Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Đại tá Trần Công Trường, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) về các giải pháp để toàn quân phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe bộ đội.

Đại tá Trần Công Trường. 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thời tiết năm nay được đánh giá có nhiều bất thường, điều đó ảnh hưởng gì đến sự xuất hiện của các dịch bệnh mùa hè, nhất là trong các đơn vị quân đội?

Đại tá Trần Công Trường: Theo nghiên cứu của chuyên gia dịch tễ, hằng năm, vào thời điểm mùa hè, thời tiết nóng ẩm tại miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam là những điều kiện cho dịch bệnh phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp; bệnh do muỗi truyền, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm...

Những ngày gần đây, sự bất thường của thời tiết càng khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội và nhân dân. Với thời tiết như hiện nay dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, SXH Dengue, sốt rét, viêm màng não do não mô cầu và bệnh say nắng, say nóng... Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tuy đã giảm mạnh nhưng hằng ngày vẫn xuất hiện các ca nhiễm mới, có nguy cơ bùng phát trở lại. 

PV: Dịch SXH đang bùng phát ở miền Nam, miền Trung có ảnh hưởng tới các đơn vị quân đội như thế nào và Cục Quân y đã triển khai những biện pháp gì để ứng phó, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Công Trường: Theo Bộ Y tế, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH Dengue, số ca mắc liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành phố miền Trung. Đến cuối tháng 6, cả nước ghi nhận hơn 80.000 trường hợp mắc SXH, trong đó hơn 30 ca tử vong. Trong quân đội đã ghi nhận một số đơn vị đóng quân ở khu vực phía Nam có quân nhân mắc SXH...

Để chủ động phòng, chống dịch (PCD) SXH, bảo đảm tốt sức khỏe bộ đội, Cục Quân y đã chỉ đạo toàn ngành chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức tuyên truyền kiến thức về bệnh SXH, các biện pháp phòng bệnh cho cán bộ, chiến sĩ. Quân y các đơn vị phối hợp với y tế địa phương để nắm chắc tình hình dịch SXH trên địa bàn đóng quân, chủ động triển khai các biện pháp PCD, hạn chế tối đa dịch xảy ra và bùng phát trong đơn vị. Thường xuyên điều tra, giám sát dịch tễ về véc tơ truyền bệnh, chủ động phát hiện và loại bỏ sớm các ổ lăng quăng (bọ gậy) bằng cách đậy kín hoặc thả cá diệt lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, bể nước sinh hoạt; thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; không để nước đọng tại các vật dụng có thể chứa nước... Tại các đơn vị đang hoặc có nguy cơ xảy ra dịch SXH, quân y tuyến cơ sở tổ chức phun hóa chất diệt muỗi theo quy định; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Trong quá trình điều trị, phải theo dõi sát diễn biến của người bệnh, đặc biệt chú trọng giai đoạn có thể xảy ra biến chứng (từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7), không để xảy ra tử vong do biến chứng, diễn biến nặng.

Lữ đoàn 86 (Binh chủng Hóa học) huấn luyện bộ đội biện pháp xử trí khi có quân nhân bị say nắng, say nóng. Ảnh: LƯƠNG ĐÌNH 

PV: Ngoài SXH, mùa hè cũng là dịp dễ bùng phát nhiều loại dịch bệnh khác. Ngành quân y đã triển khai các biện pháp gì để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh mùa hè và say nắng, say nóng?

Đại tá Trần Công Trường: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè và say nắng, say nóng, Cục Quân y đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn; tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện cho các nhóm đối tượng. Toàn ngành quân y tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp PCD; chủ động nắm tình hình dịch bệnh tại địa phương nơi đơn vị đóng quân, quản lý chặt chẽ tình hình sức khỏe bộ đội, giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ; kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh bùng phát hoặc lây lan từ ngoài vào đơn vị. Cục Quân y cũng chú trọng triển khai các biện pháp PCD không đặc hiệu; chỉ đạo quân y đơn vị áp dụng nhiều biện pháp phối hợp nhằm nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, khả năng thích nghi với thời tiết nắng nóng cho bộ đội.

Trước khi bước vào mùa hè, Cục Quân y đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống say nắng, say nóng; rà soát, bổ sung đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, sẵn sàng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Cùng với đó, chủ động bổ sung, điều chỉnh kế hoạch PCD Covid-19 trong tình hình mới, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Quân y các cấp đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và thủ trưởng ngành hậu cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp vệ sinh phòng bệnh phù hợp với hoạt động của bộ đội, trọng tâm là phòng, chống dịch bệnh thường xảy ra; đồng thời, thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCD của đơn vị. Đối với cán bộ, nhân viên quân y, định kỳ đều được tập huấn để nắm chắc, thực hiện thống nhất các văn bản của ngành y tế và quân y cấp trên, đặc biệt là kiến thức về phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hay gặp trong mùa hè.

PV: Theo đồng chí, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cần thực hiện các biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả?

Đại tá Trần Công Trường: Có thể khẳng định, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và sự tự giác, chung tay của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ.

Trước hết, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần chỉ đạo lực lượng quân y tại chỗ làm tốt công tác truyền thông, giáo dục, hướng dẫn bộ đội duy trì thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học; nắm chắc và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống những bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa hè, tránh say nắng, say nóng. Từng cán bộ, chiến sĩ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: Ăn chín, uống sôi, không dùng chung dụng cụ ăn uống, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh, súc họng bằng nước muối 0,9%, nhỏ mũi bằng dung dịch kháng sinh, phơi quần áo, chăn màn khi trời nắng, mắc kín màn khi ngủ...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN CHIỂN (thực hiện)