Chuẩn hướng, chuẩn đối tượng

Trong số 38 họa sĩ, hạt nhân mỹ thuật được mời tham dự trại sáng tác lần này có một bộ phận lớn hạt nhân mỹ thuật là nhân viên các ban tuyên huấn, phòng chính trị, có nhiệm vụ chính là trang trí, kẻ vẽ pa-nô, khẩu hiệu tại đơn vị. Số người được học tập bài bản, có kinh nghiệm sáng tác chưa nhiều. Tuy vậy với tình yêu đơn vị và quân đội, họ đã có nhiều tác phẩm toát lên vẻ đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Có thể thấy rằng, khi các hạt nhân mỹ thuật sáng tác về chính đơn vị mình, đồng đội mình, họ dễ dàng đạt được góc nhìn chân xác.  

Họa sĩ Lê Trí Dũng, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, trại sáng tác này đã tập trung đúng đối tượng tham dự. Ông cho rằng, các hạt nhân mỹ thuật ngoài quân đội trước đây tham gia sáng tác về đề tài này thường vấp phải những sai lệch trong sáng tác, bởi họ thiếu vốn sống, thiếu tư liệu, thiếu cơ hội thâm nhập thực tế, cũng như chất kết dính, tình yêu với đơn vị, môi trường làm việc.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao đổi cùng giảng viên, học viên trại sáng tác mỹ thuật toàn quân. 

Tranh cổ động của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Biển, nhân viên câu lạc bộ, Lữ đoàn 242, Quân khu 3. 

Tranh cổ động của Thiếu tá QNCN Trần Văn Thưởng, nhân viên Bảo tàng Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học. 

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, Quân đội ta tiến lên hiện đại hóa, hình tượng người chiến sĩ hôm nay cần được khai thác nhiều hơn ở nhiều góc độ khác nhau, nên rất cần lực lượng sáng tác mới. Trước đây, quân đội có một lực lượng sáng tác dồi dào và tài năng, chính họ đã xây dựng nên nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật xuất chúng, trở thành bảo vật quốc gia, hay biểu tượng của địa phương, vùng đất. Đáng tiếc là trong thời gian qua, tỷ lệ các tác phẩm về đề tài LLVT và CTCM tham dự các cuộc triển lãm mỹ thuật đang “ít dần đều”. Hội Mỹ thuật Việt Nam thống kê đề tài LLVT và CTCM chỉ chiếm dưới 7% tổng số tác phẩm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sút giảm ấy, trong đó, có một phần do quân đội chưa kịp thời phát triển đội ngũ, lực lượng sáng tác, để bổ sung cho lực lượng họa sĩ-chiến sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã già yếu. Được biết, hiện nay trong toàn quân chỉ có 8 họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và chỉ có 3 người trong số này thường xuyên có tác phẩm tham dự các triển lãm mỹ thuật. Chính vì vậy, trại sáng tác về đề tài LLVT và CTCM với lực lượng nòng cốt là những hạt nhân mỹ thuật đang còn tại ngũ đã được đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá là khơi đúng nguồn và đi đúng hướng.

Tạo môi trường mới

Yêu cầu của trại sáng tác lần này đối với các trại viên là sáng tác ít nhất hai tác phẩm tranh cổ động. Đây là thể loại tranh khá “thuận tay” với nhiều hạt nhân mỹ thuật, bởi loại tranh này được sử dụng rộng rãi, thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Quan sát những tác phẩm  mới “ra lò” dễ thấy đặc điểm môi trường sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác. Người vẽ đã đặc tả được hình ảnh của quân chủng, binh chủng, lực lượng mình đang công tác. Theo nhận xét của các giảng viên trại sáng tác như Lê Anh Vân, Nguyễn Thế Hữu, Lê Bá Dũng thì các trại viên đã khai thác được thế mạnh của mình, đó là sự gần gũi với đồng đội, đồng chí, với công tác học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hằng ngày.

Đại úy Lê Anh, giáo viên  bắn súng của Trường Sĩ quan Lục quân 1, tâm sự: "Trước ngày nhập ngũ tôi từng luyện vẽ, tuy nhiên do điều kiện công tác nên hiếm có dịp thử sức mình". Anh cho biết thêm, trại sáng tác này rất bổ ích, giúp anh có thêm kiến thức và cơ hội để sáng tác những tác phẩm mỹ thuật thật sự.

Giống với trường hợp của Đại úy Lê Anh, trong trại sáng tác lần này có nhiều trại viên làm công tác không gắn với hoạt động mỹ thuật tại đơn vị cơ sở. Họ có thể là chính trị viên đại đội, nhân viên bảo tàng, nhân viên câu lạc bộ… Nhiều người chưa có những sáng tác nên thường tỏ ra thiếu tự tin. Để động viên mọi người, họa sĩ, giảng viên Trịnh Bá Quát luôn nhắc lại phong trào “bộ đội vẽ, vẽ bộ đội” có từ thời kháng chiến chống Mỹ. Ông nói: “Trước đây, nhiều người khi tham gia trại sáng tác của quân đội còn chưa biết vẽ. Tuy vậy, sau khi dự lớp, với đam mê và sự rèn luyện nghiêm túc, nhiều người sau này đã trở thành họa sĩ nổi tiếng”. Tôi hỏi thêm: “Được biết, ông cũng là một họa sĩ phát triển từ các trại sáng tác của quân đội. Theo ông, trại sáng tác này cần những điều gì?”. Họa sĩ Trịnh Bá Quát cho rằng: “Thời gian! Trước đây, các trại sáng tác mỹ thuật trong quân đội thường được tổ chức dài từ 3 đến 8 tháng, nay thì chỉ còn trên dưới 1 tháng là quá ít. Thêm nữa, quân đội còn cần một trung tâm hàng đầu như Xưởng Mỹ thuật Quân đội xưa để quy tụ được các họa sĩ trong toàn quân”.

Điểm đáng mừng là hoạt động sáng tác văn học-nghệ thuật trong quân đội hiện nay rất được lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị quan tâm, mà trại sáng tác mỹ thuật này là một ví dụ sinh động. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trong buổi gặp gỡ giáo viên, trại viên trại sáng tác đã kể lại cảm xúc của mình khi đứng trước nhiều tác phẩm nghệ thuật miêu tả hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời bày tỏ hy vọng, sau khi trại sáng tác lần này khép lại, mỗi thành viên sẽ sáng tác được ít nhất một tác phẩm để triển lãm tại chỗ và sử dụng lâu dài. Đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mong rằng, trại sáng tác mỹ thuật tập trung sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, có chất lượng ngày càng cao, thực sự là địa chỉ tin cậy, là điều kiện, môi trường tốt nhất trong việc đẩy mạnh hoạt động mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục trực quan, nâng cao đời sống văn hóa nghệ thuật và nhận thức thẩm mỹ trong quân đội”.

Hy vọng, với tình yêu nghệ thuật hội họa, từ trại sáng tác mỹ thuật quân đội lần này, nhiều tài năng nghệ thuật sẽ được ươm mầm và phát triển.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ