QĐND Online - Sáng 21-11, sau khi biểu quyết thông qua Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí và tán thành quan điểm của Chính phủ là phải sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS). Các đại biểu chủ yếu tập trung thảo luận về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại Điều 21; về độ tuổi gọi nhập ngũ tại Điều 32 và về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (Điều  41) của dự án Luật NVQS (sửa đổi).

Đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Phạm Văn Tam (Hà Nam), Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)  đều cho rằng, thời hạn phục vụ tại ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình là 24 tháng là hợp lý. Theo các đại biểu, tại ngũ 24 tháng, các quân nhân mới đáp ứng được mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, kết hợp việc xây dựng lực lượng thường trực có số lượng hợp lý với xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Ngoài ra, sẽ cụ thể hóa và thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, đặc biệt là bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Các đại biểu cho rằng, thời hạn phục vụ quân đội 24 tháng sẽ tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, phù hợp với tình hình đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa củng cố và nâng cao tiềm lực quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Hướng dẫn chiến sĩ mới gấp chăn màn. Ảnh: qdnd.vn.

Theo đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương), nếu thời hạn tại ngũ của hạ sĩ quan-binh sĩ là 18 tháng thì không thể đủ thời gian để đào tạo huấn luyện chiến sĩ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để làm chủ kỹ thuật chuyên môn, khó đáp ứng được yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ với nhiều vũ khí hiện đại. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Tư lệnh Quân khu 9, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bến Tre) cũng đồng tình với thời hạn là 24 tháng vì theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, “binh khí kỹ thuật ngày càng hiện đại, nếu không có đủ thời gian huấn luyện thì không đáp ứng được yêu cầu”.

Cũng có đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành hoặc quy định một thời hạn chung là 18 tháng đối với các quân nhân phục vụ tại ngũ để bảo đảm sự công bằng trong thực hiện NVQS hoặc đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng (đặc biệt là đối với công dân đã tốt nghiệp bậc đại học). Đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) đề xuất, với những đối tượng đã tốt nghiệp đại học thì chỉ thực hiện NVQS trong vòng 6 tháng, không được hưởng lương, chỉ cấp tiền ăn và quân trang, bởi đây là thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.

Ý kiến khác đề nghị thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh là 12 tháng, còn đối với các quân, binh chủng khác và chuyên môn, kỹ thuật thì quy định cao hơn.

Về độ tuổi gọi nhập ngũ, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27 tuổi để có thể tuyển chọn được nhiều công dân đã học xong chương trình đào tạo bậc đại học vào phục vụ tại ngũ, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm chi phí đào tạo, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc về chất lượng tuyển quân như hiện nay, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và quyền được học tập của công dân. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) tán thành với dự án luật vì với đối tượng nhập ngũ đã qua đại học sẽ giảm được một số chi phí đào tạo mà họ đã học được bên ngoài, nâng cao chất lượng đầu vào, khắc phục được tình trạng chủ yếu là thanh niên nông thôn nhập ngũ, đảm bảo công bằng cho các đối tượng thực hiện NVQS và được thực hiện nghĩa vụ của mình.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Văn Tam phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.

Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) khi thảo luận tại tổ cũng cho biết, lâu nay có tình trạng chỉ con em nông dân, trình độ học rất thấp mới tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi chúng ta có nhiều thiết bị tối tân, đòi hỏi chiến sĩ phải có trình độ cao. Hay như với sinh viên y khoa ra trường đã ở độ tuổi 25, muốn cống hiến cho quân đội thì cũng rất khó vì đã “kịch trần” về khung độ tuổi. “Nếu nới quy định thêm hai năm nữa thì sẽ thu hút một lượng bác sĩ không nhỏ tham gia nhập ngũ, cống hiến cho quân đội, trong khi không phải bỏ chi phí đào tạo…”, đại biểu Cù Thị Hậu nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như Luật NVQS hiện hành vì cơ bản đã thực hiện ổn định.

Về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhiều đại biểu nhất trí là cần giảm đối tượng này để tạo điều kiện cho công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thực hiện NVQS và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Tuy nhiên có đại biểu lại ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc miễn gọi nhập ngũ đối với thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được cử đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… để bảo đảm chính sách công bằng giữa người thường trú ở khu vực này với người ở nơi khác đến có liên quan đến thực hiện NVQS tại ngũ.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị làm rõ, tại sao thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được cử đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… thì công dân tại vùng này lại không được tạm hoãn. Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cũng nêu vấn đề hiện có một bộ phận không nhỏ thanh niên đi du học nước ngoài thì có được hoãn hay không hoặc công dân cùng lúc nhận hai quyết định (đi học và thực hiện VNQS) sẽ quy định như thế nào? Có ý kiến đề xuất du học sinh đi học, chưa thực hiện NVQS có thể đóng tiền thế chân, nếu không thực hiện sẽ bị thu số tiền đó hoặc phạt đóng cao gấp nhiều lần lên.

Tuy nhiên, ý kiến này bị một số đại biểu phản đối vì đây ngoài là trách nhiệm của công dân còn là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân nên không thể dùng tiền thay cho nghĩa vụ thiêng liêng cao cả đó được…

PHÚC THẮNG

* Độ tuổi gọi nhập ngũ nào là phù hợp?
* Không thể dùng tiền thay cho nghĩa vụ quân sự
* Cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình