QĐND Online - Hằng năm, Tổng cục Hậu cần (TCHC) đều tổ chức gặp mặt các cháu học sinh giỏi, học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và quốc gia là con em các đối tượng công tác trong các cơ quan, đơn vị của Tổng cục. Đó chỉ là một phần những công việc làm được thể hiện sự quan tâm, chăm lo thế hệ tương lai, động viên bố mẹ các cháu vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy TCHC.

Nhân những niềm vui

Các đại biểu và đông đảo phụ huynh cùng gần 70 cháu học sinh giỏi có mặt tại hội trường Trung đoàn 683 (TP Đà Nẵng) rất xúc động khi nghe cháu Đặng Vũ Hoàng Anh, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Kom Dưỡng (huyện MangYang, tỉnh Gia Lai), con Thiếu tá QNCN Đặng Việt Thanh, hiện đang công tác tại Kho Xăng dầu 182 (Cục Xăng dầu, TCHC) tâm tình.   Với giọng trẻ thơ trong sáng, đượm nắng gió Tây Nguyên, cháu kể, do cả bố và mẹ cùng công tác xa nhà, nên hằng ngày cháu phải đi bộ, vượt qua nhiều đèo dốc đến trường. Thương bố mẹ vất vả, cháu cố gắng học thật giỏi và tự chăm lo bản thân. Từ lớp 1 đến nay, 5 năm liên tục, cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc và đạt giải cao trong các kỳ thi của trường, của huyện.

Đại tá Nguyễn Văn Cường, Phó chủ nhiệm chính trị TCHC tặng quà cho các cháu học giỏi, đạt giải trong các kỳ thi.

Thiếu tá QNCN Lê Thị Hương, nhân viên Ban Chính trị Trung đoàn 683 "sụt sịt" chia sẻ với chúng tôi:

- Cháu Anh rất nghị lực. Đúng chất con nhà lính các anh ạ.

Từ vùng đồi núi xa xôi, heo hút của huyện Mang Yang đưa con đến TP Đà Nẵng, nơi TCHC tổ chức gặp mặt các cháu học sinh giỏi khu vực miền Trung, Thiếu tá Đặng Việt Anh không giấu nổi niềm vui và sự tự hào, bộc bạch sau khi kết thúc hội nghị:

- Cháu nhà tôi vui lắm. Cháu hứa với tôi, sẽ phấn đấu học giỏi hơn nữa để thỏa lòng mong ước của bố mẹ. 

Đa dạng hóa các cách làm sáng tạo

Người làm công tác hậu cần, nhất là phụ nữ vốn hành động lặng lẽ và có phần rất âm thầm so với các đơn vị chủ lực khác trong toàn quân. Với họ, niềm vui lớn nhất có lẽ là được thi đua bỏ sức lực, trí tuệ, mồ hôi… để cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, làm tốt vai trò người phục vụ. Ngoài công việc này, họ còn có nhiều cách làm sáng tạo để tổ ấm của họ không bao giờ lạnh, để niềm vui, niềm hạnh phúc mãi mãi được nhân lên.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Miện, Phó chính ủy TCHC tặng quà cháu bé là bị khuyết tật.

Việc tổ chức gặp mặt các cháu học sinh học giỏi, thi đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và quốc gia đã được TCHC tổ chức hằng năm chỉ là một trong rất nhiều các hoạt động đã làm được. Theo như báo cáo mới nhất của Ban Phụ nữ TCHC, từ đầu năm đến nay, phụ nữ toàn Tổng cục đã quyên góp, đưa số vốn tiết kiệm lên hơn 500 triệu đồng và cho hơn 200 hội viên vay để phát triển kinh tế. TCHC cũng đã tặng quà cho các phụ nữ khó khăn, trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, tặng tiền xây nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ khó khăn trị giá hàng trăm triệu đồng vào các dịp ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm 8-3 và 27-7... Hiện nay, hoạt động phong trào thi đua của phụ nữ trong TCHC diễn ra rất đa dạng. Chỉ tính trong lĩnh vực y tế, đã có 5 đề tài khoa học do phụ nữ các bệnh viện làm chủ được ứng dụng trong thực tiễn, 2 đề tài khoa học khác được Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân, trong đó có một giải Nhất và một giải Nhì. Các cô giáo các trường mầm non trong TCHC đã tổ chức nhiều hoạt động thi giáo viên dạy giỏi và làm đồ chơi tự tạo rất hiệu quả để dự thi cấp toàn quân và được thủ trưởng Tổng cục Chính trị khen thưởng, đánh giá cao.

Khi tìm hiểu qua Trung tá Phạm Thị Thơm, Trưởng ban Phụ nữ (Cục Chính trị, TCHC) tôi được biết, những năm trước, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức gặp mặt, tặng quà, tuyên dương các cháu học sinh giỏi, đạt giải trong các kỳ thi tỉnh, TP được thực hiện ở một địa điểm. Có năm thì tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, có năm thì tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhưng có năm lại tổ chức ở TP Đà Nẵng, trung tâm của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Những cháu ở xa không đến được thì TCHC gửi quà và ủy quyền cho chỉ huy các đơn vị tổ chức gặp mặt. Thiết nghĩ, trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay, làm được như thế cũng là ý nghĩa lắm rồi. Thế nhưng, năm 2014 này, Ban Phụ nữ TCHC đổi mới hơn một bước, họ đã tham mưu cho chỉ huy TCHC tổ chức gặp mặt tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trung tá Phạm Thị Thơm cho biết:

- TCHC có nhiều loại hình đơn vị nhỏ lẻ, đóng quân ở khắp các vùng miền cả nước, trong đó có những kho, trạm đứng chân tại địa bàn heo hút, xa trung tâm đô thị. Toàn Tổng cục có gần 9.000 phụ nữ, trong đó nhiều chị em có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Nếu tổ chức không đều thì các cháu ở xa thiệt thòi quá.

Thực tế, các cháu là con các đối tượng công tác trong TCHC học giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi các cấp rất đông, gần 3.400 cháu. Nhiều cháu con cán bộ, chiến sĩ, người lao động ở các tỉnh lẻ có thành tích học tập vượt trội. Điển hình là cháu Đỗ Thị Thúy Ngọc, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), con của đồng chí Đỗ Duy Minh, giáo viên Khoa Ô tô Trường Trung cấp Nghề số 13 đã đạt giải Vàng Toán-Tin cấp quốc gia. Hay như trường hợp cháu Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 7D, Trường THCS Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), con Thiếu tá Trần Thị Hà, quản lý đội 2 Đoàn An điều dưỡng 296 đã đạt giải nhất môn Toán lớp 7 của tỉnh Thanh Hóa.

Được trực tiếp chứng kiến các buổi lễ gặp mặt đầm ấm, nghĩa tình tại Tổng công ty 28 ở TP Hồ Chí Minh, tôi mới thấy hết sự sáng tạo trong cách làm của những phụ nữ đơn vị TCHC. Trong chương trình, các chị đã khéo sắp đặt để các cháu được xem và trực tiếp tham gia trò chơi “Chung tay xây dựng Hoàng Sa-Trường Sa”, được giáo dục về giá trị cuộc sống. Chẳng thế mà, sau chương trình, Thượng úy QNCN Trần Thị Thanh Thảo, nhân viên Tổng công ty 28 đã thổ lộ ước muốn rất chân thành:

- Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ tổ chức cho các cháu đến gần hơn với các hoạt động mà hằng ngày bố mẹ các cháu vẫn đang làm, qua đó để các cháu hiểu hơn giá trị cuộc sống, công lao của bố mẹ và những người lính hậu cần hôm nay.

Bài, ảnh: LÊ CƯỜNG