Dài gần 22 mét, xe MAZ thuộc loại quá khổ, quá tải, nhiều người gọi là xe “siêu trường, siêu trọng”, trên lưng “cõng” chiếc xe tăng nặng gần 40 tấn, máy nổ đinh tai, nhức óc. Vậy mà những người lính lái xe, thợ sửa chữa đơn vị xe MAZ cục Kỹ thuật binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật) hàng tháng liền vào chiến dịch, “trắng đêm” trên xe MAZ, đưa những chiếc xe tăng về vị trí bảo dưỡng định kỳ.

 

Vào chiến dịch

Cùng đại tá Phạm Trang Nhung, bí thư Đảng ủy, chính trị viên kho KT887, chúng tôi đến đơn vị xe MAZ, gặp thượng tá Phạm Ngọc Lâm, phó chủ nhiệm kho về kỹ thuật, chỉ huy đầu tiếp nhận xe, anh cho biết: Hàng tháng liền, lái xe, thợ sửa chữa đơn vị xe MAZ và các đơn vị thuộc Quân khu 3, Binh đoàn Hương Giang… làm tốt công tác kiểm tra tình trạng kỹ thuật, cho dầu, nổ máy. Hai bên lập biên bản, bàn giao “nguội” xong, đến bàn giao “nóng”… nay cơ bản đã hoàn thành.

Theo kế hoạch, những chiếc xe MAZ phải về trước 11 giờ, nhưng vì phương tiện tham gia giao thông đông, mãi gần 12 giờ trưa, đoàn xe mới về đến đơn vị. Tuy muộn, nhưng với quyết tâm của đội ngũ lái xe, cả đơn vị lại “vào cuộc”, cùng lái xe, thợ sửa chữa kho 1036 đưa những khối thép khổng lồ lên xe MAZ. Phía trước chúng tôi, là những chiếc xe tăng, nòng pháo vươn dài, đã được kiểm tra tình trạng kỹ thuật, chờ lệnh lên đường. Khi hai chiếc cầu của xe MAZ hạ đúng vị trí, thượng úy Lê Huy Lĩnh, lái xe tăng T54, tay lái cừ khôi của đại đội 1036 ngồi vào buồng lái nổ máy. Theo sự điều hành của đại úy Nguyễn Thanh Dũng, đại đội trưởng, Lĩnh “căng mắt” quan sát phía trước, đánh tay lái bên trái, rồi bên phải, căn chỉnh để hai bánh xích xe tăng vào đúng hai cầu xe MAZ. Đây là công việc khó khăn nhất nhưng Lĩnh bình tĩnh đưa chiếc xe tăng vào vị trí an toàn. Cứ thế, một mình anh lần lượt lái chiếc xe tăng thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư… Vào vị trí trước sự cổ vũ của gần trăm cán bộ, chiến sĩ. Đại đội trưởng Dũng nói vui: “xế” này cừ lắm, lái xe tăng mà nhẹ như đưa xe máy lên ô tô”.

Chiến dịch tiếp nhận, trung chuyển số lượng lớn xe tăng lên K12 để bảo dưỡng, đồng bộ kỹ thuật được Đảng ủy, chỉ huy cục Kỹ thuật binh chủng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong cục triển khai tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiệm vụ còn tiếp tục công việc nặng nề hơn, cục Kỹ thuật binh chủng đang tổ chức lực lượng, phương tiện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao trước thời gian quy định.

“Họ nhà vạc”

Đó là câu nói vui của các chiến sĩ lái xe MAZ nhưng ngẫm ra cũng đúng. Bởi cả tháng liền họ thức trắng đêm trên buồng lái xe MAZ, có đồng chí sức khỏe sút trông thấy, nhiều người lo cho sức khỏe của họ. Nhưng với những người lính xe MAZ, đây là chuyện bình thường. Trong chuyến vận chuyển những chiếc xe tăng cuối cùng trong mệnh lệnh số hai của Tổng Tham mưu trưởng, tôi đi theo xe MAZ do đại úy Vũ Đức Tiền, lái chính. Anh đã từng có “thâm niên” 25 năm trong nghề lái xe MAZ, một tay lái cừ khôi của đơn vị. Hàng chục đêm liền vận chuyển, đưa những chiếc xe tăng từ đoàn B05 (Quân khu 3) lên K12, khởi hành từ 16 giờ chiều hôm trước nhưng mãi đến 5 giờ sáng hôm sau mới đến nơi, nghỉ chưa được tiếng đồng hồ, lại phải dậy “xuống” xe tăng đưa vào kho, người mệt nhoài nhưng anh vẫn tự tin vào sức khỏe của mình. Tôi hỏi “Có trường hợp nào trục trặc trên đường không?” Tiền giãi bày: “Không dưới chục lần, khi thì xe chảy dầu, lúc thủng xăm, gặp sự cố là cả đoàn dừng lại hỗ trợ cho nhau, chứ vài ba người, cái lốp nặng đến 700kg, xử lý sao được!”. Vì vậy, khi hành quân cơ động, các xe đều phải mang theo lốp dự phòng trước và cặp lốp moóc. Công việc nặng nhọc, vất vả, nên những người lính lái xe MAZ, khi đi đường trường, vào ban đêm, mỗi kíp xe có từ hai đến ba người để thay nhau “chạy”, nhiều khi “căng mắt” ra, mệt lắm.

Một đêm ngồi cạnh lái trưởng Vũ Đức Tiền, tôi như ngồi trên “lò bát quái”, nóng ơi là nóng. Vậy mà những người “tài xế” ngồi cả tháng liền, nhưng không một lời kêu ca, đòi hỏi, tất cả đều chú tâm tới công việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng đi trong đợt này, còn có đại úy Trần Anh Thư, lái chính, có 22 năm trong nghề. Anh tâm sự với chúng tôi rằng: Bọn em “họ nhà vạc” mà, cứ mọi người đi ngủ thì mình đi, vất vả lắm, nhiều đêm “căng mắt” quan sát đường đi, đầu óc “căng” như sợi dây đàn”.

Đi chuyến xe đầu, chúng tôi đến K12 thì đã gần sáng. Lên tầng 2 của nhà chỉ huy, nhìn ra đường cái lớn, những chiếc xe MAZ như những đoàn tàu hỏa nối đuôi nhau đi trong đêm, cảm nhận trong tôi những người “lính xế” đang vào chiến dịch thực sự. Trao đổi với đại úy Nguyễn Quốc Tuấn, phó chỉ huy về kỹ thuật đơn vị xe MAZ, tôi bảo: “Xong đợt này, chắc đơn vị cho anh em nghỉ ngơi vài ngày?”. Tuấn giãi bày: “Về đến đơn vị, là phải bảo dưỡng phương tiện, chuẩn bị cho đợt ra quân mới!”. À ra vậy, công việc thật khẩn trương, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ đơn vị xe MAZ phải “vào cuộc”. Đây là chiến dịch thử sức không chỉ với lái xe mà cả những người lính giữ kho.

Những người “đập xích”

Gọi là “đập xích”, chứ thực ra, khi những chiếc xe tăng được đưa vào đúng vị trí trong kho, hàng chục cán bộ, chiến sĩ “gò lưng” quai búa tạ, mỗi quả nặng đến chục ki-lô-gam, nghe chối cả tai. Công việc nặng nhọc nhưng các chiến sĩ làm rất khẩn trương, cho đất bung ra, rồi lấy chạm, búa con khêu từng miếng đất bám trong mắt xích. Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Huy, ở kho KT788 tăng cường đến K12 gần tháng nay, giãi bày: “Găng tay mới thế này nhưng chỉ được vài ngày là rách bươm, chóng hỏng lắm!”. Vâng! Nhìn những người lính trẻ quai búa tạ, “làm sạch” bánh xích xe tăng, lưng áo ướt thẫm mồ hôi, mặt mày lấm lem bụi đất, chúng tôi thật sự cảm thông với họ. Có xe “bám” đến vài tạ đất, làm cả ngày không xong, một công việc tưởng rằng đơn giản nhưng thực sự khó khăn vất vả, không chỉ cần đến sức khỏe mà cả lòng kiên nhẫn của những người lính giữ kho. Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, phó chủ nhiệm kiêm tham mưu-kế hoạch kho KT887, chỉ huy đầu K12 nói với chúng tôi: “Đây là sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người lái xe MAZ với lính giữ kho. Đợt này xe sạch đấy, mỗi xe chỉ vài công là xích sạch đất”.

Chúng tôi được biết, hoàn thành chiến dịch này còn “hàng núi” công việc, nào là làm sạch đất, dùng vòi phun áp lực cao rửa từng mắt xích, sơn sửa, bảo quản, bảo dưỡng… Công việc đòi hỏi lòng kiên trì của những người lính thợ, họ đang ngày đêm cùng lái xe và những người thợ xe MAZ làm việc hết mình, tất cả vì mục tiêu bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật phục vụ bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu thắng lợi.

Bài và ảnh: VĂN HƯỚNG