Thọc sâu, tiến nhanh về giải phóng Sài Gòn vừa là nhiệm vụ, vừa là nguyện vọng cháy bỏng của quân dân cả nước, trong đó có các chiến sĩ Quân đoàn 1, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975.
Chọn hướng tiến công và đường thọc sâu có ý nghĩa quan trọng, vừa nhanh chóng đột phá vào mục tiêu đầu não, vừa tránh kéo dài thời gian tác chiến, không cho địch co cụm lùi dần về Sài Gòn.( Nếu địch co cụm về Sài Gòn, thành phố sẽ trở thành nơi bị tàn phá, dân chúng sẽ không tránh khỏi thương vong lớn, khó có thể giữ nguyên vẹn các kiến trúc, công trình… )
Vào thời điểm đó, có ý kiến cho rằng nên chọn đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu, vì đây là con đường huyết mạch nối các tỉnh miền Đông với Sài Gòn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải dựa vào đường 16 - một nhánh đường đất nhỏ hơn đường 13, chạy tắt từ Chánh Lưu đến dốc Bà Nghĩa rồi nhập vào đường số 8 xuống đường 13 đi Lái Thiêu vào Sài Gòn.
Sau khi phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định chọn hướng tiến công và triển khai lực lượng thọc sâu trên trục đường 16. Cơ quan tham mưu phân tích rằng: Trên hướng đường 13, tuy mặt đường rộng, thuận tiện cho cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật bằng xe cơ giới, nhưng lực lượng địch phòng thủ mạnh (3 trung đoàn thuộc sư đoàn 5 ngụy), bố trí thành nhiều lớp có chiều sâu phòng ngự từ Lai Khê, Bến Cát đến Phú Lợi, Bình Dương, Lái Thiêu. Nếu chọn hướng tiến công trên đường 13 ta sẽ khó thực hiện được ý định thọc sâu nhanh.
Vì Quân đoàn buộc phải tiến công chính diện phòng ngự của sư đoàn 5 ngụy. Đặc biệt, ta phải liên tục đột phá các trận địa phòng ngự của địch có chiều sâu từ Phước Vĩnh đến Sài Gòn (gần 80km). Trong quá trình đó, lực lượng ta có thể bị tiêu hao tổn thất và để mất yếu tố bí mật, bất ngờ, không thực hiện được cách đánh táo bạo, đánh nhanh và đánh hiểm thọc sâu chiến dịch vào sào huyệt của địch ở Sài Gòn. Mặt khác nếu tiến công theo kiểu “bóc vỏ” ấy sẽ là đánh địch dồn về phía Sài Gòn, chúng sẽ có điều kiện củng cố, co cụm, từng bước chống cự, gây khó khăn cho ta trên hướng thọc sâu và như vậy Quân đoàn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho.
Nếu chọn hướng tiến công từ đường 16 qua Búng, Lái Thiêu vào Bộ tổng tham mưu và khu binh chủng ngụy thì Quân đoàn sẽ gặp nhiều khó khăn về đường cơ động triển khai đội hình xuống nam sông Bé, vì trên hướng này chỉ có một trục đường duy nhất từ ngã ba Trần Lệ Xuân vào Bến Bầu. Đây vốn là con đường kéo gỗ của dân khai thác rừng, rất hẹp (chỉ rộng khoảng 3m); để cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật vào vị trí triển khai xuất phát tiến công, ta buộc phải khắc phục mở rộng đường và làm ngầm vượt sông Bé. Tuy nhiên về địa hình khu vực này chủ yếu là địa hình bán sơn địa gồm các dải đồi thấp, có rừng che phủ nên rất thuận lợi cho việc triển khai cơ động lực lượng và phương tiện cơ giới. Từ đường 16 đến Sài Gòn tuy hệ thống đường sá xấu, nhưng ít cầu cống và cự ly cơ động ngắn nhất. Mặt khác, trên hướng này địch bố trí phòng thủ tương đối sơ hở, lực lượng mỏng và yếu (chủ yếu là lực lượng bảo an dân vệ).
Từ những phân tích đánh giá tình hình (địch, ta, địa hình) như trên, Bộ Tư lệnh Quân đoàn kết luận: Sư đoàn bộ binh 5 ngụy là lực lượng gây trở ngại nhất trên dải tiến công của Quân đoàn, khi bị đánh mạnh hoặc có nguy cơ bị tiêu diệt, chúng sẽ co về khu vực nam thị xã Bình Dương lập tuyến phòng thủ.
Để giải quyết được vấn đề trên, một mặt ta phải lập thế chia cắt nhanh và vững chắc, kiên quyết không để chúng co cụm, mặt khác phải triển khai hướng tiến công chủ yếu từ đường 16 qua Búng, Lái Thiêu, thọc sâu đánh chiếm khu binh chủng và Bộ tổng tham mưu ngụy. Muốn chia cắt bao vây cô lập được sư đoàn bộ binh 5 ngụy tại bắc thị xã Bình Dương, ta phải chốt chặt đường 13, tiêu diệt mục tiêu chủ yếu là căn cứ Phú Lợi và thị xã Bình Dương, tổ chức nghi binh hướng Lai Khê, Phước Vĩnh để đánh lạc hướng chú ý của địch, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ cho hướng thọc sâu vào Sài Gòn.
Muốn chiếm nhanh cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn, ta phải thực hành thọc sâu nhanh, hành động táo bạo, bất ngờ. Giữa hai nhiệm vụ: Bao vây, chia cắt sư đoàn 5 ngụy, không cho chúng co cụm về Bắc Sài Gòn và nhiệm vụ thọc sâu nhanh vào Bộ tổng tham mưu ngụy có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ, mật thiết với nhau.
Nếu chia cắt, cô lập hoàn toàn sư đoàn 5 ngụy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng thọc sâu vào đánh chiếm mục tiêu chủ yếu trong Sài Gòn. Ngược lại, ta thọc sâu nhanh, táo bạo đánh chiếm Bộ tổng tham mưa và khu binh chủng ngụy - cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn thì dù sư đoàn 5 ngụy có trên 8.000 quân, 4 tiểu đoàn pháo binh và gần 200 xe tăng, xe thiết giáp của thiết đoàn 3 cũng phải suy sụp về tinh thần, tan rã về tổ chức, không còn ý nghĩa chiến dịch.
Kết cục, vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ, các đơn vị trong Quân đoàn đã nỗ lực ngày đêm, công binh làm đường, phá vật cản, vận tải, kỹ thuật đưa binh khí, bộ đội vào áp sát các mục tiêu.
12 giờ ngày 29 tháng 4, Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 320B:
1 - Bằng mọi cách phải nâng cao tốc độ hành tiến theo kế hoạch, không thể để chậm. Thời gian lúc này là lực lượng. Chậm sẽ lỡ thời cơ và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
2 - Cần thấu triệt cách đánh chiến dịch: Táo bạo, nhanh chóng, bất ngờ, chắc thắng. Trên cơ sở đó mà quyết đoán, linh hoạt xử trí các tình huống phức tạp xảy ra.
3 - Nếu còn gặp địch chống cự, chỉ cần sử dụng một lực lượng vừa đủ để bao vây, tiêu diệt. Không ham đánh dọc đường. Toàn bộ đội hình thọc sâu phải nhanh chóng tìm đường phát triển tiến công, không được dừng lại.
Các mũi hướng của Quân đoàn theo phướng án, phối hợp với mặt trận, chiến trường đã chiến đấu dũng mãnh, hợp điểm đánh chiếm Bộ tổng Tham mưu ngụy, đúng ngày giờ, kết thúc chiến tranh. Sài Gòn được giải phóng, còn nguyên vẹn, nhân dân tránh được tang thương, mất mát.
TRẦN PHU ( lược thuật)