Ngắn nhìn lá cờ, Thượng tá Nguyễn Trí Thanh, Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316 tâm sự: Lá cờ Tổ quốc treo rủ trong những ngày qua ở Làng Nủ được hạ xuống và trao cho bộ đội. Đây là kỷ vật thiêng liêng lưu dấu tình quân dân những ngày làm nhiệm vụ đặc biệt tại nơi này. Tình cảm của bà con Làng Nủ sẽ còn lưu mãi trong trái tim những người lính Đoàn Bông Lau.

Nhớ lại những ngày thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ, Thượng tá Nguyễn Trí Thanh không thể nào quên được tình cảm quân dân gắn bó. Sau bao vất vả cũng đến ngày chia tay, bộ đội lưu luyến rời xa Làng Nủ.

Thượng tá Nguyễn Trí Thanh kể lại: Những ngày qua lưu dấu trong tâm trí người chiến sĩ những ký ức không thể nào quên. Trong khu vực sạt lở chứa đầy bùn lầy, đá hộc, đinh, dao sắc nhọn nhưng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 sẵn sàng lao xuống với mong muốn sớm tìm được nạn nhân mất tích. Đã có những đồng chí ngâm mình hàng giờ dưới bùn, đã có tổ nhóm đi bộ hàng chục ki-lô-mét để tìm kiếm người bị nạn. Vất vả, khó khăn và cả những hiểm nguy luôn thường trực thế nhưng không một ai ngại khó, ngại khổ.

Lá cờ Tổ quốc do bà con Làng Nủ trao tặng bộ đội được trưng bày trang trọng trong phòng truyền thống Sư đoàn 316. 

Đêm hôm trước chia tay, trong căn nhà sàn nhỏ, Hạ sĩ Đỗ Tiến Nam, chiến sĩ, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 98, Sư đoàn 316) sắp đồ chuẩn bị rời Làng Nủ. Mảnh đất này anh đã đổ mồ hôi và cả những giọt máu thấm bùn. Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân anh đã bị vật sắc nhọn đâm vào chân phải đi viện điều trị. Thế nhưng vết thương tạm ổn, anh đã xung phong trở lại cùng đồng đội tiếp tục công việc tìm kiếm nạn nhân, mong sao xoa dịu nỗi đau của người dân Làng Nủ. Vết thương nay đã liền sẹo nhưng nỗi nhớ mảnh đất này thì cứ vấn vương trong tâm hồn người lính trẻ. Đêm khuya nhưng anh vẫn còn thao thức khi phải chia xa mảnh đất đau thương nhưng thắm nghĩa tình này.

Chiến sĩ chuẩn bị quân trang trước khi hành quân rời Làng Nủ. 

Những ngày qua đối với chị Hoàng Thị Thiêu thật khủng khiếp khi 11 người thân bên ngoại ra đi trong trận sạt lở. Ban ngày chị theo bộ đội đi tìm người thân mất tích. Đêm phập phồng trong nỗi lo núi lở, lũ cuốn trôi. Sau khi đã tìm được người thân, chị an lòng phần nào. Thế rồi khi biết đơn vị rút quân, chị lại thấy buồn. Căn nhà nhìn ra bãi sạt lở chất đầy đau thương. Chị nói trong nỗi ngậm ngùi: Có các chú ở đây thì bớt quạnh quẽ chứ các chú đi rồi người Làng Nủ sẽ buồn lắm.

Thượng tá Nguyễn Trí Thanh, Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316, bịn rịn chia tay bà con Làng Nủ. 

Chiều hoàng hôn, phút chia tay thật lưu luyến. Dọc con đường từ trung tâm nhà văn hóa thôn Làng Nủ, bà con đứng chật hai bên đường. Con đường dẫn vào thung lũng Làng Nủ trước đó mươi hôm ngập trong bùn lầy nhão nhoét đến khi bộ đội hành quân trở về đơn vị thực hiện nhiệm vụ đã khô lại chằng chịt vết chân. Những người đàn ông nắm chặt tay bộ đội, các bà các mẹ ôm vai chiến sĩ rồi khóc. Nước mắt của sự mến thương, cảm phục và biết ơn. Cứ thế tay nắm tay, nước mắt lại rơi. Tất cả đều xúc động rưng rưng không nói lên lời.

Buổi chia tay thắm tình quân dân.

Hình ảnh thực sự xúc động khi hàng quân ngang qua bãi sạt lở, tất cả cùng đứng nghiêm trang giơ tay chào. Chào tạm biệt mảnh đất Làng Nủ, chào những gương mặt thân quen vừa trải qua đau thương. Ba lô trên vai mỗi người dường như nặng trĩu trên con đường trở về. Bộ đội chủ động đến với nhân dân lúc hoạn nạn, đau thương. Còn nhân dân cũng hết lòng che chở, giúp đỡ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Trong gian khó tình quân dân càng thêm sáng đẹp. Trong hành trang những người lính trẻ vẫn luôn lưu giữ tình cảm của bà con Làng Nủ gửi gắm.

Bài, ảnh: DUY THANH

* Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.