QĐND - Hào hứng, sôi nổi là không khí của lớp đào tạo sĩ quan dự bị khi học nội dung “Hành động của trung đội bộ binh đánh địch tiến công trước tiền duyên” trên thao trường của Trường Quân sự Quân khu 9. Thiếu tá Nguyễn Đình Tâm, Giáo viên chiến thuật Khoa Binh chủng hợp thành, lắng nghe cách bố trí lực lượng, cách đánh của từng học viên, sau đó trao đổi, phân tích để cùng tìm ra những hạn chế trong các tình huống phòng ngự được đưa ra. Lớp học càng thêm hào hứng khi được nghe giáo viên kể về một số chiến lệ của quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long trong tổ chức phòng ngự đánh địch cấp trung đội.

Trao đổi với với chúng tôi sau khi kiểm tra lớp học, Đại tá, Tiến sĩ Tống Thành Phong, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 9 vui vẻ cho biết:

- Đây là một trong những nội dung được giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực theo yêu cầu đưa người học từ vị trí thụ động sang chủ động tư duy, nghiên cứu bài giảng, khiến nội dung bài trở nên cuốn hút, dễ nhớ, dễ hiểu. Tiêu chí đặt ra là, mỗi giờ giảng dù là trên giảng đường hay thao trường đều phải bảo đảm đạt được ba yếu tố: Nhân cách sư phạm (gần gũi với học viên), kiểu mẫu về bài giảng (quy cách, chu đáo…), kiểu mẫu về thực hành (vận dụng mọi phương pháp giảng dạy).

Thực hành huấn luyện nội dung Trung đội Bộ binh đánh địch tiến công trước tiền duyên.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những khó khăn chính ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường là đối tượng đào tạo chủ yếu là hạ sĩ quan và sĩ quan dự bị. Đối tượng này chất lượng đầu vào chưa cao, khả năng nhận thức, tiếp thu kiến thức còn hạn chế; bên cạnh đó, thời gian đào tạo ngắn, nội dung kiến thức nhiều, hoạt động quân sự ở cường độ cao, lặp đi lặp lại nhiều lần… dễ nảy sinh nhàm chán trong học tập. Thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định đột phá vào nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy theo hướng đổi mới lối dạy từ “thầy đọc, trò ghi” bằng cách xây dựng phương pháp dạy học tích cực để người học tiếp thu kiến thức tốt nhất. Trên cơ sở đó, nhà trường đã đề ra các yêu cầu, tiêu chí cụ thể cho từng đối tượng: Giáo viên phải nhiệt tình, tâm huyết, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, có phương pháp sư phạm tốt, biết ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, biết định hướng phát triển của học viên theo mục tiêu đào tạo và bảo đảm sự tự do của học viên trong hoạt động nhận thức; cán bộ quản lý theo sát nắm chắc nội dung bài học, ý định luyện tập của giáo viên và khả năng nắm bài của học viên, phối hợp với giáo viên để tổ chức, hướng dẫn, duy trì học viên học tập, phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực của người học để nâng cao chất lượng học tập của đơn vị; học viên năng nổ, tự giác và trách nhiệm trong học tập, có ý thức giúp đỡ kèm cặp các học viên còn hạn chế trong tổ, nhóm…

Đại tá Tống Thành Phong cho biết thêm: Khi triển khai thực hiện chủ trương này, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, bởi một số người cho rằng: Đề ra phương pháp dạy học tích cực chỉ mang tính hình thức, nghiên cứu trong thời gian ngắn, còn giảng dạy theo truyền thống đã cố hữu không thể thay đổi. Hay một số giáo viên chưa thật sự quan tâm đầu tư cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn thấp. Còn đối với học viên, đa số đã quen học thụ động, học thuộc lòng nên không mặn mà với việc tìm hiểu và phát biểu ý kiến…

Nhằm thống nhất về mặt nhận thức, nhà trường đã tổ chức tọa đàm khoa học “Phương pháp dạy học tích cực” để giúp cán bộ, giáo viên hiểu đúng bản chất của phương pháp dạy học tích cực, cũng như nhìn nhận về thực trạng phương pháp dạy học hiện nay ở các khoa, về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trong toàn trường…; đồng thời tìm ra đáp án cho yêu cầu vận dụng các phương pháp dạy học tích cực ở từng khoa, bộ môn như thế nào cho có hiệu quả. Cùng với đó, nhà trường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ (hiện nay 89% cán bộ, giáo viên được đào tạo đại học và sau đại học). Nhà trường cũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm trang bị, mô hình học cụ trực quan phục vụ công tác giảng dạy; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ môn, khoa thực hiện đổi mới theo phương pháp dạy học tích cực. Nhờ vậy, phương pháp dạy học tích cực đã dần được áp dụng ở tất cả các bộ môn, khoa. Ví dụ như: Khoa Khoa học Xã hội nhân văn đã xây dựng “bài giảng mẫu”, “giờ giảng mẫu” trên cơ sở kết hợp đưa các tình huống xảy ra trong đời sống, sinh hoạt công tác vào bài giảng để học viên suy nghĩ, liên hệ giải quyết tạo hứng thú và tăng khả năng tiếp thu bài cũng như vận dụng vào thực tiễn; ở các môn quân sự, khi giảng bài lý luận đã đưa vào nhiều nội dung (chiến lệ) chứng minh cho nguyên tắc bằng hình ảnh trình chiếu. Khi giảng thực hành chiến đấu đã linh hoạt trong đưa ra nhiều tình huống để gợi mở, kích thích tính tích cực của người học trong đóng góp, thảo luận xây dựng phương án xử lý…

Thiếu tá Phan Thanh Lâm, học viên lớp Chỉ huy Tham mưu hậu cần-kỹ thuật, cho biết:

- Lúc đầu học viên chúng tôi cũng bỡ ngỡ vì thường xuyên được gọi lên kiểm tra nhận thức bài học. Sau thì thấy rất hứng thú vì được trình bày chính kiến, quan điểm cũng như được giáo viên sửa sai ngay trên lớp. Theo tôi, phương pháp dạy học tích cực rất bổ ích, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và sát thực tế.

Việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Trường Quân sự Quân khu 9. Năm học 2013-2014, kết quả các khóa học 100% đạt yêu cầu, trong đó có 96,13% khá, giỏi (tăng 2,12% so với năm trước). Qua kiểm tra 100% giáo viên của trường đạt điểm giỏi.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ - DUY SỰ