QĐND - Sau thất bại trong chiến dịch Bình Giã, sức mạnh và tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn suy giảm nghiêm trọng, buộc Mỹ phải đưa quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Thực hiện chủ trương lãnh đạo của Đảng là đẩy nhanh xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực trên chiến trường miền Nam và Khu 5, nhanh chóng tổ chức những đòn tiến công, làm cho quân đội Sài Gòn suy sụp hơn nữa, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, đầu tháng 5-1965, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công Đồng Xoài.
Chiến dịch Đồng Xoài diễn ra từ ngày 10-5 đến ngày 22-7-1965 nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực ngụy, hỗ trợ quần chúng nhân dân phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng, nối liền các căn cứ miền Nam với Nam Tây Nguyên, tạo điều kiện mở đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Phương châm của chiến dịch là đánh có chuẩn bị, chắc thắng, tiêu diệt gọn, bảo đảm bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, giải quyết nhanh, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, tiêu diệt địch ngoài công sự là chính, kết hợp với phục kích, tập kích. Thắng lợi của chiến dịch Đồng Xoài đánh dấu bước phát triển mới nghệ thuật chiến dịch tiến công của quân đội ta ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, trong đó nổi bật là nghệ thuật chọn địa bàn tác chiến và cách đánh chiến dịch sáng tạo.
 |
Nhân dân và du kích Phước Long vận chuyển đạn dược, vật chất hậu cần phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu. |
Địa bàn tác chiến chiến dịch trên các tỉnh Phước Long, Bình Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh, Biên Hòa và Bà Rịa. Địa hình ở các khu vực này phần lớn là rừng núi, đồn điền cao su rậm rạp kín đáo, nhiều khe suối, có một số khu vực đồng ruộng xen kẽ các trảng trống, bưng sình. Một số trục đường giao thông, gồm đường 13, 14, 1A, 309, 310 có tính chất độc đạo, rừng cây tới tận mép đường tiện cho ta phục kích đánh phá giao thông địch. Hai tỉnh Phước Long và Bình Long lại giáp Cam-pu-chia và nối liền với Tây Nguyên, tiện cho ta trú ém quân và cơ động lực lượng. Trên địa bàn này ta có các cứ hậu cần xây dựng từ lâu, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển khá mạnh, quần chúng được giác ngộ, có một tiểu đoàn địa phương tại chỗ quen thuộc chiến trường, có kinh nghiệm tác chiến. Tại hai tỉnh Phước Long, Bình Long, địch có quân số đông, nhưng bố trí dàn mỏng từng khu vực, đặc biệt tỉnh Phước Long có Chi khu quân sự Phước Bình thế đứng chân bị cô lập, nhiều sơ hở, xa các căn cứ lớn và đường giao thông quan trọng, địch phải dựa vào đường không để chi viện, sĩ quan và binh lính chủ quan vì chưa bị ta đánh bao giờ.
Trên cơ sở nghiên cứu địa hình, tình hình địch, thực lực của ta, Bộ chỉ huy chiến dịch lựa chọn cách đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chủ yếu. Kế hoạch của ta là đánh tiêu diệt Chi khu quân sự Phước Bình, chiếm giữ một phần thị xã Phước Long để diệt viện binh địch trên đường số 2, đoạn từ Phước Bình lên Phước Long. Để phân tán sự đối phó của địch, tạo điều kiện cho các đơn vị giành thắng lợi các trận then chốt, Bộ chỉ huy chiến dịch xây dựng thế trận bao vây, chia cắt, bố trí, triển khai lực lượng bí mật, cơ động thuận lợi, đánh vào bên sườn, phía sau đội hình địch ra giải tỏa bằng cả đường bộ và đường không; chỉ đạo các đơn vị bộ đội địa phương tăng cường các đợt hoạt động đánh nhỏ lẻ, phá ấp chiến lược của địch.
Để thực hiện tốt cách đánh chiến dịch, ta đã sử dụng lực lượng phù hợp, hiệp đồng chặt chẽ lực lượng quân sự với chính trị, đánh địch rộng khắp trên toàn bộ địa bàn chiến dịch, nhằm phân tán lực lượng địch, tạo ưu thế lực lượng trên hướng tiến công chủ yếu Đồng Xoài - Phước Long. Cụ thể, trên hướng chủ yếu ta sử dụng 3 trung đoàn chủ lực l, 2, 3, một tiểu đoàn địa phương, các đơn vị hỏa lực của Miền cùng dân quân du kích. Trên hướng tiến công thứ yếu (đường 20 - Long Khánh), ta sử dụng Trung đoàn 4 và các đơn vị địa phương. Chiến dịch sử dụng các hình thức chiến thuật: Tiến công địch trong công sự vững chắc, vận động tiến công tiêu diệt địch ứng cứu giải tỏa; tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, có hỏa lực mạnh. Bộ chỉ huy chiến dịch đã dự kiến đúng các khả năng hành động của địch, chuẩn bị sẵn các phương án, lực lượng và thế trận, vận dụng linh hoạt phương châm “một điểm nhiều mặt”, “một đội nhiều tổ”. Nhờ bố trí lực lượng thích hợp, nên trong quá trình tiến công chiến dịch, ta đã phân tán được một phần hỏa lực và lực lượng địch ở nhiều hướng, nhiều mũi, tạo được thời cơ thuận lợi cho các đơn vị liên tục tiến công, tiêu diệt từng mục tiêu, đánh chiếm từng trận địa công sự địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
Nghệ thuật lựa chọn địa bàn tác chiến và cách đánh trong chiến dịch Đồng Xoài có giá trị to lớn, là cơ sở để ta tiếp tục phát triển và vận dụng sáng tạo vào các chiến dịch giai đoạn tiếp sau, lần lượt đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến dịch Đồng Xoài để lại nhiều bài học quý cần được tiếp tục nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm, vận dụng phát triển cho phù hợp với tình hình mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Đào Văn Đệ