QĐND - “Về đất liền đã hơn 3 tháng, nhưng những kỷ niệm về Trường Sa, nhất là về đảo Sơn Ca luôn ở trong tôi, có lúc nhớ biển, nhớ đảo đến nao lòng” - Đó là tâm sự của Đại úy, bác sĩ Vũ Khánh Cường (Viện Quân y 110, Quân khu 1) khi trò chuyện với tôi.

Bác sĩ Vũ Khánh Cường (bên phải) cùng đồng đội ở đảo Sơn Ca.

Tháng 12-2011, bác sĩ Cường được Đảng ủy, Ban Giám đốc Viện Quân y 110 cử đi làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Sau hơn 2 năm công tác tại đảo, tháng 1-2013, anh trở lại đất liền. Trong câu chuyện với tôi, anh chia sẻ: "Hơn 2 năm gắn bó với đảo, điều đọng lại sâu sắc trong anh là những lần cùng các thầy thuốc của bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu, điều trị cho ngư dân bị bệnh, bị tai nạn khi đánh bắt hải sản tại vùng biển Trường Sa. Ngư dân hoạt động trên biển dài ngày thường phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, trong đó, nguy cơ bị bệnh, bị tai nạn lao động khá cao. Khi bị sự cố, các ngư dân chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của bệnh xá tại các đảo”.

Khi có ngư dân đến cấp cứu, bất luận trong hoàn cảnh nào, các thầy thuốc trên đảo luôn làm việc với trách nhiệm cao nhất, giúp các ngư dân vượt qua bạo bệnh. Ngày 4-9-2012, bác sĩ Cường cùng các đồng nghiệp mất hơn một giờ để khâu 14 mũi trên má trái của anh Nguyễn Tiến, thuyền viên tàu cá mang số hiệu QN95806TS ở Quảng Ngãi. Trong lúc thu câu, bất ngờ, anh Tiến đã bị một con cá ngừ đại dương đâm vào mặt, dẫn đến rách má trái và xây xát phần mềm quanh cổ. Do nước biển và không khí ở Trường Sa có độ mặn rất cao, nếu bị vết thương hở mà để lâu, xử lý không đúng cách thì người bị nạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Làm nhiệm vụ trong điều kiện nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Đại úy Vũ Khánh Cường cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần để quân - dân thêm yên tâm gắn bó với biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH THẮNG