 |
Chiến sĩ biên phòng đồn Đắc Đam bên vườn phong lan.
|
Sau những ngày mưa nhạt nhòa, Đắc Mil lại nắng như đổ lửa. Con đường đất đỏ chạy dọc theo biên giới với nước bạn Cam-pu-chia mới hôm qua còn trơn tuồn tuột, hôm nay đã trở thành “dòng sông” bụi mỗi khi có xe máy, hay ô tô chạy qua. Ấy vậy mà khi tôi đến đồn biên phòng Đắc Đam, nằm trên địa bàn xã Đắc Lót, huyện Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông các chiến sĩ nói rằng: “Nếu dành thời gian ngắm lan rừng, thì nắng gió, bụi đường và mệt nhọc sẽ tan biến hết”. Tôi chưa tin. Làm sao lan rừng có thể xua đi được cái nắng, cái gió và bụi đỏ của Tây Nguyên vốn hầm hập, sặc sụa như muốn nấu chín vạn vật như thế này? Thấy tôi chần chừ, Trung tá Võ Tá Niêm, Chính trị viên đồn Đắc Đam kéo tay:
- Anh cứ ra bể nước rửa mặt đi rồi anh em sẽ đưa vào ngắm vườn lan.
Gương mặt của tôi có vẻ sáng sủa hơn khi úp vào dòng nước mát lạnh nơi biên cương. Nhìn tôi với ánh mắt thông cảm, một chiến sĩ đi ngang qua cười bảo: “Đến biên giới phải đẹp trai như vậy mới vào vườn lan được anh ạ”. Câu nói như một cơn gió mát, làm cho tôi vợi đi nỗi mệt nhọc sau khi phải rong ruổi trên con đường đầy bụi đỏ.
Vườn lan ở ngay cạnh nhà tiếp khách của đồn. Mới bước chân qua cánh cửa làm bằng cây rừng, tôi đã bị một thế giới phong lan ùa vào ánh mắt. Đây những dò lan Thủy Tiên, phía kia là những nhánh lan Ngọc Điểm, chúng thi nhau vươn lên trên những thân gỗ khô, từ những chậu than củi tưởng như không còn sự sống. Dưới bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ biên phòng, nhiều nhánh lan đã nở hoa rực rỡ. Trung úy Nguyễn Văn Dũng, bí thư chi đoàn, người sĩ quan tốt nghiệp ở Học viện Biên phòng đã công tác thực tế ở đây gần 4 năm nâng một chùm hoa lan Ngọc Điểm trông như đuôi con gà trống nói: “Nếu Tết Nguyên đán mà tặng bố của người yêu chùm hoa này, chắc cụ sẽ gả con gái cho ngay anh ạ”… Không như những giống lan lai, hoa không có mùi hương, hoa phong lan tự nhiên có mùi thơm dịu mát. Khi mùi hương ấy lan tỏa trong tâm hồn, ta như thấy được hòa mình vào rừng xanh, để nghe tiếng chim ca, vượn hú. Trước khi đến đồn Đắc Đam, tôi đã được nghe các anh ở Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Đắc Nông kể nhiều về các chiến sĩ nơi “đầu nắng, đỉnh gió” này. Cách thị trấn Đắc Mil hơn 20km, những chiến sĩ biên phòng ở đây sống hầu như tách biệt hẳn với bên ngoài xã hội. Vì thế, anh em ai cũng muốn được đi địa bàn để được gần dân. Không xa xôi, cách trở cả trăm cây số như đồn Nậm La, đường từ đồn Đắc Đam xuống địa bàn có nơi cũng xa gần 30km, có chỗ đi được xe máy, có chỗ lại phải lội bộ, nhưng bước chân chiến sĩ không nản. Binh nhất Trần Văn Thắng tâm sự: “Được gần bà con, tụi em rất vui. Mỗi khi về các buôn, bon, người chiến sĩ vui như được về nhà. Bà con cũng quý bộ đội biên phòng lắm. Nhiều người đã nói: Có bộ đội biên phòng, nhân dân mới yên tâm lao động sản xuất để xây dựng biên giới giàu đẹp”.
Mới huấn luyện, công tác ở đồn gần 2 năm, nhưng binh nhất Hà Văn Lâm cảm thấy như mình đã gắn bó với vùng đất này lâu lắm rồi. Lâm rất tự hào vì đồn Đắc Đam của anh nhiều năm là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của bộ đội biên phòng tỉnh. Các chiến sĩ ở đây đã tích cực huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, xây dựng đồn trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện. Lâm bộc bạch: “Sau này hết thời gian phục vụ trong quân đội, em sẽ nhớ đồn lắm. Chắc lúc ấy em phải mang mấy dò phong lan về trồng cho đỡ nhớ”. Xa Bộ chỉ huy, xa dân, chưa được sử dụng nguồn điện quốc gia, những ngày nghỉ, giờ nghỉ, những người lính biên phòng Đắc Đam chỉ biết đọc sách, chơi đàn, đọc thư người thân dưới vườn lan, vườn xoài hay gốc phượng. Với họ, những nhánh lan rừng như những người bạn tri kỷ để trò chuyện, nhân đôi niềm vui, chia sẻ bao mệt nhọc sau những ngày huấn luyện, sau những buổi tuần tra và an ủi mỗi khi họ nhớ nhà.
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG