QĐND - Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, quân đội của dân, do dân và vì dân, được sinh ra và lớn lên từ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lịch sử gần 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam đã khẳng định QĐND Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam sáng lập, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất của giai cấp công nhân, và “…là quân đội nhân dân, do nhân dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Lực lượng tham gia quân đội là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Qua được giáo dục, rèn luyện trong quân đội, họ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội”(1).

“Vì nhân dân mà chiến đấu” là một nét đặc trưng nổi bật trong bản chất, truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam. Đặc trưng “vì nhân dân mà chiến đấu” của QĐND được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. “Vì nhân dân mà chiến đấu” là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội, là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội ta lên đường chiến đấu để thực hiện bằng được mục tiêu, lý tưởng cao cả: Độc lập dân tộc và CNXH, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Thôi thúc cán bộ, chiến sĩ ta hăng hái tham gia lao động sản xuất để vừa tự túc một phần vật chất, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân, vừa tham gia xây dựng đất nước, phục vụ “quốc kế dân sinh”.

Luyện tập diễu hành dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Ảnh: Quang Thái.

“Vì nhân dân mà chiến đấu” được thể hiện sâu sắc trong những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”(2). QĐND chiến đấu, hy sinh vì dân, “có trách nhiệm phụng sự nhân dân” phải được thể hiện ở việc phát huy vai trò của quân đội thông qua việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu không chỉ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, mà còn vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. “Vì nhân dân mà chiến đấu” còn được thể hiện ở việc quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân công tác, tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Vì nhân dân mà chiến đấu” còn được thể hiện trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân lao động sản xuất góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. “Bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội”(3).

Để thực hiện tốt vai trò của quân đội “vì nhân dân mà chiến đấu”, thì quân đội phải chăm lo xây dựng sức mạnh chiến đấu để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực tiễn gần 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội đã cho thấy, sức mạnh chiến đấu của QĐND không chỉ bắt nguồn từ vai trò và sự lãnh đạo của Đảng, vai trò và sự quản lý của Nhà nước, từ sự chăm lo của các tổ chức chính trị-xã hội, từ sức mạnh bên trong của quân đội, mà sức mạnh chiến đấu của quân đội còn bắt nguồn từ nhân dân, từ sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc Việt Nam đối với quân đội.

Trong quá trình tổ chức, xây dựng, giáo dục, rèn luyện QĐND Việt Nam, nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân. Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”, “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào có thể tiêu diệt được”(4). Chỉ có dựa vào dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt thì quân đội mới giữ vững và phát huy được bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND, mới nâng cao được sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xa rời nhân dân, không gắn bó mật thiết với nhân dân, không liên hệ chặt chẽ với nhân dân, không dựa vào dân thì quân đội không thể có sức mạnh chiến đấu cao, không thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có dân là có tất cả”, “Quân dân một lòng, thì kháng chiến ắt thắng lợi, kiến quốc ắt thành công”(5).

Nhân dân không chỉ là nguồn cung cấp sức người, sức của cho bộ đội, mà chính nhân dân còn là lực lượng luôn giúp đỡ, nuôi dưỡng, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ quân đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Thực tiễn 70 năm qua cho thấy, trong những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mặc dầu còn phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhưng nhân dân các dân tộc Việt Nam đã vượt lên những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần để giúp đỡ bộ đội với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong điều kiện hòa bình xây dựng và bảo vệ đất nước, mặc dù còn phải chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là sau những năm đất nước vừa được giải phóng, bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, nhưng nhân dân đã hết lòng giúp đỡ bộ đội trong xây dựng, huấn luyện, SSCĐ, cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ khác.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực; điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, cũng như sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”; trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, thì yêu cầu, nội dung “vì nhân dân mà chiến đấu” của QĐND cũng có những nét phát triển mới.

Điều đó được thể hiện ở việc QĐND tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp, SSCĐ, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, nhất là góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, giữ vững môi trường hòa bình để đất nước phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, QĐND không chỉ chiến đấu bảo vệ nhân dân, mà còn phải quan tâm giúp đỡ nhân dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, nhất là ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả chiến tranh… Đặc biệt, quân đội phải tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của quân đội.

Thông qua quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân công tác vận động quần chúng, đội quân lao động sản xuất mà cán bộ, chiến sĩ thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng sức dân, chăm lo vun trồng cái nền, gốc tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Trong điều kiện thời bình, cán bộ, chiến sĩ quân đội càng phải thật sự đi sâu, đi sát, gần gũi nhân dân. “Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”(6). Đi đôi với bồi dưỡng sức dân, cán bộ, chiến sĩ QĐND còn phải biết tôn trọng sức dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải nhớ rằng, tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của bộ đội đều do dân làm ra, do nhân dân dành dụm, tiết kiệm mà có và đều là mồ hôi, công sức của dân”.

Thông qua quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất của QĐND trong thời kỳ mới để tiếp tục khẳng định bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nhất là đặc trưng “vì nhân dân mà chiến đấu” - nét đặc sắc trong bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta đã được hình thành, xây dựng và phát triển, được giữ vững và phát huy trong 70 năm xây dựng, trưởng thành. Khẳng định vai trò của QĐND trong việc giúp đỡ dân, bảo vệ dân, cũng như thường xuyên chăm lo củng cố cái nền, gốc tạo nên sức mạnh chiến đấu của QĐND. Đồng thời, tiếp tục khẳng định việc phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu của QĐND, bảo đảm cho quân đội ta luôn luôn là quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” là một trong những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

___________

(1) Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội 2002, tr.570.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 207.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 207.

(4) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H. 1977, tr. 130.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 350.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 207.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG