QĐND - Sát cánh cùng địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, trong mấy ngày qua, Bộ tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị của Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn đã điều động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện, máy móc về các địa phương giúp dân. Hiện các đơn vị đang tích cực quyên góp, vận động các nhà tài trợ ủng hộ đồng bào vùng bão lũ với tinh thần “tương thân tương ái”…
Bao nỗi âu lo
Bão đã tan, mưa đã tạnh, nhưng thiệt hại do cơn bão số 11 gây ra rất nặng nề đối với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Theo thống kê, Đà Nẵng có 11 người bị thương, 122 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 5.271 ngôi nhà bị tốc mái, gần 40.000 cây xanh bị gãy đổ, tuyến đường Hoàng Sa, ĐT 604, ĐT 601 bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính 868,8 tỷ đồng…
Tỉnh Quảng Nam có 3 người chết, 6 người bị thương, 290 ngôi nhà bị sập, 21.206 ngôi nhà bị tốc mái, 155 phòng học, công sở bị hư hỏng, 34.270ha cây công nghiệp và cây lâm nghiệp bị đổ, 5.374ha rau màu các loại bị chìm trong nước, 41 ghe thuyền bị chìm và hư hỏng hoàn toàn, nhiều tuyến đường giao thông và công trình thủy lợi bị hư hại… Tổng thiệt hại ước tính lên tới 493 tỷ đồng.
 |
Bộ đội Quân khu 5 giúp nhân dân dựng lại nhà cửa. |
Đáng lo ngại nhất sau bão là cây cối gãy đổ ngổn ngang, rác tấp đầy, xác động vật chết thối ở các địa phương... là mầm mống gây dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc, trên địa bàn huyện có tổng số 5.116 nhà, 1.003 giếng đào, 11 chợ bị ngập lụt nên có khả năng xảy ra một số dịch bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy, nước ăn chân, sốt xuất huyết…
Việc hàng nghìn héc-ta lúa mùa và hoa màu bị hư hại nặng nề sẽ khiến bà con nông dân mất mùa, đói kém, trong khi tình hình mưa lũ vẫn còn kéo dài, mùa giáp hạt đang đến. Hàng nghìn ngôi nhà bị sập và tốc mái khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn thêm. Hệ thống đê điều, thủy lợi, đường giao thông hư hỏng nghiêm trọng và việc giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội là nỗi âu lo của cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai địa phương.
Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”
Từ trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần “tương thân tương ái” lại được nhân lên gấp bội. Với khẩu hiệu “Trong gian khổ càng thương đồng bào”, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội, Công an thường xuyên sát cánh cùng lực lượng dân quân, tự vệ và cấp ủy, chính quyền địa phương di dời 18.655 hộ với 72.831 nhân khẩu đến vùng an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh tiếp tục huy động mọi lực lượng giúp địa phương và nhân dân sớm khắc phục, sửa chữa, dựng lại trường học, nhà ở, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để có chỗ cho con em đến trường và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung khắc phục nhanh hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, các tuyến đường giao thông đang bị ách tắc…
Ngay sau khi bão dứt, Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam đã huy động 6 xe đặc dụng và 160 công nhân thu gom rác thải. Hiện nay tất cả các địa phương trong tỉnh, cán bộ, công nhân viên vệ sinh môi trường đang làm việc không có thời gian ngơi nghỉ, tập trung dọn dẹp vệ sinh cả ngày lẫn đêm để bảo đảm môi trường phòng, chống dịch bệnh.
 |
Ngành điện lực Đà Nẵng khắc phục sự cố mất điện.
|
UBND tỉnh và UBND các huyện đã chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm và thuốc men để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Chiều 16-10, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tại huyện Điện Bàn và quyết định hỗ trợ đợt 1 với số tiền 700 triệu đồng cho Quảng Nam để góp phần giúp các gia đình có người chết, người bị thương và có nhà sập, tốc mái nặng. Tỉnh đoàn Quảng Nam phối hợp với Công ty CP Đầu tư Tân An Thành thăm và hỗ trợ 200 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các hộ dân bị thiệt hại nặng tại địa bàn các xã Điện Dương (Điện Bàn), Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên).
UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các lực lượng trên địa bàn thành phố “vào cuộc” quyết liệt nhằm khắc phục hậu quả do bão số 11 để lại, bảo đảm người dân sớm ổn định cuộc sống. Để có điện, nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, trong những ngày qua cán bộ, công nhân ngành Điện lực Đà Nẵng đã chạy đua với thời gian để sửa chữa, khắc phục tình trạng mất điện. Đến sáng 17-10, Điện lực Đà Nẵng đã khôi phục được hơn 90% phụ tải, trong đó 100% khu vực trung tâm thành phố và các phụ tải ưu tiên như nhà máy nước, bệnh viện, trung tâm hành chính các quận, huyện; hơn 85% trung tâm xã, phường... đã có điện. Nhà máy nước Cầu Đỏ đã nhận nguồn điện cấp và hoạt động trở lại. Nhà máy nước Sân bay cũng được cấp điện để vận hành. Đến 12 giờ ngày 16-10, toàn bộ hệ thống cấp nước đã bảo đảm áp lực, cung cấp nước sạch sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn thành phố.
Bài và ảnh: TIẾN DŨNG – TRƯỜNG GIANG