QĐND - Tỉnh Bắc Giang là một trong những địa bàn trọng yếu của chiến trường Bắc Bộ, cửa ngõ phía đông của căn cứ địa Việt Bắc. Cuối năm 1953, phát hiện bộ đội chủ lực của ta tiến quân lên Tây Bắc, thực dân Pháp tăng cường các hoạt động quân sự, xây dựng phòng tuyến sông Cầu, tạo thế uy hiếp Việt Bắc, tái chiếm, phong tỏa biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, ngăn chặn liên lạc giữa Liên khu 3 với Việt Bắc, Tây Bắc…

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp, với phương châm: Tích cực, chủ động đánh địch, chống bắt lính, tăng cường công tác binh, địch vận; bảo vệ và tổ chức vận tải ra tiền tuyến, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Điện Biên Phủ.

Du kích Đồng bằng Bắc Bộ đặt hầm chông, đánh địch, giữ làng. Ảnh tư liệu

 Để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy chỉ đạo bộ đội chủ lực phối hợp với dân quân, du kích vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật đánh địch trên nhiều hướng, mũi, kiên quyết đánh bại âm mưu và các cuộc càn quét, tiến công của địch. Ngày 20-11-1953, trên hướng đông bắc huyện Yên Dũng, qua cơ sở nội tuyến mật, ta phát hiện địch từ Phả Lại (Hải Dương) và Đáp Cầu (Bắc Ninh), chia thành nhiều hướng tấn công khu căn cứ du kích Yên Dũng. Tương kế tựu kế, bộ đội địa phương phối hợp với du kích xã Dĩnh Kế dựa vào làng chiến đấu, bẻ gãy 7 đợt tiến công, diệt 30 tên, buộc địch phải rút quân. Ngày 22-11-1953, bộ đội và du kích xã Mai Khê bày thế trận ngay bên bờ sông Cầu (xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng), bẻ gãy cánh quân thủy từ Phả Lại lên, tiêu diệt gần 100 tên.

Phát huy đà thắng lợi, trên hướng nam, ngày 15-3-1954, bộ đội đặc công tỉnh qua trinh sát đã phát hiện, nắm được quy luật hoạt động của địch thường neo đậu trên đoạn sông Cầu thuộc khu vực sông Lục Đầu, đã bí mật tiếp cận, sử dụng mìn tự tạo đánh chìm 4 tàu chiến, diệt gọn 100 tên. Đồng thời, bộ đội còn dũng cảm, táo bạo sử dụng chiến thuật giấu mình trong hầm bí mật sát đường giao thông (ta gọi là chiến thuật độn thổ) phục kích trên Đường 1A, 13B, diệt nhiều địch, phá hủy hàng chục xe vận tải, thu nhiều vũ khí, khiến địch không thể đạt được mục tiêu đề ra.

Mặt khác, Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ đạo cấp ủy Đảng các cấp lãnh đạo các đoàn thể quần chúng nhân dân tuyên truyền, đấu tranh, tiến hành công tác binh địch vận, chống bắt lính, vận động binh lính địch bỏ ngũ. Lực lượng vũ trang và nhân dân vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp đấu tranh như: Họp với những gia đình có người thân đi lính; phụ nữ cam kết giữ người thân ở nhà; tổ chức các đoàn quần chúng đấu tranh quyết liệt ở bốt địch, rải truyền đơn, vây bốt… làm tan ngũ, rã ngũ của địch; kiên quyết kiềm chế, giam chân, không cho địch tăng cường cho Điện Biên Phủ.

Để chi viện sức người, sức của cho mặt trận, Tỉnh ủy huy động hàng vạn dân công hỏa tuyến, làm gấp ba đoạn đường vòng tránh trọng điểm Đèo Cà (dài 25km) nối từ huyện Yên Thế sang Việt Bắc; mở tuyến đường Phổng-Mỏ Trạng dài 19km (huyện Yên Thế); bảo  đảm giao thông thông suốt trên bến phà sông Sỏi cho 365 lần ô tô vượt bến... Phát huy  kết quả của thắng lợi ở Điện Biên Phủ, ngày 4-7-1954, bộ đội địa phương tỉnh bất ngờ tập kích, san bằng bốt Mỹ Độ (thành phố Bắc Giang), diệt vị trí Cầu Lồ, kho xăng Đồi Ngô (huyện Lục Nam). Các đại đội bộ đội địa phương 240, 198 và 555 tổ chức phục kích địch rút chạy trên Đường 13B, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe cơ giới. Ngày 4-8-1954, tỉnh Bắc Giang được hoàn toàn giải phóng.

TRẦN VĂN TOẢN

(Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang 1945-1954”)