“Mấu chốt là đào tạo nghề sát nhu cầu thực tiễn, tăng cường sáng kiến, chủ động liên kết giới thiệu việc làm ổn định cho học viên để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu”, Đại tá Phạm Hoài Bắc, Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.

Đến lớp học của Khoa Điện-Điện tử, đơn vị tiêu biểu của nhà trường về kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng trong giảng dạy, chúng tôi chứng kiến kỹ sư Nguyễn Ngọc Phấn, Phó trưởng khoa đang tận tình hướng dẫn học viên mô hình thang máy 4 tầng điều khiển bằng PLC S7-200. Đây là một trong những đề tài khoa học có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn do thầy và trò của khoa chế tạo. Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Ngọc Phấn cho biết: “Sự phát triển nhanh của ngành xây dựng với những công trình cao ốc mọc lên ngày càng nhiều đã và đang thu hút các công ty, xí nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất thang máy. Trong đó các công ty, xí nghiệp đều tập trung vào cải tiến mẫu mã, ứng dụng công nghệ và giảm giá thành. Trước thực tế ấy, chúng tôi khích lệ giáo viên, sinh viên bám sát nhu cầu thực tiễn để nghiên cứu, tìm tòi, phát huy sáng kiến. Mô hình thang máy cùng nhiều sản phẩm khoa học khác đã hoàn thành như thế”.

Giáo viên Khoa Điện-Điện tử (Trường Cao đẳng Nghề số 8) giới thiệu mô hình thang máy 4 tầng cho học viên. 

Được biết, mô hình thang máy điện tử ra đời mô phỏng toàn bộ chu trình vận hành của một thang máy hiện đại, học viên được thực hành từng chi tiết, tự lắp ráp vi mạch và đề xuất ý tưởng cải tiến, nâng cấp, sau đó sẽ được áp dụng thử vào thực tiễn ở các tòa nhà, khắc phục triệt để khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Với quy trình khép kín, đổi mới thường xuyên, các sản phẩm nghiên cứu của nhà trường ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện phương châm đào tạo nghề xã hội cần, các khoa đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp để gửi sinh viên thực tập, phối hợp với doanh nghiệp đào tạo thực hành tại công ty, hạn chế tối đa tình trạng học chay hoặc hướng dẫn thực hành thông qua phương pháp thí nghiệm, tranh vẽ, hình minh họa… Nhờ được tiếp cận trực tiếp với các loại máy móc, trang thiết bị đang vận hành tại doanh nghiệp, học viên lĩnh hội được kiến thức đã học trên lớp, phát hiện ra những bất cập và nảy sinh sáng kiến ứng dụng vào từng công đoạn, dây chuyền sản xuất. Chẳng hạn như: Mô hình truyền động điện ứng dụng biến tần và PLC; mô hình Trạm trộn nhiên liệu; mô hình Thiết bị điều khiển vị trí… đều là kết quả của quá trình nghiên cứu thực tế tại xí nghiệp, công ty mà các giáo viên, học viên sáng chế ra. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, nhà trường có từ 20 đến 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được các doanh nghiệp đặt hàng ứng dụng.

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Quế, Trưởng phòng Đào tạo: “Nhà trường vận dụng phương pháp phối hợp đào tạo tại công ty vừa tiết kiệm kinh phí, vừa tăng kỹ năng thực hành cho học viên. Quá trình đó, các công ty đánh giá đúng thực chất khả năng của học viên để quyết định tuyển dụng ngay sau khi ra trường. Bởi thế, tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm ổn định đạt khoảng 85%-90%; một số ngành nghề đạt 100% như: Hàn, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, may thời trang… Mặt khác, thông qua việc phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề còn giúp cho đội ngũ giáo viên của trường nâng cao trình độ, kinh nghiệm, cập nhật những thành tựu khoa học công nghệ đang được ứng dụng trong thực tiễn để giảng dạy cho học viên; cũng từ sự phối hợp đó mà nhà trường nhận được ý kiến phản hồi, góp ý của doanh nghiệp và phản ánh của học viên về những thiếu sót, bất cập để kịp thời rút kinh nghiệm trong từng nội dung giảng dạy, đáp ứng thực tiễn phát triển nghề trên thị trường".

Trường Cao đẳng Nghề số 8 hiện đang triển khai đào tạo 6 nhóm nghề ở 3 cấp: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Riêng đối tượng bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề sẽ được miễn phí, ưu tiên chỗ ở và giới thiệu việc làm phù hợp. Trong thời gian học tập tại trường, học viên được giới thiệu việc làm mùa vụ tại các xưởng sản xuất và doanh nghiệp gần đơn vị; đồng thời, được nhà trường đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí đi lại. Trung tá Trần Xuân Bản, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ, cùng với đó mở rộng đối tượng đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên, học sinh trên địa bàn. Các cơ quan chức năng của nhà trường đang đẩy mạnh tư vấn nghề tại các đơn vị có quân nhân chuẩn bị xuất ngũ, các trường học phổ thông; giới thiệu những ngành, nghề đang được xã hội ưa chuộng và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để quân nhân lựa chọn theo khả năng nhằm ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH