Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sĩ Sư đoàn 308 tại Đền Hùng trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: btlsqsvn

QĐND Online - Đại đoàn 308 trước đây, Sư đoàn 308 ngày nay, là sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 28/8/1949 tại thị trấn Đồn Đu thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, từ những đơn vị Cứu quốc quân, những đại đội, tiểu đoàn được thành lập trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, những đơn vị thiện chiến, có bề dày truyền thống chiến đấu.

Ngay sau lễ thành lập, Đại đoàn đã có những trận đánh và lập công xuất sắc đầu tiên trên mặt trận Trung Du và Đường số 4. Ngày 29/8, tiểu đoàn 29 chặn đánh địch ở vùng núi Đanh – Hữu Thủ (Vĩnh Yên), diệt hơn 100 địch và 30 tên khác bị thương. Tiếp đó, tiểu đoàn phối hợp với tiểu đoàn 80 thuộc Trung đoàn Bắc Bắc (Trung đoàn 36) tác chiến tại Lai Sơn, Thanh Vân, Đạo Tú, diệt gần 400 tên, làm bị thương 100 tên khác, bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân Canigu của quân Pháp. Ngày 3/9 tiểu đoàn 23 tiến hành trận phục kích lớn tại đèo Lũng Phầy trên đường số 4, phá hủy 86 xe cơ giới, diệt và bắt hơn 200 tên địch. Sau trận này tiểu đoàn 23 được mang danh hiệu vẻ vang “Tiểu đoàn Lũng Phầy”.

Trong chiến dịch Biên Giới (thu đông 1950), lần đầu tiên Đại đoàn 308 ra quân với đầy đủ quân số. Đại đoàn là lực lượng chiến đấu chủ yếu trong chiến dịch, được trang bị nhiều loại phương tiện thông tin liên lạc nên mọi mệnh lệnh, chỉ thị của các cấp chỉ huy đều được truyền đạt kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Các tiểu đoàn và đại đội đã chủ động phối hợp tác chiến, sáng tạo nhiều cách đánh táo bạo, góp phần chủ yếu tiêu diệt hai binh đoàn Lơ Pagiơ và Sactông của Pháp.

Trong chiến dịch Trung Du (chiến dịch Trần Hưng Đạo), Đại đoàn sử dụng một số tiểu đoàn, thực hiện chiến thuật “bôn tập” từ vị trí tập kết vượt khoảng cách từ 15 đến 20 km, bất ngờ tập kích các cứ điểm của địch trên khu vực tiếp giáp giữa Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên. Đây là lần đầu tiên Đại đoàn 308 đánh địch ở địa hình trống trải, nơi máy bay, pháo binh cũng như xe tăng và quân dù của địch phát huy được tác dụng. Cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn đã nêu cao tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, dũng cảm chiến đấu, hiệp đồng tác chiến, nên đã làm tròn nhiệm vụ trong cả hai đợt của chiến dịch.

Sau chiến dịch Trung Du, Đại đoàn 308 lại liên tiếp tham gia các chiến dịch Đường số 18 (chiến dịch Hoàng Hoa Thám), chiến dịch Hà Nam Ninh (chiến dịch Quang Trung), chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Thượng Lào. Trải qua chiến đấu, các đơn vị tham gia các chiến dịch trưởng thành vượt bậc. Nhiều đơn vị trong Đại đoàn vận dụng thành công nhiều hình thức tác chiến như đánh cứ điểm mạnh, phục kích chặn đường sang sông, tập kích và hoạt động nhỏ lẻ, thu được nhiều kinh nghiệm quý báu và lập được nhiều chiến công. Trong chiến đấu, nhiều gương dũng cảm, mưu trí đã xuất hiện, cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua giết giặc lập công.

Mùa hè năm 1953, Đại đoàn 308 trở về Thái Nguyên. Trải qua bảy chiến dịch lớn, bước chân của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn đã đi hầu khắp các chiến trường ở Bắc Bộ và Thượng Lào. Ở các địa phương. Khi tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn luôn luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ, xây dựng cuộc sống mới… Ở đâu họ cũng để lại ấn tượng tốt đẹp. Mới bốn năm kể từ ngày thành lập, Đại đoàn 308 đã trở thành một đơn vị chủ lực dày dạn trong chiến đấu, được nhân dân yêu mến, các đơn vị bạn tin tưởng.

Bước vào chiến cuộc đông-xuân 1953-1954, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ phối hợp với quân đội Pe-thét Lào mở cuộc tiến công chiến lược vào phòng tuyến sông Nậm Hu của địch ở Thượng Lào. Trong cuộc tiến công này, Đại đoàn 308 đã tỏ rõ tinh thần kỷ luật cao, khắc phục khó khăn gian khổ, quên mình vì sự nghiệp cách mạng, nêu cao vai trò của một binh đoàn bộ binh chủ lực cơ động trong đánh vận động truy kích, tiêu diệt địch trên chiến trường rừng núi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Chỉ huy mặt trận giao.

Hơn một tháng hành quân chiến đấu liên tục trên chiến trường nước bạn, Đại đoàn đã phối hợp cùng bạn tiêu diệt một tiểu đoàn quân Lê dương và nhiều quân ngụy Lào, đánh tan hai tiểu đoàn quân ngụy và tiểu đoàn quân Ta-bo (Bắc Phi) thứ năm, bắt sống 300 tù binh, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Phòng tuyến sông Nậm Hu của địch bị phá vỡ. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cô lập hoàn toàn.

Ngày 18/2/1954, Đại đoàn được lệnh quay về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch vĩ đại này, mặc dù gặp hoàn cảnh không thuận lợi, vừa phải chịu nhiều tổn thất trong cuộc tiến công chiến lược giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, kỷ luật, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn thử thách ác liệt, hiệp đồng cùng các đơn vị bạn trên toàn mặt trận, thực hiện đánh công kiên, đánh hiệp đồng binh chủng qui mô lớn trong một thời gian dài. Mở đầu là trận tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập, rồi bức hang địch ở đồi Bản Kéo góp phần đập tan tấm lá chắn phía bắc. Tiếp đó, với trận chiến đấu quyết liệt trên đồi A1, Đại đoàn tham gia cùng các đơn vị bạn phá vỡ khu phòng ngự phía đông của tập đoàn cứ điểm địch. Vừa đánh địch phản kích, vừa góp sức xây dựng trận địa tiến công bao vây, Đại đoàn phụ trách toàn bộ nhiệm vụ tác chiến khu vực phía tây, đẩy địch vào thế khốn quẫn, cuối cùng đã tham gia vào đợt tiến công thứ ba, đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần làm nên một “Điện Biên Phủ chấn đông địa cầu”, tạo chuyển biến lớn trong cục diện quân sự và chính trị ở Đông Dương.

Gương chiến đấu anh dũng của Nguyễn Quốc Trị, Chu Văn Mùi, Nguyễn Văn Ty, Trần Đình Hùng, Bùi Quang Mại, Nguyễn Hùng Sinh,… càng làm rạng rỡ thêm truyền thống của Đại đoàn.

Tám năm chiến đấu liên tục. Năm năm đánh lớn tập trung. Thời gian chưa dài. Nhưng các chiến sĩ Quân Tiên Phong đã đánh hàng trăm trận trong hàng chục chiến dịch trên chiến trường chính Bắc Bộ và nước bạn Lào, luôn luôn đi đầu trong tác chiến qui mô lớn, nêu cao vai trò của một Đại đoàn chủ lực cơ động trong chiến tranh giải phóng. Tự hào với bề dày thành tích chiến đấu và truyền thống Quân Tiên Phong, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 vững bước vào thời kỳ xây dựng, chiến đấu mới.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, Đại đoàn 308 bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, vừa chấn chỉnh, xây dựng lực lượng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ công cuộc lao động xây dựng đất nước, tham gia sản xuất, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Thực hiện kế hoạch xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Tổng Quân ủy chủ trương chấn chỉnh tổ chức biên chế và trang bị cho toàn quân. Cùng với các đại đoàn chủ lực của Bộ, Đại đoàn 308 đổi tên là Sư đoàn bộ binh 308. Sư đoàn có 3 trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo hỗn hợp và các đại đội binh chủng trực thuộc. Đồng thời với việc chỉnh biên, Sư đoàn tiến hành nhiều đợt học tập chính trị, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, điều lệ cho cán bộ các cấp và chiến sĩ theo chương trình thống nhất của toàn quân. Nhờ đó trình độ giác ngộ chính trị và ý thức giai cấp, cũng như trình độ hiểu biết kỹ thuật, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao.

Có thể nói, qua quá trình xây dựng, rèn luyện, tiến lên chính qui hiện đại, tham gia xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, Sư đoàn 308 đã nêu cao vai trò đơn vị chủ lực cơ động chiến lược của Bộ và phát huy truyền thống Quân Tiên Phong, đã trưởng thành về nhiều mặt, đặc biệt là về tổ chức chỉ huy, lãnh đạo, nề nếp chế độ chính quy và trình độ kỹ thuật, chiến thuật trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần đắc lực vào nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc,chống chiến tranh phá hoại, chi viện cho chiến trường miền Nam, tích cực lao động sản xuất, giúp dân chống thiên tai, thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất. Sư đoàn thường xuyên được Bộ giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm về biên chế tổ chức, trang bị vũ khí, cũng như huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, phục vụ cho toàn quân. Nhờ đó, Sư đoàn đã trưởng thành nhanh chóng, vững chắc, xây dựng sư đoàn chủ lực cơ động chính qui, hiện đại phù hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1968, cùng với toàn quân, toàn dân, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 sẵn sàng lên đường lập chiến công mới.

Trong chiến dịch tiến công Đường số 9 - Khe Sanh (xuân-hè 1968), Sư đoàn 308 vinh dự tham gia chiến đấu và lập chiến công trong đợt 4 chiến dịch. Đây là lần đầu tiên Sư đoàn trực tiếp đánh Mỹ trên chiến trường miền Nam. Hơn một tháng tham gia chiến dịch, Sư đoàn đã đánh hàng chục trận, quy mô từ đại đội đến tiểu đoàn, nhiều trận chủ động đánh địch ban ngày, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, bắn rơi 39 máy bay, phá hủy 11 khẩu pháo, cối các loại cùng nhiều vũ khí, khí tài của địch. Chiến thắng giành được trong chiến dịch tiến công Đường số 9 - Khe Sanh đã chứng tỏ một bước trưởng thành mới của Sư đoàn sau 14 năm xây dựng. Sư đoàn đã chiến đấu trực tiếp với quân chủ lực tinh nhuệ có trang bị vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ, lập chiến công vẻ vang.

Trong chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào (xuân 1971), cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 308 đã chiến đấu liên tục trong suốt cả 52 ngày đêm của chiến dịch, tiêu diệt 4.023 tên địch, bắt 127 tên, diệt gọn thiết đoàn 17 và 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng liên đoàn 1 biệt động quân và tiểu đoàn 1 dù của địch, phá hủy 337 xe các loại (có 205 xe tăng và xe bọc thép, 48 khẩu pháo, cối cỡ lớn, thu gần 500 súng các loại, cùng hàng chục tấn vũ khí đạn dươc, trang bị kỹ thuật.

Chiến công của Sư đoàn trong chiến dịch này là thành quả của quá trình huấn luyện gian khổ, sáng tạo. Qua chiến dịch, Sư đoàn đã trưởng thành thêm một bước quan trọng, rút ra nhiều bài học bổ ích về cách đánh địch tiến công và phòng ngự bằng hình thức đóng chốt trên điểm cao, về cách tổ chức chốt giữ những mục tiêu chiến dịch, chiến thuật trong phòng ngự, cũng như trong tiến công, làm phong phú thêm truyền thống chiến thắng của Sư đoàn.

Tham gia trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Trị- Thiên, Sư đoàn đã lập công xuất sắc, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Hà - Lai Phước, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Trận Đông Hà - Lai Phước được coi là điểm mốc lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Đây là một trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta từ trước đến lúc này. Trong đợt 2 chiến dịch, Sư đoàn 308 cùng các đơn vị tăng cường, trong thế tiến công chung của chiến dịch Quảng Trị, đã anh dũng chiến đấu, vận dụng cách đánh tốt, đạt hiệu quả cao, đập tan cụm cứ điểm kiên cố có binh lực tương đương một sư đoàn binh chủng hợp thành của quân đội Sài Gòn, được không quân và pháo hạm Mỹ chi viện.

Trong trận này, Sư đoàn 308 và các đơn vị tăng cường đã diệt 3.500 tên địch, bắt 322 tên, phá hủy 110 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 45 máy bay, thu 5 pháo lớn và nhiều xe quân sự, làm tan rã 3 trung đoàn bộ binh, 2 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp địch, đánh bại thủ đoạn phòng ngự mới của chúng, giáng một đòn nặng vào tinh thần quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn chiến trường miền Nam.

Sau thắng lợi vang dội trong trận Đông Hà - Lai Phước, Sư đoàn lại có gần một năm liên tục chiến đấu kiên cường với nhiều cách đánh sáng tạo, đặc biệt là hình thức chiến thuật phòng ngự cụm chốt liên hoàn nên đã góp phần cùng các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Quảng Trị.

Tổng cộng, sau gần một năm chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị với nhiều đợt kế tiếp, Sư đoàn đã đánh gần 800 trận lớn nhỏ từ một tổ, một tiểu đội đến tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn tăng cường, diệt và bắt hơn 10.000 tên địch, phá hủy và thu 151 xe tăng thiết giáp, 17 khẩu pháo từ 105 ly đến 155 ly, bắn rơi 23 máy bay các loại.

Tuy nhiên, tại Quảng Trị, Sư đoàn cũng chịu nhiều tổn thất lớn; kể từ khi bước vào chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến dịch; hơn 70% cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn theo biên chế hy sinh và bị thương. Nhiều đại đội, tiểu đoàn phải thay thế cán bộ chỉ huy từ 6 tới 7 lần. Có đại đội khi kết thúc chiến dịch không còn lại một ai là cán bộ, chiến sĩ cũ có mặt từ đầu cuộc tiến công chiến lược (năm 1972).

Sư đoàn 308 đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Trị cũng như toàn chiến trường miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân về nước, đưa sự nghiệp cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới.

Ngày 24/10/1973, trước yêu cầu của giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân đoàn 1 - quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta được thành lập. Sư đoàn 308 vinh dự được đứng trong đội hình Quân đoàn.

Năm 1974, trong đội hình Quân đoàn 1, với quyết tâm “Xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, có sức chiến đấu cao, sức cơ động lớn, sức đột kích mạnh” và khẩu hiệu hành động “Toàn quân là một trường huấn luyện”, Sư đoàn bước vào khóa huấn luyện mới. Sau khi học tập chiến thuật, kỹ thuật cấp đại đội và tiểu đoàn, Sư đoàn liên tục tổ chức các cuộc diễn tập thực binh, diễn tập cơ quan tham mưu, chỉ huy hai cấp, ba cấp và tham gia nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng do Quân đoàn tổ chức.

Mùa xuân năm 1975, trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta Tổng tiến công và nổi dậy đập tan quân đội và chính quyền Sài Gòn. Sư đoàn 308 vừa triển khai lực lượng bảo vệ thủ đô Hà Nội và hậu phương miền Bắc, vừa sẵn sàng cơ động thần tốc bằng cả đường bộ, đường thủy và đường không vào chiến trường khi nhiệm vụ cần thiết. Sư đoàn đã giữ được bí mật tuyệt đối, hoàn thành nhiệm vụ của “Sư đoàn cận vệ” trong thế trận chung của cả nước và nhiệm vụ nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch.

Có thể khẳng định, trong giai đoạn cuối của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, được giao nhiệm vụ chiến đấu trong những chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược, Sư đoàn 308 đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt trong chiến dịch Đường số 9 - Khe Sanh (1968), chiến dịch Đường số 9 - Nam Lào (1971), chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị (1972), đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm lực lượng dự bị chiến lược của Bộ, là “hướng tiến công thứ sáu” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước ta bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia cuộc duyệt binh trọng thể mừng Quốc khánh lần thứ 30, mừng Đại thắng mùa xuân, mừng nước nhà thống nhất tổ chức vào sáng 2/9/1975 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 15/1/1976 Sư đoàn 308 lại có vinh dự được Chủ tịch Nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vì đã lập được nhiều chiến công, thành tích vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Vinh dự lớn cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn không ngừng phấn đấu vươn lên trong nhiệm vụ xây dựng chính quy, hiện đại, tích cực tham gia lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu.

Sau hơn 30 năm chiến tranh giải phóng, đất nước ta vừa có hòa bình, nhân dân ta vừa bước vào khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước trong một thời gian ngắn thì một cuộc chiến tranh mới lại bùng nổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Cùng với toàn quân, Sư đoàn 308 đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt đông sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Toàn sư đoàn khẩn trương sắp xếp lực lượng, mở lớp đào tạo gấp gần 400 cán bộ trung đội, tiểu đội, ổn định biên chế tổ chức các đơn vị, triển khai huấn luyện bộ đội sát với đối tượng tác chiến mới, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu.

Trong thế trận chiến tranh nhân dân của cả nước, Sư đoàn 308 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo vệ hậu phương chiến lược, sẵn sàng tăng cường cho phía trước ở thời điểm quyết định, góp phần vào chiến thắng chung, bảo vệ chế độ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong những năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng sư đoàn bộ binh cơ giới, toàn Sư đoàn đã kết thành một khối vững vàng trong sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, đạp bằng mọi khó khăn thử thách, kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác được cấp trên giao phó.

Ngày nay trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên trì đường lối đổi mới, tự hào và phát huy cao độ lịch sử và truyền thống của mình, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 đang quyết tâm xây dựng Sư đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với những chiến công bất tử , những thành tích vẻ vang của một sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Sư đoàn 308 - Sư đoàn Quân Tiên Phong luôn là niềm tự hào, tin tưởng của quân và dân ta, là nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Sư đoàn vinh dự được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông hội… đỡ đầu, động viên, chăm sóc. Với lịch sử chiến đấu, xây dựng vẻ vang, Sư đoàn 308 thực sự là trường học lớn, giáo dục rèn luyện nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ trung thành, mưu lược, dũng cảm, gương mẫu, nhiều cán bộ, chiến sĩ vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đồng chí trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp ở các cơ quan chiến lược, nhà nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, những văn nghệ sĩ, đảm nhận nhiều trọng trách ở các cơ quan Nhà nước và Quân đội.

Trong gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 đã xây dựng nên truyền thống vô cùng tốt đẹp. Đó là:

Tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong chiến đấu cũng như trong xây dựng: Trong chiến đấu, Sư đoàn thường được giao nhiệm vụ đánh những trận then chốt ở hướng chủ yếu của các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược trên các chiến trường; đánh lớn, đánh tập trung vào những nơi địch rất mạnh; đột phá vào những nhiệm vụ quan trọng nhất, nặng nề nhất, ở những nơi hiểm yếu khó khăn nhất. Bởi vậy những thắng lợi Sư đoàn giành được thường có ý nghĩa quyết định, cung cấp cho toàn quân những kinh nghiệm chiến đấu quý báu. Trong xây dựng lực lượng, Sư đoàn luôn được chọn làm đơn vị xây dựng điểm, huấn luyện mẫu đi trước một bước về chiến thuật, kỹ thuật, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, rút kinh nghiệm cho toàn quân.

Tiên phong và Quyết thắng, Sư đoàn 308 đã ra quân là tiến công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, mưu trí, linh hoạt, cơ động thần tốc, chiến đấu và chiến thắng với tinh thần anh dũng lập công, mưu trí sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể, đạt hiệu suất cao. Dù hy sinh, tổn thất, dù khó khăn gian khổ, ác liệt đến mấy cũng kiên quyết vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ.

Kỷ luật nghiêm minh và tự giác, kiên quyết triệt để chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện là truyền thống nổi bật của Sư đoàn 308. Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống dù khó khăn, nguy hiểm; dù có thời gian hay không có thời gian chuẩn bị chiến đấu; dù địa hình, thời tiết khắc nghiệt; quân số, vũ khí thiếu hay đủ, các mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đều được thi hành nghiêm túc, triệt để.

Đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh to lớn, đưa đến chiến công và thành tích của Sư đoàn 308. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, bình đẳng về chính trị, thương yêu và tương trợ lẫn nhau trên tình đồng chí, đồng đội, khó khăn cùng vượt, vinh dự cùng chia, đoàn kết gắn bó, lúc còn trong quân ngũ cũng như khi phục viên, nghỉ hưu hay chuyển ngành.

Trên chiến trường, dù độc lập tác chiến hay đứng trong đội hình quân đoàn, đội hình chiến dịch, Sư đoàn luôn đoàn kết hiệp đồng chiến đấu với các đợn vị bạn, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn, cùng nhau phối hợp hành động, lập chiến công chung.

Là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, Sư đoàn 308 luôn được nhân dân yêu mến, giúp đỡ và phối hợp chiến đấu. Với tinh thần “Vì nhân dân quên mình…” và thực hiện quan hệ “Quân dân cá nước”, “Quân với dân một ý chí”.

Sư đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, coi giúp bạn là tự giúp mình”, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia bạn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trong khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn.

Truyền thống vẻ vang của Sư đoàn được khái quát trong 14 chữ vàng:

Tiên phong, anh dũng, đoàn kết, kỷ luật, thần tốc, quyết chiến quyết thắng.

Truyền thống vẻ vang ấy được thể hiện tập trung ở danh hiệu Quân Tiên Phong, luôn đi đầu trong chiến đấu, trong xây dựng lực lượng, trong lao động sản xuất. Đó cũng là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm nặng nề của Sư đoàn 308.

Đăng Vinh