III. Chuyến hàng đặc biệt
QĐND - Câu chuyện về người chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô: "Mấy hôm nay đơn vị hết gạo phải ăn trái sung" cứ day dứt trong lòng và theo tôi suốt con đường tàu trở ra miền Bắc.
Sau mấy ngày được phép nghỉ ngơi và chuẩn bị, hôm nay chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô của tàu 41. Thành phần tham dự cũng đông đủ như cuộc họp giao nhiệm vụ lúc ban đầu. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ tàu 41, tôi báo cáo tình hình chuyến đi, hoạt động của địch trên từng đoạn đường, việc tổ chức đón nhận hàng tại bến Vũng Rô... Cả gian phòng im lặng khi nghe tôi báo cáo: "Các anh ở bến mấy tuần nay phải ăn trái sung làm nhiệm vụ chờ đón tàu ta vào!".
Sau khi đánh giá kết quả chuyến đi, đồng chí Tư lệnh Quân chủng nói: "Từ nay trong hoạt động vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam, chúng ta có thêm một bến mới, đó là bến Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. Qua chuyến đi của tàu 41, tuy điều kiện đón tiếp, tổ chức bốc dỡ hàng có nhiều khó khăn, nhưng bến vẫn bảo đảm được; theo dõi vẫn chưa thấy địch có phản ứng gì, vẫn còn là nơi sơ hở. Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng có trao đổi và quyết định chuyến đi thứ hai của tàu 41. Chuyến đi này ngoài số hàng là vũ khí trang bị, theo đề nghị của cán bộ, chiến sĩ tàu, ta nên chuyển một số gạo chi viện trực tiếp cho lực lượng tại bến".
Gạo! "Có gạo, có vũ khí sẽ mở rộng địa bàn giành dân và khi đã có dân rồi sẽ có gạo". Mối quan hệ nhân quả mà người chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô nói với tôi trong đêm bốc hàng, tuy không lý luận cao siêu, nhưng đầy tính thuyết phục. Tuy thế nhưng việc chuyển một số gạo vào miền Nam-tuy rất ít nhưng trong tình hình nhu cầu vũ khí chi viện chiến trường cấp thiết cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến. Nào là: "Trong lúc ta tận dụng từng khoảng trống nhỏ của tàu để xếp vũ khí, thì đem xếp 2-3 tấn gạo vào chiếm hết chỗ!". Nào là: "Chở gạo vào miền Nam là chở củi về rừng!"...
Gạo! Chỉ có chúng tôi mới hiểu hết sự cấp thiết của gạo lúc này đối với các đồng chí ở bến. Vì vậy, nên khi đã có quyết định của đồng chí Tư lệnh rồi, ngoài việc lo xuống hàng là vũ khí, trang bị, tàu cử một số đồng chí lo tiếp nhận, vận chuyển gạo xuống tàu. Đồng chí Lộc thuyền phó hậu cần được giao trọng trách đó.
 |
Di tích “Bến tàu không số” tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Đây là điểm xuất phát của hàng chục con tàu không số chuyển vũ khí trang bị vào tập kết ở Vũng Rô. Ảnh tư liệu. |
Buổi chiều chuẩn bị cuối cùng. Sau khi đóng cố định các nắp hầm hàng, đồng chí Lộc đưa tôi xem phiếu xuất ba tấn gạo tám thơm dành riêng cho bến. Gạo được để vào nơi khô ráo nhất trong khoang hàng đề phòng gió mùa Đông Bắc tạt nước lên ẩm ướt. Thế là chuyến đi thứ hai này ngoài vũ khí trang bị, tàu tôi còn có thêm ba tấn gạo tám thơm. Số lượng tuy ít, nhưng nó là món hàng đặc biệt của nhân dân miền Bắc đã vất vả một nắng hai sương làm ra dưới làn bom đạn ác liệt của máy bay giặc Mỹ, gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với quân thù ở miền Nam tiền tuyến-bến Vũng Rô quê hương tôi.
Chuyến đi thuận lợi. Sau bốn ngày đêm vật lộn với sóng to, gió lớn, lách tránh một vài lần tàu tuần tiễu của địch, tàu chúng tôi lại đúng bến Vũng Rô. Chỉ còn cách độ một cây số, tàu nhận được ngay tín hiệu của bến, dẫn dắt vào nơi trú đậu ngụy trang an toàn, chu đáo.
Vui mừng gặp lại nhau. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ. Đứng bên cạnh anh Sáu, anh Trần Ngọc Quang (người theo tàu tôi chuyến trước) ghé lại nói nhỏ với tôi: "Chúc mừng tàu nẫu lại dô!". Và cả ba cùng cười rạng rỡ.
Mọi công việc lại tấp nập khẩn trương. Nào, cho tàu đi giấu và ngụy trang trước khi trời sáng. Nào tổ chức lực lượng chốt chặn các hướng trọng điểm. Bận rộn nhất vẫn là việc bốc dỡ hàng chuyến này phức tạp hơn vì đoạn đường xa và vận chuyển tới nơi cất giấu ngay trong đêm.
Tôi báo cáo với anh Sáu Suyền, chuyến đi này ngoài hàng là vũ khí trang bị, còn có ba tấn gạo tám thơm dành riêng cho lực lượng bảo vệ bến Vũng Rô. Nỗi xúc động dâng trào trên đôi mắt người Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy bến. Vốn biết anh là người rất nghiêm khắc-ngay cả bản thân-trong việc sử dụng lương thực những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh. Qua người cần vụ kể: "Có lần trên đường đi công tác, "thầy trò" bắt được một con rùa, vì đã mấy ngày ăn muối, "trò" đề nghị giết rùa xào với măng rừng, nhưng "thầy" không cho và bảo "trò" đem thả vào một hốc đá cho rùa lớn lên, sinh sản ra nhiều con rùa khác, để dành khi gặp khó khăn hơn...". Tuy biết vậy, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị anh: "Tranh thủ phát gạo cho anh em ăn lấy sức tối mai bốc dỡ hàng". Dừng một lát như đắn đo, suy nghĩ, sau cùng anh chấp nhận đề nghị của tôi. Thế là nắp hầm hàng được mở ra, từng bao gạo cấp cho các đơn vị được tiến hành ngay trong đêm.
Cầm bao gạo trong tay, anh chiến sĩ bảo vệ bến rưng rưng nước mắt. Hạt gạo trắng trong như tấm lòng miền Bắc. Hạt gạo nghĩa tình lắng sâu ngưng đọng. Ai đã trải qua những ngày ăn trái sung, rau rừng càng thấy quý hạt gạo, bát cơm. Có gạo rồi, nhưng vẫn phải ăn dè xẻn. Không cần phải ai ra lệnh mà tất cả mọi người đều chung một ý nghĩ: "Vì công việc dài lâu của bến!".
Núi rừng quanh bến Vũng Rô qua một ngày yên tĩnh. Mọi hoạt động của địch vẫn bình thường. Mong đợi của chúng tôi rồi cũng đến. Khi màn đêm vừa buông xuống, núi rừng ở bến Vũng Rô như sôi động hẳn lên. Cũng chiếc cầu tàu bằng cây rừng làm tạm, hàng trăm dân công, dân quân du kích tấp nập chuyển hàng.
Gần 4 giờ sáng, mọi công việc đã hoàn tất. Giờ phút chia tay biết bao lưu luyến. Những ánh mắt, những nụ cười và bao dòng lệ đang chảy.
Tàu từ từ rời bến.
Tạm biệt Vũng Rô. Tôi nhớ mãi câu chuyện người chiến sĩ bảo vệ bến: "Có gạo, có vũ khí, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn giành dân. Mà đã có dân là có gạo!". Trong lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Trước mắt tôi, hình ảnh của một miền quê Phú Yên đang vang dậy tiếng reo hò xông lên diệt lũ ác ôn, phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng giải phóng, có phần của những hạt gạo, những khẩu súng trong chuyến hàng "đặc biệt" hôm nay.
IV. Tết ở bến Vũng Rô
Cuối năm 1964, sau khi đã đưa hai chuyến tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, tôi được Tư lệnh Quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ mới: "Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng quyết định tàu của các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng Giao thừa phải có mặt tại bến Vũng Rô (Phú Yên).
Rời Sở chỉ huy Quân chủng, lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc đặc biệt xen giữa niềm vui và nỗi lo. Vui vì được tiếp tục làm nhiệm vụ đưa tàu chở vũ khí về quê hương, được gặp lại đồng chí, đồng bào trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Còn lo hôm nay đã là 20 tháng Chạp âm lịch, làm sao khẩn trương chuẩn bị thật tốt mọi mặt để đưa tàu đến bến Vũng Rô đúng đêm Giao thừa như mệnh lệnh của đồng chí Tư lệnh Quân chủng.
Thành phố Hải Phòng sắp vào Tết. Đào Nhật Tân (Hà Nội) đã bày bán đỏ rực ở các dãy phố. Những bóng đèn, chùm đèn màu treo giăng hàng hai bên thành cầu sông Cấm, trên các ngọn cây trong công viên, nhấp nháy tỏa sáng lung linh như hòa cùng niềm vui của tôi trên đường về đơn vị.
Đêm giá lạnh, chung quanh rất yên tĩnh. Để tránh các chiến sĩ đang ngủ say khỏi thức giấc, tôi nhẹ nhàng bước tới giường định thay quần áo đi nằm. Không ngờ các chiến sĩ tung màn xúm lại quanh tôi. Thì ra, họ còn thức chờ tôi đi nhận nhiệm vụ trở về...
Sau khi họp cấp ủy và chi bộ để quán triệt nhiệm vụ mới, ra nghị quyết lãnh đạo chuyến đi, cuộc họp đơn vị được tiến hành khẩn trương, đầy khí thế quyết tâm. Vấn đề nổi lên là làm sao đưa tàu vào bến Vũng Rô đúng lúc Giao thừa. Phải chủ động tạo sự bất ngờ làm cho kẻ địch không kịp đối phó. Ý kiến thảo luận thật sôi nổi; những khó khăn, vướng mắc đã được anh em đóng góp nhiều biện pháp khắc phục. Tôi kết luận cuộc họp và thông qua quyết tâm gửi lên cấp trên.
Thông thường, cuộc họp đến đây là kết thúc, nhưng thật bất ngờ cho tôi, từ hàng ghế thứ hai, một cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến. Đó là đồng chí Trần Văn Nhợ, người lính mà anh em trong tàu thường gọi với cái tên thân mật "bố già". Đồng chí nói: "Tàu ta đã đi nhiều chuyến, đưa hàng vào nhiều bến, nhưng được đi vào dịp Tết thì thật là hiếm có. Vì vậy, tôi đề nghị tàu ta chuẩn bị cái gì để khi vào bến, ta cùng anh em ở bến ăn Tết!". Tiếng hoan hô đồng tình vang dậy. Thế là ngoài việc cho tàu nhận vũ khí, theo dõi đài để nghe thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần... một bộ phận anh em đi mua gạo nếp về gói bánh chưng, bánh tét, lo quà Tết.
Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã hoàn thành sớm hơn dự định một ngày. Sau khi nghe cáo báo, tôi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cụ thể của các ngành. Khi đến khoang hàng số hai, ngoài số lượng hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật chở cho bến, tôi gặp một hòm gỗ đạy kín, bên ngoài có hàng chữ đậm nét: "Quà đón Xuân vui Tết", bên cạnh một cành đào sum sê hoa lá. Tôi hỏi đồng chí Hồng Lỳ: "Cái hòm này có danh mục ghi trong phiếu chuyển hàng cho bến không?". Đồng chí Nhạn, máy trưởng-người được toàn thuyền cử ra đảm nhiệm công việc chuẩn bị quà Tết vừa cười, vừa nói: "Báo cáo Thuyền trưởng! Cái thùng này do tàu ta xuất phiếu thôi ạ!". Tất cả cùng cười vang. Đồng chí mở nắp thùng và đọc to bản liệt kê bao gồm: "30 chiếc bánh chưng, bánh tét, 10 gói kẹo, bánh quy, 5 gói chè, 20 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu như con tàu không số của ta...".
Chiếc thùng gỗ đựng quà Tết chiếm một diện tích rất nhỏ trong khoang hàng của tàu, nhưng nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đa phần là anh em quê ở Phú Yên. Bằng số tiền dành dụm, họ đã gửi gắm tình cảm của mình qua từng món quà Tết quê hương trong chuyến đi đầy ý nghĩa này.
----------
Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 1)
Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 2)
Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 3)
Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 4)
(Còn nữa)
Truyện ký của TÔ PHƯƠNG