Cầm trên tay một sản phẩm thịt hộp được dán nhãn cẩn thận, Trung úy QNCN Võ Đức Tuyên, Trạm trưởng Trạm chế biến thịt hộp, Phòng Hậu cần, Sư đoàn 315 cho biết: “Nguyên liệu sản xuất thịt hộp là thịt lợn và một số gia vị như hành khô, muối ăn, mì chính, đường, dầu ăn... Các công đoạn từ mổ lợn, sơ chế, chế biến, đóng hộp, dán nhãn đều theo một quy trình chặt chẽ, sản phẩm bảo đảm đạt tiêu chuẩn về chất lượng cũng như chỉ tiêu vi sinh”.

Sản xuất thịt hộp tại Sư đoàn 315. 

Dây chuyền sản xuất thịt hộp của Sư đoàn 315 là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Khoa học hậu cần quân sự (Học viện Hậu cần), được đầu tư cho các trạm chế biến thực phẩm tập trung. Các bước sản xuất thịt hộp được thực hiện theo quy trình khép kín, gồm: Sơ chế nguyên liệu, xay, phối trộn gia vị, đóng hộp, ghép mí, thanh trùng, làm nguội, kiểm tra sản phẩm. Mỗi ngày trạm có thể sản xuất hơn 700 hộp (khoảng 250kg thịt). Điều thuận lợi tại Sư đoàn 315 là nguồn thịt đầu vào được khai thác từ 6 trang trại chăn nuôi tập trung của đơn vị với số lượng luôn duy trì 800-1.000 con lợn. 

Thượng tá Võ Tấn Khanh, Chủ nhiệm Hậu cần, Sư đoàn 315 cho biết: “Với đặc thù bộ đội thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ xa đơn vị, như: Diễn tập, hành quân dài ngày; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch Covid-19... việc tổ chức sản xuất thịt hộp đã góp phần thiết thực bảo đảm thực phẩm cho bộ đội. Ngoài ra, sản phẩm thịt hộp còn được đơn vị hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh”.

Cùng với nước mắm, món thịt hộp thơm ngon, giàu dinh dưỡng cũng trở thành một “thương hiệu” của Sư đoàn 315. Đây là món ăn được cán bộ, chiến sĩ ưa thích trong những chuyến hành quân, dã ngoại giúp dân, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Bài và ảnh: PHƯƠNG MAI