Bộ đội Đoàn H39 Công binh lắp ghép phà phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2008 do Bộ Tổng tham mưu tiến hành, một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác này còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là thiếu trang bị, phương tiện chuyên dụng... Đây là một trong những trở ngại cho công tác PCTT-TKCN của Quân đội. Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế ở một số địa phương, cơ quan chức năng.

 

Vượt khó, thể hiện rõ vai trò chủ lực

Năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, bão tuy không nhiều nhưng mưa, lũ lớn sau bão xảy ra trên diện rộng, kéo dài gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bất chấp mọi gian khổ, hy sinh, quân đội đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện ứng phó nhanh và rất hiệu quả. Toàn quân đã huy động hơn 42.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 55.500 lượt dân quân tự vệ, cùng 1.233 lượt tàu, xuồng, 762 xe ô tô các loại cùng hàng nghìn phao cứu sinh, nhà bạt, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh để cứu trợ, cứu nạn khẩn cấp đồng bào. Quân chủng Phòng không-Không quân đã thực hiện 249 lượt chuyến máy bay trực thăng bay báo bão, TKCN, thả hàng cứu trợ và phục vụ các đoàn công tác. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn tránh, trú bão an toàn cho 105.589 lượt tàu thuyền, 631.256 lượt ngư dân; ngăn chặn không cho 584 lượt phương tiện, 3811 ngư dân ra biển hoạt động khi có bão hoặc không đủ các thiết bị an toàn. Các đơn vị đã di dời, sơ tán 248.490 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cung cấp 300 thiết bị lọc nước cho đồng bào vùng lũ lụt. Với vai trò lực lượng chủ yếu trong công tác TKCN trên biển, các đơn vị Biên phòng, Hải quân đã phối hợp tổ chức TKCN được 3.450 người và 378 phương tiện. Đặc biệt, trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Bộ Quốc phòng đã kịp thời chỉ đạo, điều động các lực lượng tích cực tham gia khắc phục hậu quả. Hơn 600 cán bộ, chiến sĩ, 4 tổ quân y, 50 y, bác sĩ... của Quân khu 9 đã vào cuộc tham gia TKCN trong một thời gian dài, cấp cứu người bị nạn, lo chu đáo cho những người bị tử vong... Trong cuộc chiến đầy cam go ấy đã có những đồng đội của chúng ta mãi mãi không về. Gian khổ, hy sinh nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ góp phần giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản cho dân.

Chủ động khai thác trang bị, phương tiện cho nhiệm vụ

Khi thời tiết có những diễn biến bất thường, bão ít nhưng gây lũ, lụt trên diện rộng, dài ngày, nhiều địa bàn bị cô lập, chia cắt thì việc ứng phó có biểu hiện lúng túng. Báo cáo của UBQG TKCN đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân là công tác chuẩn bị lực lượng, vật chất, trang bị, phương tiện của các địa phương thiếu cụ thể, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Ngô Minh Quân, Chủ nhiệm Quân y (Quân khu 5) cho biết: Năm 2007, ngành Quân y Quân khu 5 đã tổ chức 46 tổ quân y, với sự tham gia của 111 lượt bác sĩ, y sĩ, y tá mang theo 56 cơ số thuốc, 370kg hóa chất về 54 xã của 18 huyện (11 tỉnh) để giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, khám, cấp thuốc điều trị cho 5.740 lượt người dân, xử lý 26.894m3 nước sinh hoạt, phun hóa chất xử lý môi trường 31.850m2... Với khối lượng công việc lớn như vậy, ngành Quân y quân khu phải sử dụng cả nguồn thuốc tiết kiệm của cán bộ, chiến sĩ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai - TKCN.

Đối với các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân do thiếu các trang, thiết bị chuyên dụng nên phải huy động cả trang bị, phương tiện phục vụ cho huấn luyện, SSCĐ vào nhiệm vụ PCTT – TKCN. Theo Đại tá Phan Văn Quang, Trưởng phòng Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Tham mưu (Bộ Tư lệnh Biên phòng) thì cơ sở vật chất trang bị, phương tiện phục vụ cho công tác TKCN của Bộ đội Biên phòng tuy đã được trên quan tâm nhưng vẫn còn rất thiếu. Khi đi kiểm tra công tác PCTT-TKCN tuyến ven biển, đồng chí Cao Đức Phát, Trưởng ban Phòng, chống lụt bão Trung ương rất tâm đắc với mô hình đội tàu thuyền tự quản do Bộ đội Biên phòng chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong điều kiện thiếu trang, thiết bị, mô hình này giúp cho công tác nắm tình hình, kiểm đếm người, phương tiện hoạt động trên biển trước, trong bão của Bộ đội Biên phòng và chính quyền các địa phương rất thuận lợi.

Cần sự quan tâm đầu tư đúng mức

Trao đổi với Đại tá Trần Thành, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh chúng tôi được biết, khi thiên tai xảy ra, cán bộ, chiến sĩ chủ yếu sử dụng các dụng cụ thô sơ, hoặc trang thiết bị, phương tiện dùng cho nhiệm vụ SSCĐ để làm nhiệm vụ nên khó có thể đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn nhất là trong những tình huống phức tạp. Theo thông tin từ Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ đội Biên phòng) số ca nô mà lực lượng được trang bị cho công tác TKCN mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Các đồn, trạm, hải đoàn biên phòng rất cần các tàu chuyên dụng chịu được sóng cấp 6 đến cấp 8 để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong phạm vi 150 hải lý trở vào nhưng chưa có. Theo chúng tôi, trang bị cho các đơn vị biên phòng loại tàu này là phù hợp và cần thiết. Bộ đội Biên phòng là lực lượng tại chỗ, trực tiếp nắm tình hình, giữ thông tin liên lạc với tàu bị nạn, nếu có phương tiện để cơ động ngay sẽ kịp thời, đỡ tốn kém hơn. Xuồng chuyên dùng cho PCTT-TKCN ven biển, ven đầm phá, cửa sông của các đơn vị biên phòng hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Các loại máy móc, trang bị, phương tiện khác như máy thông tin, máy cưa tay, máy nổ phát điện đều thiếu. Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác PCTT-TKCN của Quân chủng Phòng không-Không quân, đặc biệt là máy bay chuyên dụng cho bay báo bão, TKCN và vận chuyển hàng cứu trợ cũng chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trận động đất tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) và cơn bão Nargis đổ bộ vào Mi-an-ma mới đây cho thấy hậu quả mà thiên tai gây ra là vô cùng khủng khiếp. Công tác dự báo, quản lý “nguy cơ” và chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện để đối phó là việc không thể xem nhẹ với bất cứ quốc gia nào. Đối với nước ta, Quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác PCTT-TKCN. Việc quan tâm đầu tư các trang bị, phương tiện chuyên dụng PCTT- TKCN cho quân đội là rất cần thiết. Được biết năm 2008, ngoài các công trình chuyển tiếp đầu tư cho công tác PCTT- TKCN còn có nhiều công trình mở mới. Đáng chú ý là việc mua sắm trang bị cho 2 tiểu đoàn công binh làm nhiệm vụ khắc phục sự cố, sập đổ công trình ở khu vực miền Trung và miền Nam; đóng tàu đa năng TKCN công suất lớn hoạt động xa bờ 1000 hải lý cho Quân chủng Hải quân; đóng tàu TKCN tầm hoạt động xa bờ từ 50 đến 150 hải lý cho Bộ đội Biên phòng và Hải quân; mua máy bay trực thăng TKCN của Quân chủng Phòng không-Không quân; mua sắm trang, thiết bị y tế cấp cứu, cứu nạn... Điều đó cho thấy công tác đầu tư phát triển mua sắm, đóng mới các trang bị, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách được Chính phủ và UBQG TKCN quan tâm hơn. Tuy nhiên, theo chúng tôi cùng với sự quan tâm của trên, cần phát huy tinh thần chủ động của các ngành, các đơn vị, địa phương. Thường thì các trang bị, phương tiện phục vụ cho công tác PCTT- TKCN chỉ sử dụng khi có tình huống xảy ra. Vì thế dư luận cho rằng khi mua sắm, sản xuất các trang bị, phương tiện phục vụ công tác TKCN nên tính hiệu quả kết hợp phục vụ kinh tế-quốc phòng. Cũng có thể xem đây là cách tiết kiệm kinh phí.

PHÙNG KIM LÂN