Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết: “Hiện, BĐBP có 691 cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn, vô sinh. 100% gia đình hiếm muộn đều được tư vấn chuyên môn khám và điều trị, trong đó 369 gia đình quân nhân đã có kết quả, 307 gia đình đã có con.

Nhiều quân nhân nhận được hỗ trợ kinh phí theo hướng dẫn của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS, GĐ&TE) Bộ Quốc phòng từ ngân sách quốc phòng theo Nghị định 76/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân, viên chức quốc phòng; từ nguồn “Quỹ hiếm muộn” của BĐBP. Riêng năm 2021, cơ quan chức năng của BĐBP đã thẩm định, đề nghị Ủy ban DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí điều trị cho 36 lượt quân nhân hiếm muộn trong lực lượng với tổng số tiền 1,706 tỷ đồng”.

Quân chủng Hải quân hiện có 350 gia đình quân nhân đang trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn với tỷ lệ điều trị thành công đạt 58%. Trong số này, có 161 trường hợp đã nhận hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng với tổng số tiền 8 tỷ đồng, trong đó có một số quân nhân được nhận hỗ trợ hai lần.

Theo Đại tá Nguyễn Thị Việt Hoa, Chánh văn phòng Ủy ban DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng: Từ năm 2018 đến nay, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) đã xét duyệt, đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ 1.720 lượt quân nhân hiếm muộn trong toàn quân với số tiền lớn, nhằm khích lệ, động viên, giúp đỡ gia đình quân nhân hiếm muộn thêm quyết tâm trên hành trình tìm kiếm con.

Biểu đồ tình hình hiếm muộn của các gia đình quân nhân trong toàn quân (khảo sát về nguyên nhân và độ tuổi của 1.194 quân nhân đã nhận hỗ trợ từ năm 2019 đến nay). Minh họa: TÔ NGỌC

Tại Hội nghị tổng kết công tác DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng năm 2021 diễn ra mới đây, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng nêu rõ: Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các nguồn lực, nhất là sự ủng hộ, hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ các đối tượng, nhất là những đối tượng hiếm muộn chưa thuộc diện chính sách quy định tại Nghị định số 76/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng tại hội nghị, cùng với đưa ra các giải pháp trong triển khai thực hiện công tác DS, GĐ&TE ở các cơ quan, đơn vị, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, cần đặc biệt quan tâm hơn nữa tới đối tượng là quân nhân hiếm muộn, nhất là về cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng “Quỹ hiếm muộn”, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn cho rằng, cùng với sự quan tâm, động viên thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cấp thì điều cốt lõi là cần có chính sách cụ thể, rõ ràng để quân nhân hiếm muộn, vô sinh tin tưởng, yên tâm trong quá trình điều trị.

Ở BĐBP, các quân nhân là đối tượng hiếm muộn sẽ được ưu tiên luân chuyển vị trí, đơn vị công tác để hợp lý hóa gia đình, tạo điều kiện cho vợ chồng gần nhau; tăng thời gian nghỉ phép; liên hệ với các địa chỉ điều trị hiếm muộn có uy tín, hỗ trợ một phần chi phí trong quá trình điều trị... Ngoài ra, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP cũng đẩy mạnh hoạt động vận động, xã hội hóa xây dựng quỹ Bảo trợ trẻ em để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn, vô sinh...

Đồng tình với cách làm của BĐBP, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, để góp phần hỗ trợ quân nhân hiếm muộn hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu đề nghị cấp trên tăng kinh phí hỗ trợ điều trị hiếm muộn (kinh phí hỗ trợ điều trị hiếm muộn hiện nay theo quy định là 50 triệu đồng/lần hỗ trợ cho một gia đình quân nhân chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chi phí trên hành trình tìm kiếm con).

Cùng với đó, đề nghị Cục Quân y tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đơn vị phối hợp với Viện Mô phôi lâm sàng quân đội (Học viện Quân y); Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn trong toàn quân...

Theo Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y, Ủy viên Thường trực Ủy ban DS, GĐ&TE Bộ Quốc phòng, Nghị định 76/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 187/2017/TT-BQP ngày 9-8-2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần quy định rất rõ các đối tượng nằm trong diện được hưởng hỗ trợ.

Đối với các đối tượng hiếm muộn không nằm trong diện quy định của Nghị định 76/2016/NĐ-CP (như Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật...) thì các cơ quan chức năng cũng cần chủ động, linh hoạt, nghiên cứu tìm các nguồn kinh phí phù hợp. Làm tốt những điều này sẽ góp phần để các đối tượng nằm trong diện chính sách và không nằm trong diện chính sách của Nghị định 76/2016/NĐ-CP đều được đón nhận sự quan tâm, thêm động lực và sự tin tưởng trên hành trình tìm kiếm con.

KIM ANH