã phụ lòng tin tưởng, quên lời căn dặn của người chỉ huy. Không phải cứ có chỉ huy mới chấp hành nghiêm chế độ nền nếp, như vậy là đối phó, không thực chất. Cái lỗi lớn nhất của các đồng chí còn thể hiện ở việc không tôn trọng tình cảm và niềm tin của cán bộ".

Đến đây, chính trị viên đại đội ân cần: “Dù có cán bộ hay không mình cũng phải thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh. Cán bộ không phải là “cái đuôi” để đi theo từng chiến sĩ mà mỗi người phải biết phát huy tính tự giác trong chấp hành kỷ luật. Người có ý thức tổ chức kỷ luật, có hiểu biết, vì tập thể thường tự giác chấp hành kỷ luật, quy định của đơn vị, coi đó là nhu cầu hằng ngày, như cơm ăn, nước uống. Và như các đồng chí đã được quán triệt: Kỷ luật quân đội ta hình thành nên bởi cái đầu tiên là ở tính tự giác, bởi người tự do nhất là người chấp hành kỷ luật tốt nhất".

Sau khi về đơn vị, cả Linh, Ký, Quyết, Thắng đều nhận ra rằng: Đơn vị ổn định, vững mạnh phải là một tập thể có kỷ luật không chỉ nói miệng, trên giấy mà quan trọng hơn là trong hành động của mỗi quân nhân. Một khi ý thức chấp hành kỷ luật càng cao thì sinh hoạt của mỗi người càng thoải mái, công bằng, an toàn; càng có điều kiện đảm bảo phát huy khả năng sáng tạo và quyền lợi từng cá nhân cũng như của tập thể.

PHAN XUÂN ĐỊNH