QĐND Online-Ngay sau khi cơn bão số 10 vừa tan, chúng tôi về Trường Quân sự Quân khu 4 để tìm hiểu công tác bảo đảm ăn uống hàng ngày của bộ đội. Đại tá Nguyễn Đình Tăng- Chủ nhiệm Hậu cần- Kỹ thuật Nhà trường cho biết: Liên tiếp trong nhiều tuần qua, trên địa bàn quân khu nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng mưa lớn kéo dài trên diện rộng, sau đó là cơn bão số 10 ập vào với sức tàn phá ghê gớm. Trên địa bàn đóng quân, giá cả các loại thực phẩm tăng đột biến, nhất là rau xanh. Tuy nhiên do chủ động được nguồn thực phẩm từ tăng gia sản xuất (TGSX) và chế biến tập trung nên bữa ăn hàng ngày vẫn giữ vững.

Có mặt tại nơi cấp phát thực phẩm tập trung, qua sổ xuất nhập thực phẩm, chúng tôi nhận thấy, toàn bộ thực phẩm cấp cho bếp ăn trong tuần đều do đơn vị tự túc. Trung uý Chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Huy, Trạm trưởng chế biến, chăn nuôi tập trung cho biết: Trạm được biên chế 6 đồng chí, có nhiệm vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến đậu phụ, nước mắm, ủ giá, làm giò chả, sản xuất nấm rơm, trồng chuối, bầu bí, ngô... Tất cả các sản phẩm chăn nuôi của đơn vị và khu TGSX tập trung đều được nhập về Trạm để chế biến bảo đảm cho các bếp theo thực đơn chung thống nhất trong toàn trường. Hằng ngày, các nhân viên phải dậy từ 2 giờ chuẩn bị các loại thực phẩm theo kế hoạch, bảo đảm cấp phát xong cho toàn bộ các bếp ăn trước 8 giờ sáng. Bình quân mỗi ngày, Trạm đảm bảo từ 200-230 kg thịt xô lọc các loại, 60-70 kg giò, 40- 50 lít nước mắm, 120 kg đậu phụ, 30-40 kg giá đỗ và các sản phẩm khác. Do nguồn thực phẩm tự TGSX nên giá thành cấp cho các bếp ăn thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm, rau xanh là 25%, thịt các loại 15%, cá tươi 17 %...

Kiểm tra chất lượng sản phẩm chế biến.

 

Để bảo đảm đủ thực phẩm cho các bếp ăn hàng ngày, theo Thiếu tá Đặng Văn Định, Trưởng ban Quân nhu, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức tốt hoạt động TGSX theo phương châm 4 cơ bản (Vườn cơ bản, chuồng cơ bản, giàn cơ bản, ao cơ bản) gắn với việc thực hiện 3 xanh (Xanh giàn, xanh vườn, xanh kho) và hiệu quả hoạt động chế biến, giết mổ tập trung. Hiện khu TGSX tập trung thường xuyên luôn duy trì 2000-3000 con gia cầm các loại, 250-300 con lợn/lứa, 500-600 con vịt đẻ trứng... cùng với 3 ha chè xanh, 6000 m2 ao thả cá. Ngoài ra, các cơ quan, khoa giáo viên, các tiểu đoàn học viên còn tận dụng diện tích hiện có để đẩy mạnh TGSX, bảo đảm đủ chỉ tiêu được giao. Đầu năm 2013, Nhà trường đã đầu tư 1,15 tỷ đồng cho các đơn vị vay vốn TGSX và củng cố hệ thống chuồng trại chăn nuôi để duy trì đàn lợn thịt từ 120-150 con/lứa/đơn vị. Để đảm bảo hiệu quả, mỗi đơn vị đều giao cho một đồng chí có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ này, do trợ lý hậu cần trực tiếp phụ trách. Riêng Ban Quân nhu chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nhân viên quân nhu các cấp và phối hợp với cơ quan thú y địa phương trong phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ nguồn thu từ TGSX kết hợp với chế biến, giết mổ tập trung, các bếp ăn trong toàn Trường đưa vào ăn bình quân 1000đồng/người/ngày, ăn lễ tết 20.000 - 30.000 đồng/người/ngày.

Có mặt tại bếp ăn Tiểu đoàn 5 đúng vào giờ bộ đội chuẩn bị ăn trưa, chúng tôi thấy trên bàn ăn, ngoài cơm, canh, còn có món thịt gà kho, rau muống xào giá, đậu phụ rán, cá kho, giò lụa và chuối tiêu tráng miệng. Trong điều kiện khó khăn về khí hậu, thời tiết, nhất là xảy ra bão lụt để đảm bảo bữa ăn bộ đội đủ cả lượng và chất đã khẳng định tinh thần chủ động, tích cực trong công tác hậu cần của Trường Quân sự Quân khu 4.

Bài và ảnh : NGUYỄN HỒNG QUANG