 |
Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Sơn, quyền Viện trưởng, Viện KHXH&NVQS. |
PV: Kính thưa đồng chí! Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội XIII ở mục X về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nêu lên một luận điểm: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Đồng chí có đánh giá gì về vấn đề này?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là một truyền thống phản ánh đặc trưng, bản sắc văn hóa chủ động giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tập trung nhất ở câu nói nổi tiếng của vua Lê Thái Tổ căn dặn con cháu: “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là vấn đề được xác định trong nhiều Văn kiện của Đảng, nhất là các văn kiện trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt kể từ Nghị quyết về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Bộ Chính trị năm 1998, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX), Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Đây là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo truyền thống lịch sử dân tộc, lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm các kỳ đại hội trước của Đảng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới của cách mạng Việt Nam. Nhất là từ tình hình thế giới, khu vực đang có những diễn biến mau lẹ, phức tạp và khó lường; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ ta và chủ trương của Đảng là “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Quan điểm này của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn nêu cao tinh thần chủ động giữ nước ngay trong thời bình; khắc phục những hạn chế trong nhận thức và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; nắm vững cách thức ngăn ngừa, giải quyết những bất trắc nảy sinh; không để bị động, bất ngờ, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
PV: Theo đồng chí, nội dung trên có gì mới hoặc có điểm nhấn gì về mặt nội hàm so với các nghị quyết trước đây?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII lần này, Đảng ta xác định: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Cần khẳng định đây là một vấn đề mới, thể hiện tư duy tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống “chủ động giữ nước” của dân tộc. Cái mới thể hiện: Chưa có một văn kiện nào của Đảng mà tinh thần, quan điểm, phương châm “chủ động giữ nước” lại được Đảng ta nhắc đến 5 lần, đó là tần suất rất cao. Cụ thể: 2 lần trong đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; 1 lần trong phần tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; 1 lần trong nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc; 1 lần trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đặc biệt, cái mới thể hiện ở vị trí của quan điểm, phương châm “chủ động giữ nước” không chỉ xác định với nhiệm vụ QP-AN - bảo vệ Tổ quốc, mà ở cả phần định hướng tổng quát bao trùm một giai đoạn, thời kỳ phát triển mới của đất nước. Điều đó có nghĩa quan điểm, phương châm đó là đối với mọi nhiệm vụ, chủ thể, lực lượng và trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QP, AN, đối ngoại của đất nước, chứ không chỉ là của riêng QP-AN, bảo vệ Tổ quốc. Lĩnh vực nào, chủ thể nào, ngành nào cũng phải “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”.
Đáng chủ ý, cả trong nhiệm vụ xây dựng Đảng cũng được xác định: “Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm”. Nghĩa là, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là vấn đề đầu tiên để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Như vậy có thể thấy, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến thực hiện quan điểm, phương châm “chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, trong thời kỳ phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thể hiện tư duy mới của Đảng ta về chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trên mọi lĩnh vực của đất nước.
PV: Theo đồng chí, qua nghiên cứu thì quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như kinh nghiệm của các nước, các quân đội trên thế giới có đề cập về vấn đề này như thế nào?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Có thể khẳng định quan điểm, phương châm: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” mà Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định là sự kế thừa trực tiếp tinh hoa tư tưởng của nhân loại về bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ Tổ quốc XHCN nói riêng, trực tiếp là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ thành quả cách mạng và chủ động giữ nước.
Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã kế thừa quan điểm của V.I. Lênin xác định ngay sau Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” và “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ”.
Đặc biệt, năm 1918, khi V.I.Lênin chỉ đạo cuộc chiến tranh chống đế quốc Đức xâm lược, Người đã nói: “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng; phải thấy trước khả năng xâm lăng” của chúng.
Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa trực tiếp tư tưởng của Người xác định từ năm 1955 rằng:“Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.
Trong tình hình mới hiện nay, tư tưởng chiến lược quân sự của các nước trên thế giới luôn có sự biến đổi nhanh chóng.
Ngoài ra, từ kinh nghiệm thất bại về giữ nước của một số quốc gia Đông Âu, Liên Xô thập niên 80-90 thế kỷ XX và một số nước Bắc Phi, Trung Đông trong cái gọi là “Cách mạng Hoa Nhài”; “Mùa xuân Ả-rập”… những năm đầu thế kỷ XXI là những kinh nghiệm quý báu để Đảng ta đúc rút thành quan điểm, đường lối bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong Văn kiện Đại hội XIII lần này.
PV: Theo đồng chí, để thực hiện vấn đề Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII nêu ra như trên, cần phải thực hiện các nội dung, biện pháp gì?
Đại tá Phạm Văn Sơn: Để thực hiện vấn đề “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải bám sát tình hình, quán triệt và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng đã xác định trong các nghị quyết, chiến lược. Trong đó, tập trung vào một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, tăng cường giáo dục quốc phòng - an ninh, làm cho mọi tổ chức, cá nhân và người dân có nhận thức đầy đủ, đúng đắn quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác, âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.
Hai là, chủ động bám sát tình hình, nghiên cứu dự báo chính xác tình hình quốc tế, trong nước, nhất là những động thái mới về quốc phòng, an ninh và xu hướng phát triển của nó tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để kịp thời xác định chủ trương, giải pháp phòng ngừa, xử lý thắng lợi các tình huống về quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ về chiến lược
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; thực hiện tốt “trong ấm” với “ngoài êm”, tạo nền tảng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò các chủ thể, lực lượng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời hoạt động bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
VĂN DŨNG-VĂN DUYÊN (thực hiện)