QĐND Online - Ở Tây Bắc Tổ quốc, nơi quanh năm khô cằn, sỏi đá, song với sự cần cù, chăm chỉ và lòng quyết tâm, những người lính biên phòng Thanh Luông (Điện Biên) đã không chỉ trồng được rau, nuôi được cá mà quan trọng hơn, họ còn hướng dẫn đồng bào các dân tộc địa phương cùng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Tăng gia, sản xuất cũng là một nhiệm vụ

Đó là điều mọi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên luôn luôn tâm niệm và nỗ lực làm tốt. Đứng chân tại địa bàn xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Đồn Biên phòng Thanh Luông được giao nhiệm vụ quản lý 13km đường biên trên tuyến biên giới Việt - Lào với 7 cột mốc chủ quyền thuộc địa giới hành chính của 3 xã là Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa. Địa bàn quản lý của Đồn gồm 73 thôn, bản trải dài trên địa hình phức tạp, bị chia cắt, giao thông đi lại hạn chế; dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Dao… còn gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Bám sát những đặc điểm đó, cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới, Đảng ủy, chỉ huy Đồn luôn tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất trên cơ sở hiệu quả thực tiễn từ các mô hình tăng gia sản xuất của đơn vị.

Dọc theo trục đường bê tông dài gần 30km, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Thanh Luông vào một ngày đầu tháng 10. Ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, đồng bào các dân tộc nơi đây vốn không có thói quen tăng gia, chăn nuôi do đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho đời sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng thiếu thốn. Nhận thức rõ điều này, cán bộ, chiến sĩ đồn xác định, hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất là trọng tâm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Song, để thay đổi được cách nghĩ, cách làm của bà con là điều hoàn toàn không hề giản đơn. Bởi như Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Luông chia sẻ, tâm lý chung của đồng bào các dân tộc là chỉ thực sự tin những gì cán bộ tuyên truyền khi họ được “mắt thấy, tai nghe”, và khi đã tin rồi, đã “ưng cái bụng” rồi thì bà con sẽ vui vẻ, tự giác làm theo. Vậy nên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông đã khắc phục mọi khó khăn để thực hiện bằng được điều tưởng chừng như không thể, đó là trồng rau, trồng lúa, nuôi cá, thả bò… ngay trên chính mảnh đất vốn quanh năm chỉ dành cho cỏ dại.

Bộ đội Biên phòng Thanh Luông hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi bò sinh sản.

Như một cán bộ khuyến nông vùng cao thực thụ, Thiếu tá Hoàng Văn Công, Đội phó Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Thanh Luông) giới thiệu cùng chúng tôi về cách thực hiện, yêu cầu kỹ thuật, hiệu quả kinh tế từ mô hình kết hợp giữa thả cá và nuôi vịt siêu trứng của đồn. Vừa ngắm nhìn đàn cá thi nhau đớp mồi, anh Công vừa chia sẻ, ngày đầu bắt tay vào làm, anh em chúng tôi gặp phải vô vàn khó khăn. Đất khô cằn, phương tiện cơ giới không có đường vào nên mọi việc đều phải thực hiện bằng sức người. Tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ lại động viên nhau đào ao trữ nước, vỡ đất trồng rau, xây chuồng nuôi lợn, nuôi bò… Biết bao mồ hôi đã đổ xuống, song thành quả lớn nhất chính là niềm tin của bà con, là những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đồn quản lý. Với các hoạt động chủ yếu như nuôi trâu bò, nuôi cá, nuôi vịt, trồng rau xanh các loại… chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2014, quỹ vốn tăng gia của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông đã lên tới hơn 514 triệu đồng. Kết quả này không chỉ giúp đồn giữ vững vị trí “quán quân” về tăng gia sản xuất trong đội hình của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên mà còn giúp cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời cũng là “nguồn lực” quan trọng để anh em có điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn đóng quân.

Phát triển sản xuất kết hợp với giữ vững biên cương

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng với hành trình “trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình thả cá kết hợp nuôi vịt siêu trứng, mô hình nuôi dê núi, mô hình nuôi trâu bò sinh sản, mô hình nuôi lợn siêu nạc và các mô hình trồng ngô cao sản; thâm canh lúa nước; chuyên canh dưa chuột, mướp đắng… Cũng từ chính những mô hình hiệu quả này, với quy trình: “Tuyên truyền - Làm điểm - Tham quan - Làm thực tế”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông đã thực sự thành công trong việc mở ra hướng thoát nghèo hiệu quả và bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Thực hiện tốt “Quy chế phối hợp hoạt động”, Đảng ủy, chỉ huy Đồn đã chủ động phối hợp cùng cấp ủy đảng, chính quyền các xã trên địa bàn thường xuyên tổ chức cho nhân dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất của đồn. Đồng thời cử cán bộ xuống từng bản, tận tình hướng dẫn bà con những vấn đề về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Kim Dung, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nưa phấn khởi cho biết: “Không chỉ giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, BĐBP Thanh Luông đã thực sự trở thành những “người thầy”, “người bạn” đồng hành cùng nhân dân các dân tộc Thanh Nưa trong cuộc chiến chống đói nghèo”.

Với khẩu hiệu “Biên giới là nhà, cán bộ, chiến sĩ cùng là anh em”, những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông đã luôn chủ động khắc phục khó khăn để cùng chung sức xây dựng “mái nhà biên giới” ở 3 xã Thanh Hưng, Thanh Nưa, Thanh Luông ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: TẠ QUANG ĐẠO