Cuối tháng 10 năm 1974, Đảng ủy Sư đoàn 304 họp mở rộng thống nhất nhận định: địch tuy chiếm được một số trận địa chốt của ta nhưng chúng đã bị động và sa lầy ở mặt trận Thượng Đức. Chủ trương của Đảng ủy Sư đoàn là nhanh chóng rút kinh nghiệm, tổ chức lại các trận địa phòng ngự, nhất là hệ thống hầm hào chiến đấu để hạn chế đến mức tối đa sự sát thương của phi pháo địch, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến liên tục, dài ngày. Ngay sau cuộc họp, Sư đoàn đã tổ chức tập huấn cho cán bộ về cách xây dựng trận địa phòng ngự, phá chiến thuật "lấn dũi" của quân dù. Mẫu hình trận địa được xây dựng bên cạnh lớp học. Cán bộ các cấp được phát huy dân chủ, tự do bàn bạc nêu ý kiến phân tích, tranh luận để tìm ra giải pháp hay nhất và tạo nên mềm tin tưởng, sự nhất trí với cách đánh của ta.




Cuộc đọ trí, đọ sức giữa cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 với quân dù tại Thượng Đức tiếp tục diễn ra khẩn trương, quyết liệt. Với tinh thần "tất cả cho phía trước", "tất cả để đánh thắng quân dù”, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn mặt trận đều hướng về các trận địa chốt, lao động quên mình, khắc phục khó khăn, chuyển đạn, gạo lên phía trước. Đêm đêm, các đơn vị và cơ quan tổ chức chặt gỗ, đưa lên xây dựng và củng cố trận địa cho tới rạng sáng mới trở về phía sau. Các lực lượng ở phía sau còn đào hầm hào dọc đường lên trận địa để bảo đảm an toàn khi cơ động lực lượng và chi viện cho trận địa.



Pháo binh"chân đồng, vai sắt" bắn ngắm trực tiếp



Trong thời gian khó khăn này, các chiến sĩ pháo binh Sư đoàn 304, với truyền thống "chân đồng, vai sắt" đã tập trung lực lượng mở một con đường dài 8 kilômét, dùng sức người kéo pháo vượt qua điểm cao 1000 lên sát điểm cao 1062, tổ chức bắn ngắm trực tiếp, chi viện cho bộ binh chiến đấu. Tại điểm cao 1062, ta và địch giành đi, giật lại từng mỏm một. Cũng chính tại điểm cao 1062 này, sư đoàn dù của địch đã chịu những tổn thất nặng nề và bị chặn đứng không tiến thêm được.

Trong trận phản kích chiếm lại điểm cao 1062 từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 10 năm 1974, Sư đoàn 304 đưa trung đoàn 24 dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Phùng Đình Cải vào phối hợp với trung đoàn 66 thực hiện một đòn đánh tiêu diệt xuất sắc trong chiến đấu phòng ngự, loại tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 dù ra khỏi vòng chiến. Điểm cao 1062 vẫn do bộ đội ta chiếm giữ.

Thách thức trên điểm cao 1062




Điểm cao 1062 là đỉnh cao của cuộc đọ sức giữa Sư đoàn 304 và sư đoàn dù địch. Nó trở thành biểu tượng chiến thắng của tập thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 kiên cường. Biết bao tấm gương hy sinh anh dũng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng xuất hiện trong chiến đấu. Trung úy Nguyễn Văn Áy bị thương cả hai chân và một tay vẫn nằm lại trên chốt để chỉ huy và động viên bộ đội chiến dấu. Chính trị viên Thuyết bị thương, vẫn ở lại cùng đồng đội giữ trận địa cho tới lúc có lực lượng phía sau lên thay. Chiến sĩ Nguyễn Văn Thơ chiến đấu dũng cảm, mưu mẹo chụp bắt và ném trả hàng chục quả lựu đạn địch để diệt chúng. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Văn Thơ còn bình tĩnh động viên anh em quyết đánh thắng địch. Đầu tháng 11 năm 1974, bị thua đậm, sư đoàn dù đưa tiếp lữ đoàn 2, lực lượng dự bị của chúng vào cuộc.


Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 nhận định: địch tung lực lượng dự bị vào chủ yếu để cứu nguy cho 2 lữ đoàn 1 và 3 của chúng đã mất sức chiến đấu. Với lực lượng mới này, địch chỉ đủ rải ra trên tuyến chiến đấu, không thể có lực lượng tiến công tiếp. Từ nhận định đó, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 quyết định tổ chức hoả lực và xung lực đánh ngay vào lữ đoàn 2 dù, đánh bại âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng Thượng Đức của địch.




Khi lữ đoàn 2 quân dù vừa chân ướt chân ráo đặt chân lên khu vực tập kết, các chiến sĩ pháo binh lập tức nổ pháo đánh phủ đầu. Địch bị thương vong quá nhiều. Tiếp theo lực lượng bộ binh ta tổ chức tập kích, làm bọn này hết sức hoang mang.

Dùng đạn pháo lép làm giàn phóng

Ngày 17 tháng 11, trinh sát Sư đoàn 304 đánh vào trận địa pháo Nông Lâm 3, phá hủy 4 khẩu pháo, đốt cháy 3 kho đạn. Trước đó trung đoàn 24 tiến công tiêu diệt tiểu đoàn 9 của địch ở tây điểm cao 700.

Ngày 25 tháng 11, công binh Sư đoàn 304 lại dùng đạn pháo chưa nổ của chúng liên kết với mìn làm giàn phóng, đánh vào đội hình địch ở điểm cao 383. Địch hoảng sợ không hiểu là ta có loại vũ khí gì mới.

Cùng thời gian này, các lực lượng vũ trang địa phương liên tục đánh tạt sườn, đánh vào phía sau đội hình tiến công của địch, làm chúng càng thêm rối loạn.

Kế hoạch "tái chiếm" đại bại

Qua 4 tháng anh dũng chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, trung đoàn 3 Sư đoàn 324 và các lực lượng tăng cường đã tiêu diệt và bắt gần 5.000 tên địch. Các tiểu đoàn dù 2, 3, 9 của địch bị tiêu diệt. Các tiểu đoàn còn lại đều bị đòn đau. Sư đoàn dù ,một sư đoàn được coi là thiện chiến bậc nhất: nằm trong lực lượng tổng dừ bị chiến lược của địch bị đánh qụy.

Ngày 20 tháng 12 năm 1974, sư đoàn dù mình đầy thương tích rút chạy khỏi chiến trường. Kế hoạch "tái chiếm" Thượng Đức của địch bị bãi bỏ.

Ngay khi sư đoàn dù vừa rút chạy đề phòng chủ lực của ta thừa thắng theo đường số 14 đánh sâu hơn nữa xuống hướng Đà Nẵng, bọn chỉ huy địch vội tung lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ lên thay thế, nhằm ngăn chặn quân ta trước cửa ngõ Thượng Đức.

Chiến thắng Thượng Đức đã mở toang "cánh cửa thép" bảo vệ phía tây Đà Nẵng, nó còn mang ý nghĩa về mặt chiến lược: đó là tạo thế, tạo lực cho những chiến dịch có ý nghĩa chiến lược tiếp theo... Đây là thước đo về sự so sánh giữa chủ lực cơ động của ta và chủ lúc cơ động chiến lược của dịch. Góp phần thăm dò phản ứng của quân Mỹ đối với miền Nam - Mỹ cút rồi còn dám trở lại không? Thực tiễn đó đã giúp cho Bộ Tổng Tham mưu và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn...

Thường Đức đã cùng với chiến thắng La Sơn -Mỏ Tàu ta đã đánh qụy sư đoàn 1 - sư đoàn mạnh nhất của quân khu 1 ngụy, mở rộng vùng giải phóng nam Thừa Thiên tạo thêm một bàn đạp tiến công thứ hai uy hiếp mạnh mẽ giao thông chiến lược của địch giữa Huế và Đà Nẵng.

TRẦN DANH (lược thuật)