QĐND - Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển, lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đang được trang bị nhiều loại tàu thuyền, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại. Vì vậy, công tác huấn luyện làm chủ, khai thác hiệu quả VKTBKT luôn được Bộ tư lệnh CSB quan tâm, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào huấn luyện.

Thiếu tướng Phan Thanh Minh, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh CSB khẳng định: “Với sự bùng nổ, phát triển của CNTT, tất cả các ngành đều được ứng dụng chương trình phần mềm hỗ trợ. Ngoài sử dụng các chương trình quản lý sổ sách, quản lý vật tư kỹ thuật…, CSB là lực lượng tiên phong trong ứng dụng CNTT phục vụ huấn luyện”.

Những năm qua, các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị CSB không ngừng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và hai khâu đột phá của ngành kỹ thuật “Xây dựng nền nếp chính quy và làm chủ VKTBKT”. Các đơn vị thường xuyên tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, chiến thuật và quản lý, khai thác VKTBKT trên tàu, trình độ tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật.

Cán bộ Cục Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển thi huấn luyện sử dụng ra-đa JMA-5322-7 trên tàu DN-2000 bằng giáo án điện tử. Ảnh: XUÂN GIANG

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ tư lệnh CSB cho biết: “Với đặc thù các đơn vị đóng quân phân tán, làm nhiệm vụ nhiều ngày trên biển, ngành kỹ thuật CSB đã chủ trì nghiên cứu và triển khai ứng dụng nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đưa công nghệ mô phỏng vào huấn luyện. Nhờ ứng dụng CNTT, các phần mềm hướng dẫn, giáo án điện tử, chất lượng huấn luyện của lực lượng CSB ngày càng được nâng lên”.

Điển hình là việc triển khai áp dụng huấn luyện nâng cao trình độ quản lý khai thác VKTBKT thông qua giáo án điện tử. Phương pháp này giúp người học tiếp cận vấn đề, thực hành trên máy tính, qua đó nắm được các kiến thức về lý thuyết, làm cơ sở cho thực hành thành thạo trên trang bị, vũ khí, khí tài thật. Phong trào nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNTT trong xây dựng giáo án huấn luyện, giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giáo viên huấn luyện kỹ thuật ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả cao. Chẳng hạn, tàu DN-2000 là một trong những tàu hiện đại nhất của lực lượng CSB, được trang bị ra-đa JMA-5322-7. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện hiện nay nặng về lý thuyết, chưa có mô hình để thực hành. Người học bị phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người trước, không có điều kiện để thực hành, nâng cao trình độ. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có một giáo trình huấn luyện trực quan, hiệu quả để hướng dẫn khai thác ra-đa JMA-5322-7 và một chương trình mô phỏng để tăng thời gian huấn luyện thực hành cũng như tự thực hành cho người học. Giáo án được viết trên ngôn ngữ Visual Studio với phần mềm thông dụng, dễ cài đặt. Phần mềm không đòi hỏi máy tính có cấu hình cao, tất cả các hệ điều hành như Window 7, Win XP… đều có thể tích hợp được. Đây là yếu tố thuận lợi để triển khai hệ thống đến các đơn vị cơ sở, bộ đội cũng dễ tiếp cận và cài đặt phần mềm vào máy tính cá nhân. Điểm đặc biệt của giáo án là có kết hợp với chương trình mô phỏng, giúp người học dễ tiếp cận và tiếp thu kiến thức.

Chia sẻ về tiện ích của của giáo án huấn luyện khai thác sử dụng ra-đa JMA-5322-7 trên tàu DN-2000, Đại úy Nguyễn Đăng Phương (Cục Kỹ thuật, Bộ tư lệnh CSB) cho biết: “Với phương châm phát huy tính tự học, tự thực hành của học viên, phần mềm mô phỏng được xây dựng trên cơ sở hướng đến mục tiêu huấn luyện. Giáo án được thiết kế, xây dựng thành các phần, giúp giáo viên giảng và người học dễ dàng theo dõi về đặc tính kỹ thuật, cấu tạo, hướng dẫn sử dụng cũng như phương pháp bảo quản, bảo dưỡng, lắp đặt ra-đa. Ngoài chương trình mô phỏng hoạt động của thiết bị, giáo án còn tích hợp các vi-đê-ô demo hướng dẫn”.

Bằng các Plat và công nghệ 3D, giáo án của Trung úy Trần Văn Ba (Tàu CSB8001, Hải đội 301, Bộ tư lệnh Vùng CSB 3) đã giới thiệu chi tiết hoạt động của chân vịt biến bước. Đây là bộ phận quan trọng của các loại tàu chiến đấu thế hệ mới. Với lực lượng CSB, ngoài nhiệm vụ hiểu rõ về tính năng của các trang thiết bị kỹ thuật để sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, thì công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng cũng như bảo quản, bảo dưỡng tàu, xe là nhiệm vụ cần thiết, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí mua sắm, sửa chữa. Giáo án giúp cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật nắm chắc cấu tạo, nguyên lý hoạt động của thiết bị, rèn luyện khả năng xử lý linh hoạt khi có tình huống bất ngờ xảy ra trong huấn luyện cũng như trong thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng đánh giá: “Từ giáo án điện tử, trắc thủ có thể đo cự ly bằng con trỏ, hiển thị vết di chuyển của các tàu và bật chức năng bám mục tiêu, kích hoạt mục tiêu AIS. Người học dễ dàng theo dõi hiệu ứng nhiễu biển, nhiễu mưa, nhiễu giao thoa; điều chỉnh khuếch đại, loại bỏ nhiễu giao thoa, nền nhiễu biển, nhiễu mưa… trên các thanh công cụ”.

Điểm nổi trội của các giáo án điện tử là sau khi kết thúc thực hành, học viên được tiếp cận với các câu hỏi ôn tập được lập trình sẵn. Ngay trong giờ huấn luyện, bộ đội sẽ được chấm điểm, đánh giá nhờ phần mềm thông minh. Khi nhập các phương án trả lời, giáo án sẽ chấm điểm trực tiếp và hiển thị kết quả ngay trên màn hình. Đây là phương pháp huấn luyện khoa học, nâng cao khả năng tự đánh giá cho người học. Giữa cán bộ huấn luyện và các thành viên trong kíp chiến đấu sẽ dễ dàng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, tránh việc học thụ động, lý thuyết xa rời thực tế…

Bài và ảnh: TUẤN NAM