Để tiếp tục ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bộ đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc triển khai tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong toàn quân. Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) về nội dung này.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở nước ta và trong quân đội hiện nay?

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang. 

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang: Theo thống kê của Bộ Y tế, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10,7 triệu ca mắc. Vào tháng 4, tháng 5 vừa qua, số ca mắc, ca nặng và nguy kịch giảm rõ rệt, nhưng đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7 thì số ca mắc tăng trở lại, trung bình từ 700 đến 1.000 ca/ngày, những trường hợp F0 phải thở oxy tăng nhẹ.

Trong quân đội, đa số các ca F0 lây nhiễm từ cộng đồng, do bộ đội đã được tiêm đủ 3 mũi vaccine nên có triệu chứng nhẹ, phần lớn điều trị tại nhà và đơn vị. Hiện có 99 ca đang điều trị tại các tuyến (14 ca điều trị tại bệnh viện), những trường hợp này đã cơ bản được tiêm đủ 3 hoặc 4 mũi vaccine, sức khỏe ổn định, không có ca nào phải điều trị tích cực. Trước sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5, dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, có nguy cơ lây lan vào các đơn vị quân đội, nhất là ở địa bàn thành phố, khu vực đông dân cư.

PV: Trước diễn biến như vậy, mũi tiêm thứ 4 phòng Covid-19 có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang: Mặc dù thời gian gần đây, dịch Covid-19 ở nước ta có xu hướng giảm mạnh cả về số ca mắc, ca nặng, ca tử vong, tuy nhiên, với sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron và có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới thì dự báo dịch sẽ có những diễn biến bất thường, khó lường, có thể bùng phát làn sóng lây nhiễm mới. Một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất là sử dụng vaccine để giảm khả năng bị bệnh nặng, tránh nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong. Điều này đã được minh chứng qua thực tế, theo Bộ Y tế thì 80% trường hợp tử vong do mắc Covid-19 chưa tiêm vaccine.

Vaccine phòng Covid-19 không có tác dụng miễn dịch bền vững, theo thời gian sẽ giảm dần khả năng bảo vệ. Do đó, việc tiêm mũi 4 là cần thiết, đặc biệt là ở nhóm nguy cơ mắc bệnh cao, bệnh dễ chuyển nặng. Quân đội là lực lượng tuyến đầu, lao động đặc biệt, phần lớn làm việc trong điều kiện khó khăn, nặng nhọc, nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, sức đề kháng nên là một trong những lực lượng cần sớm phải tiêm vaccine mũi 4 phòng Covid-19.

PV: Thưa đồng chí, so với các đợt tiêm trước, lần triển khai tiêm mũi 4 tại các cơ quan, đơn vị có thuận lợi, khó khăn gì?

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang: Thực hiện chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng Covid-19, đến nay, toàn quân đã hoàn thành 20 đợt tiêm, an toàn tuyệt đối; trong đó đợt thứ 19 và 20 là tiêm mũi 4, hiện đang triển khai đợt 21 (mũi 4) cho nhiều đối tượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2022. Do đã có nhiều kinh nghiệm nên các cơ sở tiêm và đơn vị được tiêm đều tổ chức triển khai nhanh chóng, theo đúng quy trình chuyên môn, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, điều hành tiêm khoa học, an toàn. Tuy nhiên, do cuộc sống dần trở lại bình thường, các ca mắc Covid-19 giảm dần, số tử vong rất ít, nhiều người đã bị nhiễm và phần lớn có triệu chứng nhẹ nên dẫn tới một số cá nhân có tư tưởng chủ quan. Thậm chí, có cán bộ, nhân viên cho rằng việc tiêm vaccine mũi 4 là không cần thiết. Điều đó cũng gây trở ngại nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tiêm mũi 4.

PV: Để hoàn thành tiêm vaccine mũi 4, các cơ quan, đơn vị cần phải làm gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang: Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cũng như toàn ngành quân y cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 1537/KH-BQP ngày 20-5-2022 của Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) trong quân đội; kế hoạch các đợt tiêm của Cục Quân y-Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 Bộ Quốc phòng. Tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm của dịch bệnh, sự cần thiết của việc tiêm vaccine mũi 4, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác PCD tại đơn vị, đặt mục tiêu 100% quân nhân, người lao động trong toàn quân có chỉ định tiêm được tiêm đủ mũi 3, mũi 4 vaccine phòng Covid-19.

Quân y các cấp cần chủ động rà soát, thống kê cụ thể tất cả các trường hợp quân nhân, người lao động của đơn vị chưa được tiêm vaccine mũi 3, mũi 4. Trên cơ sở kế hoạch của Cục Quân y, các đơn vị xây dựng kế hoạch tiêm của đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng cụ thể giữa các cơ sở tiêm và các đơn vị được tiêm, tổ chức tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, đúng tiến độ và thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19. Đối với các đơn vị đóng quân trên địa bàn không thuận tiện khi tiêm vaccine tại các cơ sở của quân đội thì cần chủ động liên hệ, phối hợp, hiệp đồng với cơ quan y tế địa phương để tổ chức tiêm cho quân nhân của đơn vị mình.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) tiêm vaccine phòng Covid-19.  Ảnh: PHÚ SƠN 

PV: Đồng chí có khuyến cáo gì để toàn quân tiếp tục PCD Covid-19 phù hợp, hiệu quả?

Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Trường Giang: Như đã nói ở trên, ngoài sự xuất hiện biến thể phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5, thời gian tới, có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới, chưa thể đánh giá ngay được khả năng lây lan, mức độ nặng của bệnh, khả năng “né” vaccine... Do đó, Covid-19 chưa thể là bệnh đặc hữu, vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Vì vậy, cùng với cả nước, toàn quân phải xác định tiếp tục thực hiện các biện pháp PCD an toàn, linh hoạt, phù hợp. Để thực hiện điều đó, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thực hiện nghiêm quy định V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn cá nhân) và quy định PCD của địa phương nơi đóng quân, cư trú.

Tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát, xét nghiệm cho các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, kịp thời phát hiện F0 để cách ly, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng. Chủ động xét nghiệm sàng lọc với các sự kiện tập trung đông người để hạn chế thấp nhất dịch lây lan; tiếp tục rà soát kế hoạch PCD; kiện toàn lực lượng (đặc biệt là các tổ cơ động PCD, các phân đội quân y cơ động). Các đơn vị quân y bổ sung trang bị, thuốc, hóa chất, vật tư, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó khi dịch tái bùng phát hoặc xuất hiện những biến chủng mới; sẵn sàng tham gia PCD Covid-19 và các dịch bệnh khác...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

\VĂN CHIỂN (thực hiện)