 |
Thực hành tiêu tẩy tại hội thao do đơn vị tổ chức. Ảnh Minh Hưng |
Đơn vị T6, Binh chủng Hóa học đứng chân trên địa bàn có diện tích lớn rừng phòng hộ của lâm trường Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi đây chủ yếu là rừng thông, rất dễ cháy, nhất là khi thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở cấp rất cao.
Ngày 13-2, tại địa bàn xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xảy ra cháy rừng. 10 phút sau, gần 300 cán bộ, chiến của đơn vị, do Trung tá Lê Tuấn Minh, Phó tham mưu trưởng chỉ huy đã có mặt, tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng dập lửa cứu rừng. Đám cháy ở xa nguồn nước, thời tiết hanh khô, địa hình hiểm trở, xe không tiếp cận được, cán bộ, chiến sĩ hầu hết sử dụng phương tiện chữa cháy nhỏ, thô sơ để dập lửa. Gần một giờ “chiến đấu” với giặc lửa, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, cứu hàng trăm héc-ta rừng có nguy cơ bị cháy lan.
Hôm sau, ngày 14-2, phát hiện đám cháy ở khu vực núi Dõm (địa bàn 3 xã Minh Phú, Hiền Ninh, Nam Sơn), Phân đội C03, do Trung tá Dương Đức Vinh, Phó chỉ huy trưởng về quân sự chỉ huy lập tức huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ chia làm hai hướng tiếp cận khu vực cháy. Mặc dù địa hình phức tạp, núi cao hiểm trở, khói bụi mù mịt, 20 phút sau các lực lượng đã tiếp cận được khu vực cháy. Ngọn lửa bốc cao, giữa ngày giá rét mà hơi nóng rát mặt, đơn vị phân công lực lượng hợp lý, khoanh vùng khống chế ngọn lửa. Với phương tiện chủ yếu là dao, cuốc, xẻng, bàn dập, vừa dập lửa, vừa chống cháy lan, 30 phút sau, ngọn lửa đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, đám cháy cũng đã thiêu rụi khoảng 20 héc-ta rừng. Đơn vị bàn giao hiện trường cho công an và kiểm lâm huyện Sóc Sơn điều tra nguyên nhân.
Chúng tôi đã đến đơn vị ngay sau khi hai vụ cháy rừng xảy ra, được đơn vị xử lý kịp thời, hiệu quả. Trung tá Ngô Văn Chiến, Chủ nhiệm chính trị cho biết: Địa bàn đơn vị đứng chân có diện tích rừng lớn, thưa dân, nên kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được phân chia theo các khu vực, đơn vị là cụm trưởng cụm PCCCR, bảo đảm an toàn khu vực phía bắc. Số lượng công nhân lâm trường ít, rừng ở xa dân, xa đơn vị, do đó việc cơ động lực lượng, phương tiện khi xảy ra tình huống cháy gặp nhiều khó khăn. Phương tiện chữa cháy chủ yếu là thủ công, chưa đáp ứng được yêu cầu nếu xảy ra cháy lớn trên diện rộng, ở địa hình phức tạp. Chính vì vậy, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống cháy nổ, nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ, chống chặt phá rừng và PCCCR; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền, lực lượng chức năng địa phương, lâm trường Sóc Sơn, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Lực lượng, phương tiện PCCCR của đơn vị từng bước được bổ sung kiện toàn đủ, luyện tập thường xuyên, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Trung tá Lê Tuấn Minh, Phó tham mưu trưởng với kinh nghiệm chỉ huy chữa cháy rừng nhiều năm trên địa bàn cho biết: Cùng với phương tiện chữa cháy còn thô sơ, đơn vị tích cực huy động phương tiện đặc chủng tham gia chữa cháy khi cần thiết, trong những tình huống phức tạp. Do vậy, đơn vị coi trọng hiệp đồng chặt chẽ, nắm chắc địa bàn xảy ra cháy, xác định đường cơ động tối ưu cho xe chữa cháy và bộ đội. Khi tiếp cận đám cháy, phải nhanh chóng xác định hướng gió, triển khai lực lượng hợp lý, tạo thành “vành đai” cách ly tùy theo địa hình.
Từ năm 2007 đến nay, đơn vị đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 60 lượt xe các loại; chữa cháy, cứu được hơn 70 héc-ta rừng. Hằng năm, đơn vị còn tổ chức diễn tập PCCCR trước khi vào mùa khô. Hệ thống báo cháy và lực lượng trong phương án luôn ứng trực, kịp thời xử lý cháy rừng xảy ra. Nhiều năm qua, đơn vị luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối; hệ thống kho tàng sắp xếp đúng quy định; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, dụng cụ, trang bị phòng cháy chữa cháy, phát quang khu vực quanh kho tàng, xây dựng bể cát, bể nước dự trữ đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Đơn vị coi trọng tổ chức hội thao, hội thi phòng cháy chữa cháy; sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện có, nâng cao khả năng xử lý kịp thời các tình huống; tận dụng nguồn ngân sách chủ động mua sắm thêm phương tiện, trang bị phòng cháy chữa cháy, nhất là cho các khu vực trọng điểm như khu kỹ thuật, kho VKTBKT, kho xăng dầu... Riêng năm 2007, đơn vị đã tổ chức 8 cuộc diễn tập, thao diễn chữa cháy, với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; tham gia hội thi, hội thao về phòng cháy, chữa cháy đạt giải cao; bảo đảm an toàn về người, phương tiện. Thành tích tham gia PCCCR của cán bộ, chiến sĩ Đơn vị T6 được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao; nhiều tập thể, cá nhân được UBND thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn và Binh chủng Hóa học khen thưởng về công tác PCCCR.
PHAN ANH-THẾ VĂN