QĐND - Triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, chúng ta phải nhận thức và xác định rằng, không phải chỉ nâng cao trình độ, kỹ năng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) cho chính ủy, chính trị viên (CU, CTV) và đội ngũ cán bộ chính trị, mà còn nâng cao năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho người chỉ huy và cán bộ quân sự. Ở Lữ đoàn Công binh 25, cán bộ chỉ huy, chủ trì các cấp rất quan tâm và thể hiện trách nhiệm cao với hoạt động CTĐ, CTCT của đơn vị; cán bộ CU, CTV cũng không ngừng học tập, nâng cao trình độ quân sự và tập trung lãnh đạo, kiểm tra, tham gia các hoạt động quân sự. Nhờ đó, cán bộ quân sự không những giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn hiểu biết và tiến hành CTĐ, CTCT. Qua đó, phong cách chỉ huy, tác phong làm việc của cán bộ quân sự cũng dân chủ hơn, sâu sát hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Có thể khẳng định rằng, chính cơ chế lãnh đạo theo Nghị quyết 51 đã tạo điều kiện phát huy tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của người chỉ huy và giúp người chỉ huy hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, CU, CTV các cấp trong lữ đoàn cũng không ngừng học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức quân sự để làm tốt vai trò người cán bộ chủ trì trong đơn vị. Đặc biệt, trên cương vị bí thư cấp ủy, CU, CTV phải có kiến thức toàn diện, sâu sắc mới tham mưu giúp cấp ủy đề ra những biện pháp lãnh đạo chặt chẽ, sát, đúng trên tất cả các mặt công tác.
 |
Đại tá Trương Quang Châu gắn kỷ niệm chương tặng chiến sĩ có thành tích tốt trong đơn vị. Ảnh: T. Huấn.
|
Thực tế tại Lữ đoàn Công binh 25, cùng một thời điểm, CU, CTV không chỉ thực hiện nhiệm vụ CTĐ, CTCT, mà còn phải tham gia tích cực vào hoạt động quân sự, nhất là chuyên ngành công binh. Nếu CU, CTV không nắm vững kỹ thuật chuyên môn thì không thể chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự. Bởi vì, khi trên cương vị bí thư chủ trì điều hành đảng ủy (chi bộ) họp ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chuyên môn sẽ rất chung chung, thiếu tính thuyết phục, dẫn đến việc thực hiện nghị quyết không hiệu quả. Cho nên, để không bị đứng ngoài cuộc, làm mất dần vai trò chủ trì, nhất thiết đội ngũ CU, CTV của lữ đoàn phải tích cực, chủ động nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ quân sự, hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm công trình công binh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để CU, CTV và người chỉ huy thuận tiện khi trao đổi, bàn bạc, thống nhất công việc. Chỉ có sự tương đồng về kiến thức, năng lực mới bảo đảm cho hai cán bộ chủ trì thực sự tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau để cùng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của đơn vị, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa CU, CTV với người chỉ huy, tạo sức mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ.
HOÀNG THÀNH (ghi)
(Trích tham luận của Đại tá Trương Quang Châu, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 25 tại buổi Tọa đàm “Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị-Hiệu quả đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương”)