QĐND Online - Cách đây vừa tròn 40 năm, trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30-1-1971/23-3-1971), Trung tướng Nguyễn Ân (nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1) đang là Tham mưu trưởng Sư đoàn 304, một trong 5 sư đoàn bộ binh tham gia chiến dịch. Năm nay, vị tướng trận mạc ấy đã bước sang tuổi 84, nhưng ông vẫn minh mẫn kể lại với chúng tôi về những tháng ngày cùng đồng đội làm nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao 543 phía bắc Đường 9 …

Khoảng tháng 2-1971, bộ phận chỉ huy phía trước của Sư đoàn 304 có đồng chí Duy Sơn, Sư đoàn phó, tôi (Tham mưu trưởng) và đồng chí Lê Đăng Dần, Chính uỷ, làm nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) phối thuộc cho Sư đoàn 304. Chủ trương của Bộ tư lệnh Mặt trận là khi địch vừa đổ quân xuống, đứng chân chưa vững là tiến công ngay. Trung đoàn 64 đã hình thành quyết tâm chiến đấu là tiêu diệt cụm Lữ bộ Lữ dù 3 và Tiểu đoàn dù 3 nguỵ ở điểm cao 543 bắc đường 9. Sư đoàn 304 đã tranh thủ thời gian tổ chức cho Trung đoàn 64 cùng xe tăng, pháo binh đi trinh sát địa hình địch và tình hình ở điểm cao 543.

Đồng chí Nguyễn Ân (đứng thứ hai, từ trái sang) giới thiệu khẩu pháo “Vua chiến trường” với đồng chí Trường Chinh tại điểm cao 241 Quảng Trị (năm 1973). Ảnh do nhân vật cung cấp.

Lúc đó, tôi cùng một số đồng chí cơ quan tham mưu xuống Trung đoàn 64 để cùng Trung đoàn đi trinh sát. Đến Trung đoàn, tôi gặp Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn 3), Khuất Duy Tiến ôm lấy tôi mừng rỡ: “May quá, gặp được thầy giáo của tôi đây rồi”. Tôi hỏi: “Đồng chí còn băn khoăn việc gì ?”. Khuất Duy Tiến bảo rằng từ khi nhận lệnh cấp trên tiêu diệt cụm Lữ dù 3 của địch, anh lo đến mất ăn mất ngủ. Tôi bảo: “Đừng lo, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu và xác định phương án tối ưu để diệt địch”. Đối với Khuất Duy Tiến, đây là lần đầu làm nhiệm vụ chỉ huy bộ đội đi B dài. Trên đường đi B đến trạm 30A thì địch tiến công ra đường 9 Khe Sanh, Trung đoàn 64 được lệnh dừng lại, chuyển sang phối thuộc cho Sư đoàn 304. Sở dĩ chúng tôi quen biết nhau là vì cách đó 10 năm tôi là tổ trưởng giáo viên Khoa chiến thuật Trường quân sự trung-cao cấp, còn Khuất Duy Tiến là học viên đang học tập tại trường. Gặp lại nhau, cả hai chúng tôi cùng phấn khởi ôn lại những kỷ niệm cũ…

Trở lại với nhiệm vụ trinh sát, ngoài việc nghiên cứu địa hình chung, chúng tôi còn phải nghiên cứu vị trí cơ động cho xe tăng lên được cao điểm 543. Sau quá trình trinh sát trên các hướng, chúng tôi nhận thấy chỉ có hướng đông nam, dốc thoai thoải là xe tăng có thể cơ động được, nhưng khó khăn là cây cối rậm rạp. Bàn đi bàn lại mãi, cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận là khắc phục bằng cách trước khi nổ súng tiến công ta dùng cưa cắt những cây ảnh hưởng đến đường cơ động của xe tăng nhưng chỉ cắt ngang chừng thân cây, chưa cho cây đổ ngay, đến đêm trước giờ tiến công ta sẽ hạ cây xuống.

Sau khi đi trinh sát về, Đảng uỷ Trung đoàn 64 đã họp thông qua kế hoạch tác chiến và đúng 5 giờ 30 phút ngày 17-2-1971 quân ta nổ súng tiến công. Vì địch chỉ có một vài lượt hàng rào bùng nhùng nên việc đánh cửa mở không có gì trở ngại. Khi tiến công điểm cao 543, ta bắt được sóng điện đài của tên Lữ trưởng Lữ dù 3 Nguyễn Văn Thọ. Thông qua điện của địch báo cáo và ra lệnh cho nhau, ta nắm được từng hướng, từng mũi của ta và cách đối phó của địch. Tại chỉ huy sở, chúng tôi nắm rất chắc tình hình, nhờ đó mà điều chỉnh lực lượng và xử lý mọi tình huống rất nhịp nhàng (sau này, khi ngồi nghĩ lại, chúng tôi nói vui với nhau: “Chỉ huy chiến đấu mà cứ như diễn tập, thật thú vị!”). Thông qua việc kiểm soát được lệnh chỉ huy qua điện đài của chúng, ta ra lệnh cho xe tăng tăng tốc tiến thẳng vào trung tâm trận địa rồi xông thẳng lên đỉnh đồi. Chúng tôi nghe rõ tiếng địch gọi qua điện đài: “Có hai xe tăng của Việt cộng đã cưỡi lên đầu chỉ huy sở, yêu cầu pháo binh bắn gấp…”. Ngay lập tức, các mũi của ta đã tiến thẳng lên chỉ huy sở của địch để hỗ trợ cho xe tăng còn bộ binh ta ập vào chỉ huy sở lùng sục bắt tù binh và bắt chúng dẫn đến cơ quan chỉ huy Lữ dù 3, trong đó có viên Đại tá Lữ trưởng Nguyễn Văn Thọ. Lúc đó là 8 giờ 30 phút ngày 17-2-1971, Bộ tư lệnh sư đoàn 304 báo cáo về Bộ tham mưu Mặt trận là Trung đoàn 64 đã chiếm được cao điểm 543 và bắt sống Lữ đoàn trưởng Lữ dù 3 của địch. Bộ chỉ huy mặt trận ngỡ ngàng. Anh Cao Văn Khánh, Tham mưu trưởng Mặt trận trực tiếp cầm máy hỏi tôi để xác minh thông tin, sau đó anh ra lệnh dẫn giải ngay tên Thọ lên để khai thác.

Sau khi tiêu diệt Lữ dù 3 trên cao điểm 543, chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ tiêu diệt quân địch lên phản kích từ hướng Bản Đông. Sáng 16-3-1971, anh Cao Văn Khánh gọi điện cho tôi nhắc: “Cậu phải chú ý, địch sẽ rút, nhưng nếu nó rút mà các cậu không biết, không đánh chặn thì các cậu không còn cái “nơi để đội mũ” đấy nhé !”. Nói rồi anh cười vui trên máy điện thoại…

Trong những ngày cuối của Chiến dịch, quân ta đã vây đánh địch rút chạy trên đường số 9, xác xe tăng, xe thiết giáp nằm ngổn ngang, chật cứng trên đường nên buộc địch phải bỏ lại hàng mấy trăm xe, pháo, còn bộ binh thì chạy luồn khe suối, rừng rậm để thoát thân. Anh em chúng tôi thì cảm thấy thật vui vì đã cùng đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ chung của Chiến dịch…

Bùi Vũ Minh

(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Ân)