Tử thần ập xuống khu xóm nhỏ
1 giờ sáng qua (12-10), khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì một vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc-nơi có các gia đình đồng bào người Mường sinh sống. Trong tích tắc 7 căn nhà ở trong đó là 18 người, cùng nhiều tài sản của bà con cũng bị hàng nghìn mét khối đất đá vùi lấp. Đối với người dân xóm Khanh, họ không còn nhận ra khu chân thác-nơi 7 hộ láng giềng nhiều năm gắn bó với họ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở.
Các lực lượng tham gia tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở.
Nhận được tin báo, trong đêm, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đã điều động lực lượng thường trực của Ban CHQS huyện Kỳ Sơn và 100% cán bộ, chiến sĩ huyện Tân Lạc cơ động ngay đến hiện trường để phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Có mặt từ chiều 11-10 để kiểm tra tình hình mưa lũ tại tỉnh Hòa Bình, Đoàn công tác của Cục Cứu hộ, cứu nạn-Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác của Quân khu 3 cũng đến hiện trường ngay trong đêm để trực tiếp chỉ đạo LLVT tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công an tỉnh và các lực lượng khẩn trương triển khai biện pháp tìm kiếm, cứu nạn. Đại tá Vũ Thành Nam, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình trực tiếp chỉ huy lực lượng của Bộ CHQS tỉnh tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Chỉ trước đó vài giờ, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh cũng do trực tiếp Đại tá Vũ Thành Nam chỉ huy vừa hoàn thành việc tìm kiếm thi thể hai nạn nhân bị đất đá vùi lấp ở huyện Kim Bôi.
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân có mặt tại hiện trường vào khoảng 3 giờ sáng, sau một quãng đường dài cơ động ngay khi nhận được thông tin về vụ việc. Cảnh tượng trước mắt chúng tôi tại khu vực xảy ra sạt lở là ngổn ngang đất đá đã vùi lấp hoàn toàn khu chân thác của xóm Khanh. Trời đêm kèm mưa nên rất tối. Những tảng đá khổng lồ sắc cạnh chắn hết các lối đi khiến cho việc cơ động khó khăn, đặc biệt lớp bùn nhão do bị ủ nước nhiều ngày luôn tiềm ẩn nguy cơ sụt lún.
Là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường tham gia cứu nạn, trên gương mặt vẫn còn sự thất thần, bàng hoàng, anh Bùi Văn Huyên, dân quân xã Phú Cường, cho biết: “Nhà tôi cách hiện trường chỉ vài chục mét. Mặc dù đang đêm ngủ say nhưng tôi đã nghe được tiếng nổ rất lớn. Tỉnh dậy, tôi biết ngay có vụ việc nên chạy ra đã thấy cảnh tượng này. Tôi điện thoại ngay cho Ban CHQS xã để báo cáo cấp trên”. Anh Huyên cho biết thêm, trước đó chính quyền xã Phú Cường cũng đã đưa ra những cảnh báo và tuyên truyền các hộ dân trong xóm về việc di dời đến vị trí an toàn, tránh nguy cơ sạt lở đất xảy ra.
Chúng tôi tìm hiểu biết được những câu chuyện rất thương tâm. Có hai hộ dân ở khu vực trong xóm, chiều tối 11-10, sau khi đã chuyển hết đồ đạc đến vị trí an toàn còn quay lại nhà để ăn bữa cơm tối thì bất ngờ xảy ra sạt lở nên tất cả thành viên gia đình đều bị đất đá vùi lấp. Một trường hợp khác rất đau xót là ông Bùi Văn Hức. Ông Hức là trưởng thôn, nhà ở khu vực khác. Tối hôm xảy ra sự việc, ông đến khu vực này để vận động bà con di dời. Sau khi ăn tối cùng một hộ dân ở đây, do đường về xa nên ông đã ngủ lại. Không thể ngờ rằng đó lại là đêm tai họa.
Bới từng vốc đất bùn tìm nạn nhân
Trong đêm tối, cán bộ, chiến sĩ và lực lượng cứu hộ chủ yếu sử dụng phương tiện chiếu sáng cá nhân là đèn pin để tiếp cận hiện trường. Họ phải dùng tay bới từng vốc đất, bùn với hy vọng mong manh là tìm được người còn sống sót. Phần việc này máy móc không thể thực hiện được. Toàn bộ lực lượng căng trải trên diện tích rộng lớn để tìm nạn nhân. Đến khi không còn hy vọng có bất kỳ sự sống sót nào họ mới tiến hành đào bới để đưa những người đã tử vong lên khỏi đống đất đá. Đến 4 giờ sáng, lực lượng tìm kiếm đã đưa được 5 thi thể ra ngoài. Tuy nhiên, ngay sau khi hiện trường khu vực tìm kiếm phát sinh những nguy cơ sạt lở tiếp theo, các lực lượng buộc phải tạm dừng công việc để bảo đảm an toàn. Công việc này được tiếp tục trở lại khi trời vừa sáng cùng với máy móc, thiết bị. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình có mặt tại hiện trường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp khẩn trương nhất để tìm kiếm người mất tích, đồng thời lo hậu sự chu đáo cho những nạn nhân được tìm thấy. UBND huyện Tân Lạc đã hỗ trợ ban đầu 3 triệu đồng cho mỗi người chết và mất tích.
Đến chiều 12-10, Bộ CHQS tỉnh tăng cường lực lượng ở ban CHQS các huyện và dân quân các xã đến hiện trường phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Dù đã trải qua nhiều ngày căng mình khắc phục hậu quả mưa lũ rất mỏi mệt nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nhiệt tình, trách nhiệm, luôn cố gắng ở mức cao nhất để cứu giúp nhân dân. Có những đồng chí quần áo ướt sũng từ tối hôm trước, chưa kịp thay thì lại nhận được lệnh lên đường thực hiện nhiệm vụ ngay. Và rất nhiều đồng chí đi làm nhiệm vụ chống lụt bão cả tuần nay chưa về nhà.
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN - THẾ TUẤN