Tôn Tử là nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc (thế kỷ VI-V TCN). Ông là một danh tướng của nước Ngô. Bằng tài trí của mình, Tôn Tử đã giúp vua Ngô cải cách chính trị ở trong nước và chỉ huy quân đội phá nước Sở hùng mạnh ở phía Tây, uy hiếp nước Tấn ở phía Bắc…
Tôn Tử là nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc (thế kỷ VI-V TCN). Ông là một danh tướng của nước Ngô. Bằng tài trí của mình, Tôn Tử đã giúp vua Ngô cải cách chính trị ở trong nước và chỉ huy quân đội phá nước Sở hùng mạnh ở phía Tây, uy hiếp nước Tấn ở phía Bắc… Ông chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề quân sự, đúc kết nhiều kinh nghiệm của chiến tranh ở trước và trong thời kỳ Xuân Thu-Chiến Quốc thành mười ba thiên binh pháp, gọi là Binh pháp Tôn Tử. Chính "Mười ba thiên binh pháp" đã làm cho Tôn Tử trở nên bất hủ. Trong binh pháp của mình, Tôn Tử đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản để giành chiến thắng trong chiến tranh, xem xét sự phụ thuộc của binh thế vào sức mạnh của quốc gia, sự ảnh hưởng của Thời-Thiên-Địa và vai trò của người chỉ huy đối với tác chiến…
Binh pháp Tôn Tử được nhiều nhà quân sự trên thế giới đánh giá cao và đã dịch ra nhiều thứ tiếng. Binh pháp Tôn Tử lưu hành rộng rãi ở nhiều nước trên khắp các châu lục, trong nhiều thời đại khác nhau. Khi Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu bức thiết xây dựng lực lượng vũ trang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã biên dịch Binh pháp Tôn Tử làm tài liệu bồi dưỡng cán bộ quân sự cho Đảng. Từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1946, mặc dù mới giành được chính quyền cách mạng, công việc còn bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để viết một loạt các bài báo lược thuật Binh pháp Tôn Tử đăng trên báo Cứu quốc. Toàn bộ mười ba thiên của Binh pháp Tôn Tử đều nói về chiến tranh, thiên cuối đề cập đến chiến tranh gián điệp với tiêu đề "Phép dụng gián" (Dùng trinh thám).
Trong cuốn Kỹ thuật tình báo, Alen-Đalét-người sáng lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông này đã không tiếc lời ca ngợi Tôn Tử và coi Tôn Tử là người đầu tiên đã đề cập đến toàn bộ nghề tình báo.
Các nhà quân sự học Nhật Bản coi Tôn Tử là "thủy tổ của binh học phương Đông". Còn Flow, nhà quân sự học người Anh đánh giá: "Binh pháp Tôn Tử là một cuốn sách nghiên cứu chiến thuật, chiến lược cổ nhất và giá trị nhất thế giới. Trong tủ sách quân sự của nước Anh, binh thư cổ điển chỉ có 5 cuốn: 3 cuốn là của 3 danh tướng La Mã cổ đại, 1 cuốn của Na-pô-lê-ông, còn một cuốn quý nhất là của Tôn Tử".
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN BẠO
(lược thuật)