Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tài thao lược kiệt xuất của tổ tiên, của nhân dân ta đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, trở ngại để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam được thể hiện rất sinh động, phong phú trong khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh giải phóng trên các phương diện: Tư tưởng chỉ đạo tác chiến; mưu kế đánh giặc; nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân... trong đó tư tưởng chỉ đạo tác chiến tích cực, chủ động tiến công địch được hình thành rất sớm trong quá trình đánh giặc giữ nước của ông cha ta.
Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là mục tiêu cao nhất của hầu hết triều đại phong kiến trong thực hiện các cuộc chiến tranh giải phóng. Ông cha ta luôn nắm vững tư tưởng tiến công, coi đó như một vấn đề có tính quy luật giành thắng lợi trong suốt quá trình thực hành chiến tranh giữ nước. Tư tưởng đó thể hiện rất rõ trong đánh giá đúng kẻ thù, chủ động đề ra kế sách đánh, phòng, khẩn trương chuẩn bị lực lượng kháng chiến, tìm mọi biện pháp làm cho địch suy yếu, tạo ra thế và thời cơ có lợi để tiến hành phản công, tiến công địch.
Thời nhà Lý, do theo dõi nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của nhà Tống, dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần kiên quyết và chủ động nên đã giành thắng lợi to lớn. Bị thất bại trong xâm lược nước ta lần thứ nhất (981), nhà Tống vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược Đại Việt lần nữa. Gần cuối thế kỷ XI (1075-1077), tham vọng đó lại trỗi dậy, Vua Tống Thần Tông ra lệnh chuẩn bị lực lượng đánh nước ta, nhằm giành thắng lợi quân sự ở Đại Việt và tạo thế uy hiếp nước Liêu, nước Hạ. Trước nguy cơ đó, Lý Thường Kiệt nhận thấy không thể bị động đối phó khi quân giặc tiến công sang, mà phải “tiên phát chế nhân” đẩy kẻ thù vào thế bị động. Ông nói: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của chúng”.
Thực hiện chủ trương đó, Lý Thường Kiệt đã đưa quân tiêu diệt những căn cứ xuất phát tiến công của địch ở Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu, rồi chủ động rút quân về phòng thủ đất nước. Quân Tống kéo quân sang, nhà Lý đã tăng cường củng cố quốc phòng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chủ động đánh bại kẻ thù ở phía Nam, phá tan âm mưu liên kết của nhà Tống với Chiêm Thành. Mặt khác, tận dụng thế “thiên hiểm” của địa hình, xây dựng tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt để chặn giặc, đồng thời triển khai lực lượng, bố trí thế trận chống giặc ngoại xâm khẩn trương chuẩn bị kháng chiến thực hiện trận quyết chiến chiến lược, chủ động chặn và đánh địch từ xa để bảo vệ Thăng Long. Do tích cực chuẩn bị mọi mặt, tháng 3-1077, với trận phản công trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, quân dân Đại Việt đã quét sạch quân xâm lược Tống ra khỏi biên cương của Tổ quốc.
Ở thế kỷ thứ XIII, các quốc gia châu Âu, châu Á run sợ trước sức mạnh của giặc Nguyên Mông, nhưng cả ba lần tiến quân xâm lược Đại Việt (1258, 1285, 1288) họ đều bại trận trước quân đội nhà Trần. Có được điều kỳ diệu đó chính là nhờ vào tinh thần “cả nước chung sức, trăm họ là binh”, thực hiện toàn dân đánh giặc, mà trong đó tư tưởng tích cực chủ động tiến công địch được nhà Trần quán triệt sâu sắc trong suốt các cuộc kháng chiến.Trước một đối tượng tác chiến là giặc Nguyên-Mông có sức mạnh như nước, như lửa, cha ông ta đã kịp thời thay đổi phương thức tác chiến, tránh quyết chiến với địch khi chúng còn rất mạnh, chủ động rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng và tạo thế, thời cơ để phản công. Rút lui chiến lược, tạm nhường Thăng Long cho giặc trong một thời gian nhất định nhằm bảo toàn lực lượng - đó là nét độc đáo trong nghệ thuật tác chiến, chứ không phải là tư tưởng rút lui. Quân địch tạm chiếm được Thăng Long nhưng không chiếm được “Thủ đô” của kháng chiến, vì đó chỉ còn “thành không, nhà trống”. Trong khi đó, quân đội nhà Trần và nhân dân cả nước đã tích cực tác chiến nhỏ lẻ, tiêu hao nhiều lực lượng địch, làm cho chúng rơi vào thế “tiến thoái, lưỡng nan”, tạo ra thời cơ tốt nhất để phản công chiến lược quét sạch quân thù ra khỏi đất nước (lần thứ nhất chỉ sau 9 ngày tính từ khi giặc Nguyên vào Thăng Long, lần thứ hai sau 5 tháng, lần thứ ba sau 3 tháng).
Thế kỷ thứ XVIII, tư tưởng chủ động tiến công địch để giải phóng Thăng Long được Nguyễn Huệ nâng lên tầm cao mới. Nguyễn Huệ thực hiện tư tưởng táo bạo, thần tốc, bất ngờ và mãnh liệt, giải quyết cuộc chiến nhanh gọn trong một trận quyết chiến. Theo đó, ông đã chủ động tiến công địch khi chúng còn rất mạnh (29 vạn quân Thanh và quân bán nước Lê Chiêu Thống) nhưng lại rất chủ quan, kiêu ngạo, thiếu phòng bị (quân Thanh và bè lũ tay sai bán nước đang chuẩn bị đón Tết Kỷ Dậu (1789)… Tư tưởng chủ động, tích cực tiến công của ông cha ta trong khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trước kia được quân, dân ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TS. NGUYỄN VĂN BẠO