QĐND Online - Trường Sĩ quan Không quân được trên giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng một số lượng lớn các loại vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho nhiệm vụ huấn luyện bay, huấn luyện đào tạo và tìm kiếm cứu nạn....

Những năm gần đây, ngoài nhiệm vụ bảo đảm công tác kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện bay đào tạo học viên phi công trên loại máy bay Iak-52, L-39, Trường còn tổ chức huấn luyện đào tạo lý thuyết cho học viên phi công quân sự, nhân viên kỹ thuật trên các loại máy bay họ Su và huấn luyện chuyển loại, đào tạo giáo viên, học viên trên loại máy bay trực thăng Mi-8 nhằm thực hiện tốt 2 đề án ‘‘Đầu tư xây dựng lực lượng, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho đào tạo trên nền máy bay họ Su” và thành lập ‘‘Trung tâm huấn luyện trực thăng tại Trường Sĩ quan Không quân”.

 Kiểm tra công tác bảo dưỡng thiết bị trước khi lắp lên máy bay

Đại tá Phan Đình Phương, Chủ nhiệm kỹ thuật Trường Sĩ quan Không quân cho biết, để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật, cấp uỷ các cấp trong Trường đã thường xuyên quán triệt sâu sắc Nghị quyết 382/NQ- ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Chủ động kiểm tra, rà soát thực lực các loại VKTBKT hiện có, xác định đầy đủ mức độ, chất lượng từng loại VKTBKT để có kế hoạch sửa chữa, dồn lắp, hồi phục và tăng hạn theo đúng quy trình, hướng dẫn của trên, nhất là quy định thống nhất sử dụng các loại kỹ thuật hàng không do nhà máy chế tạo quy định, nhằm nâng cao hệ số kỹ thuật và bảo đảm độ tin cậy vững chắc của VKTBKT cho các nhiệm vụ.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm mới các mô hình học cụ và ứng dụng CNTT, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện, giảng dạy, Trường còn tổ chức thành lập ban chuyên gia đầu ngành ở các cấp, có nhiệm vụ phối hợp với ngành khoa kỹ thuật hàng không để nghiên cứu, xác định các nguyên nhân hỏng hóc trên kỹ thuật hàng không, qua đó có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời khi có yêu cầu. Nhờ đó, công tác bảo đảm kỹ thuật của Trường đã từng bước đi vào chiều sâu, đạt kết quả vững chắc; chất lượng huấn luyện kỹ thuật và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học công nghệ ở các cấp được nâng lên rõ rệt; hệ thống kho tàng kỹ thuật được củng cố, nâng cấp theo hướng chính quy, an toàn. 

5 năm qua, toàn ngành kỹ thuật đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 9 đề tài khoa học cấp Quân chủng và Bộ Quốc phòng; 24 sáng kiến cải tiến cấp trường; 36 nhiệm vụ ngành. Nhiều sáng kiến, cải tiến ra đời đã giải quyết một phần khó khăn trong công tác giảng dạy, quản lý và khai thác sử dụng VKTBKT, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và độ tin cậy của kỹ thuật hàng không, góp phần bảo đảm an toàn bay cho đơn vị như các sáng kiến: Mô phỏng hoạt động của động cơ M-14P; Mô phỏng thiết bị điểm lửa khởi động động cơ Su-22M4; Thiết bị rửa và kiểm tra khả năng đánh lửa của buzi СД-49 CMM; Thiết bị tập lái máy bay Iak-52; máy bay L-39...

 Kiểm tra thay lốp máy bay trong ngày chuẩn bị bay

Cùng với sự phát triển về yêu cầu nhiệm vụ, Trường cũng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật cơ bản đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đến nay, toàn trường đã có 30% cán bộ kỹ thuật có trình độ kỹ sư, thạc sĩ; 50% có trình độ cao đẳng, trung cấp; 20% trình độ sơ cấp. Ban chỉ đạo Cuộc vận động 50 của Trường cùng với ngành kỹ thuật đã chủ động tìm nhiều biện pháp để duy trì và nâng cao độ tin cậy của VKTBKT, trong đó chú trọng nâng cao trình độ khai thác sử dụng trang bị của các thành phần; tổ chức huấn luyện kỹ thuật chuyên sâu cho các đối tượng trước khi thực hiện nhiệm vụ; bồi dưỡng kỹ năng xử lý và khả năng phán đoán, phân tích hỏng hóc của người sử dụng trang bị trên cơ sở nắm chắc và làm chủ VKTBKT hiện có. Trung bình hàng năm ngành kỹ thuật tổ chức tập huấn, huấn luyện tại chức cho 1.240 lượt người, bao gồm các thành phần kỹ thuật, giảng viên phi công và học viên bay; lên lớp khai thác sử dụng VKTBKT cho 285 lượt học viên; bồi dưỡng kiến thức thi nâng bậc thợ và kiểm tra tay nghề cho các đối tượng 346 lượt người.

Những kết quả mà ngành kỹ thuật Trường sĩ quan Không quân đã đạt được cho thấy hiệu quả quản lý và khai thác sử dụng các loại VKTBKT đã được cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật của nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG