Cầu Bông nằm trên đường 22, bắc qua kênh Cầu Bông, ở quãng giữa ấp Chợ và thôn Tân Thới Nhì, cách Sài Gòn 30km về phía Tây Bắc và cách quận lỵ Củ Chi 12 km về phía Đông Nam. Cầu được làm bằng bê tông, dài 7m, có trọng tải 50 tấn. Kênh Cầu Bông là ranh giới giữa hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, bắt nguồn từ sông Cầu Sáng, chảy lên phía Bắc, rồi chảy rẽ sang phía Tây. Lòng sông rộng khoảng 6m, với độ sâu chừng 2m, hai bên bờ thấp, bùn lầy, xung quanh là cánh đồng, địa hình trống trải. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Cầu Bông có vị trí quan trọng trên đường tiến công vào giải phóng Sài Gòn của Quân đoàn 3. Nếu bị địch chặn lại hoặc địch phá cầu, tốc độ tiến công của đơn vị bị ảnh hưởng, qua đó ảnh hưởng chung đến đội hình tiến công chiến dịch.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Cầu Bông, Bộ chỉ huy Quân đoàn giao cho Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn tăng 273, biên chế hai trung đội, trang bị 3 xe M.48 và 2 xe M.41 (chiến lợi phẩm thu được của địch), phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 10, biên chế làm phân đội đi trước, có nhiệm vụ hiệp đồng cùng đặc công Trung đoàn 198 đánh địch ở Cầu Bông, ngăn chặn không cho địch phá cầu khi rút chạy. Ngày 26-4-1975, sau cuộc hành quân cấp tốc hơn 300km, từ Tuy Hòa đến Dầu Tiếng, Đại đội 9 đã đến khu tập kết chiến đấu ở Bến Súc để nhận nhiệm vụ và hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu.

5 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, trong khi Tiểu đoàn 3 cùng Trung đoàn bộ binh 48 tiến công địch ở Đồng Dù, Tiểu đoàn tăng 1 và 2 cùng bộ binh tiến công địch ở Củ Chi, Hóc Môn, trung tâm huấn luyện Quang Trung, thì Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 cũng được lệnh xuất kích. 7 giờ 30 phút, khi Đại đội 9 cơ động điều chỉnh ở ngã ba đường 237 và tỉnh lộ 7A thì nhận được nhiệm vụ bổ sung của Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 10 với nội dung: “Tình hình chiến đấu rất khẩn trương, Đại đội nhanh chóng tiến với tốc độ cao, vừa cơ động vừa đánh địch, đánh chiếm Cầu Bông, mở đường cho chủ lực thọc sâu, tiến công vào Sài Gòn... Đại đội 9 nhanh chóng bắt liên lạc với Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 đang hoạt động ở khu vực Cầu Bông để hiệp đồng chiến đấu”.

8 giờ 20 phút, khi đội hình của Đại đội 9 cơ động vượt qua đường 237 để tiến ra đường 22 thì bị hỏa lực của pháo binh địch bố trí ở Trung Hòa, Đồng Chùa, suối Sâu bắn dữ dội vào đội hình. Trước tình hình ấy, toàn đại đội giãn cách cự ly, tăng tốc độ, tiếp tục tiến. Khi đội hình của Đại đội cơ động đến cách đường 22 khoảng 3km thì nhận được tín hiệu chi viện của bộ binh yêu cầu đơn vị tham gia đánh địch phản kích. Đại đội trưởng quyết định không để Đại đội tham gia đánh địch phản kích, tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm Cầu Bông.

8 giờ 45 phút, khi xe đi đầu tiếp cận đường 22, Đại đội trưởng lệnh cho phân đội tạm dừng để cùng Chính trị viên xác định lại địa hình; sau đó tiếp tục tiến về phía đông. Tiến được khoảng 5km, phát hiện có bộ binh địch ngăn chặn, Đại đội trưởng lệnh cho các xe cơ động theo đội hình so le, chi viện lẫn nhau, phát huy hỏa lực tiêu diệt địch. Vừa cơ động, vừa chiến đấu, đội hình Đại đội đã đến đầu quận lỵ Củ Chi. Tại đây, binh lính địch tưởng nhầm là xe tăng của chúng nên đã ra đón và nhảy lên xe. Chiến sĩ ta bình tĩnh dùng pháo gạt địch xuống và dùng tiểu liên, lựu đạn diệt chúng, đồng thời bắn cháy 2 xe M.113 làm địch hoảng hốt bỏ chạy. Phát hiện xe tăng của Quân giải phóng, lực lượng Bảo an địch bắn ngăn chặn quyết liệt, các xe đi đầu của Đại đội nhanh chóng lướt qua, các xe còn lại tập trung hỏa lực, dùng pháo bắn chế áp buộc địch phải bỏ chạy vào quận lỵ. 10 giờ 50 phút, toàn đội hình xe của Đại đội đã vượt qua quận lỵ Củ Chi an toàn. Trên đường tiến về ấp Chợ, xe đi đầu của Đại đội bắn cháy 1 xe M.113 của địch, sau đó tiếp tục cơ động về Cầu Bông.

Trên đường cơ động về Cầu Bông, vào lúc 11giờ 15 phút, Đại đội phát hiện có nhiều xe tăng- thiếtgiáp địch rút chạy từ Hậu Nghĩa về Sài Gòn. Đại đội đã phối hợp với lực lượng Đặc công kẹp địch lại để tiêu diệt. Bị tiến công bất ngờ, địch đối phó lúng túng, đội hình rối loạn, một số xe địch quay đầu tháo chạy đâm vào nhau trên Quốc lộ 22, có xe lao xuống cả ruộng nước, một số binh lính bỏ xe chạy tháo thân. Trước tình hình phát triển thuận lợi, Đại đội phát huy sức cơ động, tăng nhanh tốc độ tiến công, tiêu diệt địch trong tầm bắn hiệu quả, diệt thêm 8 xe M.113 của địch. Đúng lúc đó, đội hình thọc sâu của Sư đoàn bộ binh 10, do Tiểu đoàn tăng 1, Trung đoàn tăng 273 dẫn đầu vừa cơ động đến. Phát huy kết quả chiến đấu của Đại đội 9, đội hình thọc sâu nhanh chóng vượt qua Cầu Bông tiến nhanh về Sài Gòn. Còn Đại đội 9 tiến đến thôn Tân Thới Trung lúc 13 giờ 30 phút ngày 29-4-1975 thì được lệnh của trên tạm dừng để chờ lệnh mới.

Như vậy, sau một thời gian chiến đấu, Đại đội 9 được sự phối hợp chi viện của Đặc công Trung đoàn 198, đã đánh tan một Chi đoàn thiết giáp ngụy trên đường cơ động rút chạy, bắn cháy 14 xe M.113 của địch (trong đó có 10 xe bị diệt ở Cầu Bông), tạo điều kiện cho lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 nhanh chóng phát triển vào giải phóng Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao./.

Trang Thu