Dân quân ngoại thành Hà Nội cùng bộ đội thu xác máy bay B52 bị bắn rơi. Ảnh tư liệu

Chiến dịch phòng không diễn ra từ ngày 18 đến 30-12-1972 đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của địch vào Hà Nội, Hải Phòng… buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri theo những điều kiện của ta mà hai bên đã thỏa thuận tháng 10-1972. Trong chiến dịch này, bộ đội tên lửa đã bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B52, góp phần to lớn vào thắng lợi chung.

Bước vào chiến dịch, lực lượng tên lửa có hai trung đoàn ở Hà Nội, hai trung đoàn ở Hải Phòng. Với mục tiêu cơ bản nhất là bắn rơi tại chỗ máy bay B52, chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tên lửa chốt vòng trong, thực hiện đánh nhanh, đánh gần tiêu diệt B52 bảo vệ Hà Nội. Tập trung lực lượng để tạo lưới lửa dày đặc về hỏa lực, phát sóng đánh gần để giữ bí mật, không để địch “dò” được trận địa ta từ xa, khi chúng phát hiện được cũng không đủ thời gian cơ động tránh đạn hoặc đánh phá trận địa. Tuy nhiên, khó khăn là khi phát sóng gần chỉ phát hiện được máy bay địch ở cự ly gần, nên phải nhanh chóng chuyển đổi phương pháp điều khiển mới tiêu diệt được máy bay địch.

Thực tế trong chiến dịch, không phải trận nào ta cũng tập trung lực lượng đánh nhanh, đánh gần có hiệu quả. 19 giờ 40 phút ngày 18-12-1972, tốp B52 đầu tiên vào gần Hà Nội. 19 giờ 44 phút, Tiểu đoàn tên lửa 78, Trung đoàn 257 ở trận địa Thượng Thụy phóng hai quả đạn đầu tiên vào tốp máy bay B52, mở màn chiến dịch. Ban đầu, đơn vị đánh bằng phương pháp “3 điểm”, bám sát theo dải nhiễu của B52. Đến khi máy bay địch vào gần, đơn vị cho phát sóng, trên cả 3 màn trắc thủ đều phát hiện được tín hiệu B52 trên nền nhiễu. Nhưng do cự ly đã quá gần, không còn đủ điều kiện chuyển từ phương pháp điều khiển “3 điểm” sang phương pháp “vượt nửa góc”. Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 ở Cổ Loa đánh liên tiếp hai trận vào một tốp B52 cũng không thành công, do thời gian gấp, đơn vị chuẩn bị phần tử cho lần bắn sau không chính xác… Sau mấy chục phút chiến đấu đầu tiên, các đơn vị tên lửa đã đánh 6 lần, tiêu thụ 11 quả đạn, nhưng chưa diệt được B52. Có nhiều nguyên nhân tên lửa ta chưa tiêu diệt được máy bay B52 của địch, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là chưa giải quyết thành công vấn đề tập trung lực lượng đánh nhanh, đánh gần, việc chuyển phương pháp điều khiển còn chậm, lần bắn sau chưa tận dụng được điều kiện thuận lợi của lần bắn trước…

Với quyết tâm tiêu diệt B52, thực hiện mục tiêu cơ bản nhất của chiến dịch, ta đã kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục ngay nhược điểm, nên đợt đánh phá tiếp sau của máy bay B52 địch trong đêm 18-12, vẫn bằng cách đánh kế tiếp, nhưng để có thời gian cho lần bắn sau tận dụng được điều kiện thuận lợi của lần bắn trước, Trung đoàn 261 đã không sử dụng một tiểu đoàn đánh hai lần liên tiếp vào một tốp B52 như lần trước, mà sử dụng các Tiểu đoàn 94 và 59 đánh kế tiếp vào tốp máy bay B52. Tiểu đoàn 94 bắn trước, phá vỡ đội hình chiến thuật của địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 59 bám sát dải nhiễu, đánh bằng phương pháp “3 điểm”, đã bắn rơi tại chỗ một chiếc B52 xuống cánh đồng Chuôm, xã Phủ Lỗ, huyện Kim Anh (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Vấn đề lựa chọn phương pháp điều khiển và chuyển đổi phương pháp điều khiển trong quá trình điều khiển đạn cũng kịp thời, chính xác hơn, như trận đánh của Tiểu đoàn tên lửa 93 ở trận địa Thượng Thụy, trận đánh của Tiểu đoàn 77 ở trận địa Chèm, trận đánh của Tiểu đoàn 94 ở trận địa Tam Sơn… Trận đánh của Tiểu đoàn 93, khi máy bay địch vào đến khu vực hỏa lực, Tiểu đoàn bám sát được dải nhiễu B52, kịp thời đánh bằng phương pháp “3 điểm” ở cự ly xa. Sau quả đạn thứ nhất nổ, đơn vị phát sóng, phát hiện được B52 đã nhanh chóng chuyển sang đánh bằng phương pháp điều khiển “vượt nửa góc”; tiếp tục điều khiển quả đạn thứ hai, đồng thời phóng bồi thêm quả đạn thứ 3 và tiêu diệt một chiếc B52. Trận đánh của Tiểu đoàn 77, khi phát hiện được B52 trên nền nhiễu, tín hiệu gọn và rõ, tiểu đoàn thực hiện đánh bằng phương pháp “vượt nửa góc” ngay từ đầu, đã bắn rơi máy bay B52.

Từ đó, liên tiếp trong các ngày sau của chiến dịch, bộ đội tên lửa đã rất thành công trong việc tập trung lực lượng đánh nhanh, đánh gần, bắn rơi nhiều máy bay B52 của địch.

Từ thực tiễn trên cho thấy, tập trung lực lượng đánh nhanh, đánh gần là cách đánh rất hiệu quả của bộ đội tên lửa. Đánh nhanh, đánh gần không có nghĩa là đánh gấp, đánh cấp tập, không có chuẩn bị chu đáo, mà phải có sự luyện tập công phu, thao tác chiến đấu phải rất thuần thục. Vì vậy, trong thời bình phải huấn luyện bộ đội giỏi cả về kỹ thuật và chiến thuật mới đáp ứng được yêu cầu đánh nhanh, đánh gần.

LÊ VĂN BẢO