QĐND - Trong trận truy kích địch trên Đường 7-Cheo Reo diễn ra từ tối 16-3-1975 đến chiều 24-3-1975, Sư đoàn 320 đã cơ bản diệt gọn tập đoàn rút chạy của Quân đoàn 2 và Quân khu 2 Việt Nam Cộng hòa, gồm: 6 liên đoàn biệt động quân, 3 thiết đoàn thiết giáp, 6 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn Bộ binh 44, Liên đoàn Truyền tin 66, Liên đoàn Công binh 20, hai liên đoàn địa phương quân của Kon Tum và Plei-cu, cơ quan Quân đoàn 2, bộ phận sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Sư đoàn Không quân 6, cùng một số lực lượng khác. Trận đánh đã để lại nhiều bài học quý báu cho chúng ta nghiên cứu vận dụng vào xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên rút chạy hỗn loạn trên Đường 7. Ảnh tư liệu

Đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột quá hiểm và mạnh, tiếp đó là trận bộ đội ta tiến công tiêu diệt lực lượng phản kích tái chiếm của Sư đoàn Bộ binh 23 và Liên đoàn Biệt động quân số 21 đã làm rung chuyển chế độ Sài Gòn, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải vội vã đi đến quyết định sai lầm: “Rút bỏ Tây Nguyên bằng Đường số 7 về giữ vùng đồng bằng duyên hải miền Trung”.

Phát hiện địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, ta đã chớp thời cơ, tập trung đánh quân địch rút chạy, không để chúng thoát về đồng bằng. Khi rút chạy khỏi Tây Nguyên, địch tổ chức thành đội hình lớn, có hỏa lực phi pháo dọn đường phía trước, ngăn chặn phía sau và hai bên. Nhưng địch rút chạy trong thế bị động, binh lính tinh thần hoảng loạn, chỉ cần một lực lượng nhỏ hơn cũng có thể đánh thắng. Sư đoàn 320 được Bộ tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ truy kích, đánh địch rút chạy.

Sư đoàn 320 bước vào chiến dịch được giao đánh chiếm Đường 14, Đường số 7, cắt đứt Đường 14 ở nam Plei-cu, thực hiện bằng được nhiệm vụ chia cắt địch, cài thế chiến dịch, tiến công làm chủ quận lỵ Thuần Mẫn, phát triển tiến công thị xã Cheo Reo (tỉnh Phú Bổn)... Để chủ động cho nhiệm vụ tiến công giải phóng thị xã Cheo Reo, Sư đoàn 320 đã điều Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) vào cắt Đường 7B ở phía tây 10km. Sau khi cắt Đường 14 ở Ea Hleo và đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn, đội hình cơ bản của sư đoàn đứng chân ở khu vực Thuần Mẫn; riêng Trung đoàn 64 (thiếu) ở xa do được giao đánh cắt Đường 14 ở khu vực Chư Léo, vừa phát triển tiến công đánh chiếm quận lỵ Buôn Hồ (Đắc Lắc), đang đứng chân ở khu vực Đạt Lý sẵn sàng đánh địch đổ bộ tái chiếm Buôn Ma Thuột. Bộ Tổng tư lệnh yêu cầu Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên huy động thêm xe bọc thép, xe vận tải, pháo và vật chất cho Sư đoàn 320 truy kích tiêu diệt địch; lệnh cho Quân khu 5 điều động bộ đội địa phương Phú Yên lên chốt Đường 7 không cho địch chạy về Tuy Hòa và cho lực lượng cơ động gấp lên tây Củng Sơn bắt liên lạc với Sư đoàn 320 tiêu diệt địch rút chạy về đây.

Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên cùng với việc chỉ đạo Sư đoàn 320 đánh địch rút chạy, đã đôn đốc Sư đoàn 10 đẩy nhanh tốc độ tiến công tiêu diệt quân địch phản kích ở đông Buôn Ma Thuột. Sáng 17-3, Trung đoàn 95A ở khu vực Măng Yang ngược Đường 19 lên cùng các lực lượng vũ trang địa phương Gia Lai tiến vào giải phóng thị xã Plei-cu cùng các huyện lân cận. Trung đoàn 29 (Sư đoàn 968) cùng LLVT địa phương tỉnh Kon Tum tiến vào giải phóng thị xã Kon Tum...

Sư đoàn 320 nhận lệnh chặn đánh địch rút chạy giữa lúc các đơn vị của sư đoàn đều ở cách thị xã Cheo Reo từ 30km đến 100km, chỉ có Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) đang cắt Đường 7B ở tây Cheo Reo 10km. Đội hình phân tán, thời gian gấp, song Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên, chỉ đạo cơ quan, đơn vị kiên quyết, xử lý kịp thời, chính xác từng tình huống. Chỉ huy các cấp linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện cùng với sự nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ, toàn sư đoàn đã phối hợp hiệp đồng nhịp nhàng, khẩn trương hình thành thế trận, nhanh chóng chốt chặn, vây kín, tiến công, truy đuổi, tiêu diệt và bắt sống lực lượng địch tháo chạy tương đương một quân đoàn.

Trận truy kích thần tốc đuổi đánh địch tháo chạy trên Đường số 7-Cheo Reo của Sư đoàn 320 được xem là trận then chốt thứ ba của Chiến dịch Tây Nguyên, đã thắng lợi giòn giã. Với chiến thắng này, ta đã phá tan âm mưu co cụm của địch về đồng bằng, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, tạo ra thời cơ chiến lược cho Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4-1975.

Đại tá NGUYỄN HÙNG TẤN