Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng chủ yếu của Quân đội ta là các đơn vị Bộ binh với trang bị còn thiếu thốn, thô sơ. Một số đơn vị tiền thân của các Binh chủng như Công binh, Pháo binh, Thông tin được tổ chức với trang bị rất hạn chế. Cùng với lực lượng Phòng không, lực lượng Không quân cũng từng bước được hình thành và phát triển từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 3-3-1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 15/QĐA, thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay (phiên hiệu C47). Đây là bước chuẩn bị cho sự ra đời lực lượng Không quân và là bước đi phù hợp với tình hình, khả năng của đất nước lúc bấy giờ. “Ngày 3-3-1955 đánh dấu sự ra đời và được xác định là Ngày truyền thống hằng năm của Không quân nhân dân Việt Nam”.

 Thế hệ phi công trẻ của Trung đoàn Không quân 921.

Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 50/QĐ, thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân, trên cơ sở hợp nhất Bộ tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Binh chủng Phòng không được bổ nhiệm làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính, Cục trưởng Cục Không quân được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân.

Cuối năm 1963, đầu năm 1964, chính quyền Mỹ ráo riết tiến hành chiến tranh tâm lý, phá hoại miền Bắc nước ta. Do chưa được phép công khai, Trung đoàn Không quân 921 vẫn lấy danh nghĩa là đoàn bay đang học tập tại Trung Quốc. Đến ngày 3-2-1964, sau khi Quân chủng Phòng không - Không quân đã được thành lập, lễ ra mắt công khai Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 mới được tổ chức tại sân bay Mông Tự (Trung Quốc). Từ đó, ngày 3-2-1964, Trung đoàn Không quân 921 chính thức được thành lập và được mệnh danh là “Anh cả” của Không quân nhân dân Việt Nam.

Từ ngày trở về nước, tuy điều kiện bảo đảm hạn chế hơn so với ở sân bay nước bạn, song Trung đoàn đã nhanh chóng ổn định và tập trung vào huấn luyện, các bài bay ứng dụng chiến đấu, các phương án đánh địch được triển khai tập luyện. Sau hơn nửa năm, các phi công của Trung đoàn đã vững vàng, thuần thục các khoa mục chiến đấu trên không trong đội hình biên đội hai chiếc, bốn chiếc.

Trung đoàn Không quân 921 với các hoạt động kết nghĩa xuân canh trời. 

Ngày 2-4-1965, nhận được chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân chủng, Trung đoàn Không quân 921 xuất kích trận đầu. Đến 5 giờ 30 phút ngày 3-4-1965, nhiệm vụ chiến đấu đã được phổ biến, quán triệt đến các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn.

Trong trận chiến đầy cam go và ác liệt này, Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính, Chính ủy đều có mặt tại Sở chỉ huy Quân chủng, theo dõi trận ra quân đầu tiên của lực lượng không quân tiêm kích. Thượng tá Hoàng Ngọc Diêu, Phó tham mưu trưởng Quân chủng được Bộ tư lệnh giao trực tiếp chỉ huy trận đánh.

Dưới sự chỉ huy của thủ trưởng Quân chủng và sự mưu trí dũng cảm của Biên đội, 2 chiếc F-8U của địch bị Không quân Việt Nam bắn rơi trong trận đầu xuất kích. Những thước phim gắn trên máy bay của các phi công đi chiến đấu đem về đã chứng minh rõ ràng điều đó. Không quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện được quyết tâm đánh thắng trận đầu. Đây là chiến công có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ với Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, với bộ đội không quân mà còn góp phần cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân cả nước, làm nức lòng quân dân miền Nam đang trực tiếp đánh Mỹ ở tuyến đầu.

Chiến công của Không quân nhân dân Việt Nam đánh thắng Mỹ ngay ở trận đầu còn có tầm vóc quốc tế. Nó khẳng định mặc dù hiện đại, tinh xảo, tính năng cao song máy bay phản lực Mỹ cũng không thể làm mưa, làm gió trên bầu trời nước Việt Nam, trái lại chúng đã bị Không quân nhân dân Việt Nam non trẻ hạ gục. Đây là chiến thắng mở đầu cho một trang sử mới của Không quân nhân dân góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội ta và của cả dân tộc.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 đã thực hiện tốt nhiệm vụ Hồ Chủ tịch giao khi Người đến thăm đơn vị "Mở mặt trận trên không thắng lợi". Từ đó, ngày 3-4-1965 đã trở thành Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.

Trung đoàn Không quân 921 thực hành bay huấn luyện.  

Với những chiến công, thành tích đã đạt được, ngày 22-12-1969, Trung đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quốc hội phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND, 3 đại đội bay, 1 tiểu đoàn bảo đảm, 24 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND, trong đó Đại đội 1 được tuyên dương anh hùng lần thứ 2; được tặng thưởng 19 Huân chương Quân công, 150 Huân chương Chiến công, 137 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trên chặng đường hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, phi công, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng của Trung đoàn Không quân 921 đã và đang luôn ra sức thi đua học tập rèn luyện, xứng đáng với 16 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.

Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng cao trong tình hình mới, lực lượng cán bộ, chiến sĩ, phi công, nhân viên kỹ thuật phân tán nhưng Trung đoàn Không quân 921 luôn khắc phục mọi khó khăn, thử thách, giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí tiến công, bản lĩnh, đoàn kết, tự lực, tự cường, lập nên những thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tá PHẠM VĂN TỪ, Chính ủy Trung đoàn 921

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.