Mặc dù cách xa nhau về địa lý, Việt Nam và Ba Lan đã phát triển mối quan hệ kinh tế-xã hội chặt chẽ ở nhiều cấp độ trong nhiều thập kỷ qua. Các lĩnh vực hợp tác mới cũng có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong thương mại và phát triển công nghiệp.

Đặc biệt, các vấn đề hợp tác liên quan đến lĩnh vực vũ khí và công nghệ mới về quốc phòng và an ninh rất quan trọng, giúp các nhà sản xuất và nhà cung cấp từ Ba Lan ngày càng có nhiều cơ hội để cung cấp cho các đối tác quan trọng nhất của họ. Đó chính là lý do cho sự hiện diện của Ba Lan cùng các đơn chào hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

leftcenterrightdel
Ông Grzegorz Piechowiak, Thứ trưởng Bộ Phát triển và Công nghệ Ba Lan. Ảnh do Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cung cấp 

Cùng sự phục hồi mạnh mẽ trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Ba Lan, quan hệ kinh tế Ba Lan-Việt Nam đã có hướng đi hoàn toàn mới trong những năm gần đây, nhất là từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết năm 2019.

Sự năng động và chỉ số tăng trưởng kinh tế cao của cả hai nước mang lại những tiềm năng cụ thể để đáp ứng các nhu cầu thương mại đặc thù. Theo dữ liệu năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan ở Đông Nam Á, tổng giá trị thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam vượt 4,6 tỷ USD. Ở Ba Lan, cộng đồng người Việt Nam có tổ chức tốt, thân thiện và được đánh giá rất cao. Theo số liệu thống kê, khoảng 30.000 người gốc Việt sinh sống và hoạt động kinh tế chủ yếu ở vùng lân cận thủ đô Warsaw, là cầu nối văn hóa-xã hội tự nhiên giữa hai nước.

Tất cả các yếu tố này giúp hình thành một điểm tham chiếu phù hợp để mở rộng phạm vi hợp tác thương mại Ba Lan-Việt Nam, đặc biệt là khi cấu trúc của nó đã trải qua những chuyển đổi năng động. Hơn nữa, cả hai nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, bước vào các lĩnh vực hoạt động mới với công nghệ tiên tiến hơn. Ở Ba Lan, lĩnh vực sản xuất vũ khí và công nghệ hàng không-vũ trụ ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân.

leftcenterrightdel
Các đại biểu hai nước tại Tham vấn liên Chính phủ Ba Lan-Việt Nam, tháng 11-2022. Ảnh do Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cung cấp

Công nghiệp quốc phòng cũng là lĩnh vực có thể thắt chặt đáng kể hợp tác thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam. Những thành tựu cụ thể của Ba Lan trong lĩnh vực công nghệ phòng thủ mới được chứng minh trong điều kiện chiến trường thực tế và ngày càng được những người tiếp nhận trên toàn cầu công nhận. Trong số đó có thể kể đến pháo tự hành, hệ thống không người lái, thiết bị tiêu diệt hệ thống không người lái và hệ thống phòng không di động, quang điện tử, hình ảnh nhiệt và súng cầm tay.

Một lợi thế quan trọng của các sản phẩm quốc phòng của Ba Lan mà Việt Nam có thể đánh giá cao là tỷ lệ hiệu quả-chi phí, với độ tin cậy cao trong điều kiện giá cả phải chăng và chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp. Đặc biệt quan trọng, nhiều sản phẩm trong số này là các giải pháp đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến trường thực tế và liên tục được phát triển trên cơ sở kinh nghiệm thu được trong lĩnh vực này.

Các giải pháp của Ba Lan cũng là một cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác công nghiệp và phát triển cũng như chuyển giao các giải pháp lẫn nhau. Các nhà máy và nhà cung cấp của Ba Lan cũng cung cấp cầu nối công nghệ chuyển giao giữa các công nghệ hậu Xô-viết và phương Tây, cũng như khả năng tiên tiến trong lĩnh vực hiện đại hóa các thiết bị hiện có thuộc loại này.

Tất cả những điều này là bức tranh về các lợi ích chung tiềm năng. Việt Nam có thể mua và sử dụng các sản phẩm quốc phòng và công nghệ hàng không vũ trụ của Ba Lan. Đây là một nhân tố rất hứa hẹn để duy trì quan hệ kinh tế-thương mại chặt chẽ và xây dựng mối quan hệ bền vững lâu dài trong lĩnh vực quan trọng là công nghệ mới.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, gian hàng Ba Lan (số A148, sảnh A) do Bộ Phát triển và Công nghệ và Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Hà Nội đồng tổ chức. Một gian hàng riêng biệt sẽ được tổ chức bởi Công ty WB Electronics SA-một trong những công ty hàng đầu của Ba Lan trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến-và Công ty Lubawa SA-nhà sản xuất lều, mũ bảo hiểm, áo chống đạn... Tập đoàn Quốc phòng Ba Lan, Viện Nghiên cứu công nghiệp về tự động hóa và đo lường (PIAP), Công ty TNHH Jakusz, cổng thông tin Defence24 cũng bày tỏ sự quan tâm đến triển lãm. Đáng chú ý, PIAP sẽ có đơn chào hàng để xuất khẩu thành công robot sang thị trường châu Á.

NAM LONG