Đồng chí VŨ OANH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương: Dân vận của quân đội là nòng cốt tham mưu xây dựng quốc phòng toàn dân
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD), 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 75 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị, 30 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam và 70 năm Ngày Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận”, chúng ta cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, vĩ đại của Quân đội ta. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục nghiên cứu tư tưởng, đường lối, chiến lược quân sự của Người; giữ vững và phát huy truyền thống quý báu, cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, viết tiếp các trang sử vẻ vang của QĐND Việt Nam; góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp của chúng ta!
 |
Đồng chí Vũ Oanh |
Cũng dịp này, kỷ niệm ngày Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận”, chúng ta nhớ lại lời dạy của Người: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trước tình hình mới của đất nước, tôi tha thiết đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo trong tổ chức và tiến hành công tác dân vận, dân vận của quân đội cần tiên phong, là nòng cốt tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng QPTD. Bài học kinh nghiệm thành công về đổi mới công tác dân vận trong giai đoạn sau khi thống nhất đất nước và đổi mới xây dựng đất nước đã góp phần quan trọng giúp đất nước ta vượt qua khủng hoảng chính trị, kinh tế-xã hội, đưa nước ta phát triển và tạo vị thế trên trường quốc tế.
(Trích thư chúc mừng tọa đàm của đồng chí Vũ Oanh)
------------------
Đồng chí VŨ MÃO, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân nước bạn
Trong tiến trình lịch sử, tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa nhân dân 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia chống ngoại xâm là một tất yếu khách quan, đã sớm được hình thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sức mạnh liên minh và tình đoàn kết chiến đấu được phát triển lên tầm cao mới trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi nước; trong đó Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam thực sự là những hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân nước bạn.
 |
Đồng chí Vũ Mão. |
Đối với nước bạn Lào, một trong những thành công trong công tác dân vận, giúp bạn hiệu quả, là người chiến sĩ QĐND Việt Nam luôn sâu sát cơ sở, gần gũi gắn bó với nhân dân các bộ tộc Lào. Các đội công tác và chuyên gia của ta phối hợp với cán bộ Lào tích cực xây dựng cơ sở, củng cố các đội du kích, tổ chức huấn luyện quân sự; tham gia công tác tổng kết, tổng hợp tình hình, theo dõi, giúp đỡ các cụm chủ lực của Lào. Quân tình nguyện Việt Nam không chiến đấu riêng lẻ, mà phối hợp chặt chẽ với quân và dân Lào đập tan nhiều cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở chiến trường Lào, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và hỗ trợ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân ở vùng địch kiểm soát.
Đối với đất nước Campuchia, Quân đội ta đã làm nhiệm vụ quốc tế rất vẻ vang là giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và góp phần giúp đất nước chùa tháp hồi sinh. Cùng với cứu giúp nhân dân nước bạn, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giúp người dân nước bạn chống đỡ với nạn đói cũng thật cảm động. Khi đó, lương thực, thực phẩm của bộ đội rất hạn chế, nhưng các đơn vị bộ đội ta đặt nhiệm vụ cứu sống nhân dân bạn lên hàng đầu, bớt khẩu phần của mình để giúp người dân nước bạn. Nhân dân Campuchia đã gọi Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia là “Đội quân nhà Phật”. Đó là phần thưởng cao quý dành tặng Bộ đội Cụ Hồ.
------------------
Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Luôn giữ vững danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ
Thời gian thử thách trong chiến tranh cùng những ngày tháng được trui rèn trong quân ngũ, đa số các cựu chiến binh (CCB) đều có bản lĩnh vững vàng, có lòng tin vào Đảng. Điều quý nhất trong họ là luôn trân trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
 |
Trung tướng Phùng Khắc Đăng. |
Trước mọi khó khăn, thử thách, các CCB vẫn giữ được tâm thế vững vàng, tỉnh táo, cảnh giác trước âm mưu chống phá, kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch. Có hàng chục vạn CCB được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân tin tưởng bầu vào cơ quan lãnh đạo các cấp. Đây vừa là lực lượng nòng cốt, vừa là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; là những nhân tố tiêu biểu trong thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Thật đáng trân trọng hình ảnh những CCB không quản ngại khó khăn, gian khổ, lăn lộn ở các điểm nóng về tôn giáo, về giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình phục vụ quốc kế dân sinh; kiên trì giải thích, vận động nhân dân hiểu, tôn trọng pháp luật. Qua đó nhân dân phấn khởi, đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng quê hương. Nhiều CCB nêu gương sáng giáo dục, dạy bảo con cháu, giáo dục truyền thống, tích cực tham gia khuyến học, giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế gia đình; hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới; tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội…
Đặc biệt, không ít CCB làm ăn phát đạt, sản phẩm do họ sản xuất được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Vậy mà họ không kiêu căng, tự mãn, không quên đồng đội cũ, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và con em đồng đội. Nhiều người lập được thành tích xuất sắc, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, giúp nhau xóa đói giảm nghèo… được cấp ủy, chính quyền các cấp tôn vinh khen thưởng. Có đồng chí đạt thành tích đặc biệt xuất sắc, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Có thể nói, năm tháng sẽ qua đi, nhưng những thử thách, chiến công năm xưa sẽ là điểm tựa cho những CCB, Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới. Truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bản chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ luôn là động lực thúc đẩy lớp lớp các CCB vượt khó vươn lên, giữ vững niềm tin với Đảng.
------------------
GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Vì nhân dân quên mình để giữ trọn đạo hiếu với dân
 |
GS, TS Đinh Xuân Dũng. |
Đã thành nếp, từ khi bắt đầu vào quân ngũ, mỗi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đều tập và hát vang bài ca “Vì nhân dân quên mình” của nhạc sĩ Doãn Quang Khải (sáng tác tháng 5-1951). Hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ-Bộ đội Cụ Hồ đã cống hiến, hy sinh và lập nên những chiến công chói lọi từ khát vọng, lý tưởng cao quý đó. Đặc biệt, điệp khúc “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi, vì nhân dân quên mình” hoàn toàn không phải là sự lặp lại lời ca, mà đó là “lời thề sắt son, kiên định” của người quân nhân cách mạng đối với nhân dân, dân tộc. Và đó cũng là lý do hiển nhiên và sâu sắc của sự ra đời, xây dựng, chiến đấu và phát triển của Quân đội ta, của mỗi người chiến sĩ. Thiếu đi lý tưởng, khát vọng cao cả đó, người chiến sĩ sẽ mất động lực chiến đấu, quyết tâm vươn lên.
Bác Hồ căn dặn Quân đội ta “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”. Ở Việt Nam ta, nước của dân, Đảng là của dân, bộ đội là của dân-không thể khác được. Vậy là, nước, Đảng và dân, trong trái tim người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hòa quyện làm một. Ba trong một. Từ cảm nhận trên, có lẽ, mọi công việc to lớn trong nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh hôm nay và chăm sóc, nuôi dưỡng phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, cần dựa vào điểm tựa lớn nhất này: Làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân giữ trọn đạo hiếu với dân, và đó cũng là với nước, với Đảng của mình.
------------------
Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HÓA, Phó chính ủy Quân khu 4: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó, hỗ trợ nhân dân
Xuất phát từ đặc điểm, tình hình địa bàn đặt ra cho LLVT Quân khu 4 và các địa phương yêu cầu cao trong nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai nói chung, cháy rừng nói riêng. Với tinh thần chữa cháy, cứu rừng bằng tình cảm và trách nhiệm cao nhất, cán bộ, chiến sĩ LLVT quân khu đã không quản ngại hy sinh, hiểm nguy để chữa cháy, cứu rừng, bảo vệ tài sản Nhà nước và tính mạng, tài sản nhân dân. Những việc làm đó của LLVT quân khu góp phần tô thắm tình cảm quân dân, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa. |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của các đơn vị LLVT quân khu vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như kinh nghiệm của cán bộ, chiến sĩ trong PCCCR chưa nhiều, phương tiện dập lửa còn đơn sơ. Một số địa phương, công tác kiểm tra, thông báo cháy còn chậm; quá trình chữa cháy, việc huy động lực lượng, phương tiện “4 tại chỗ” còn mỏng, cá biệt là trách nhiệm của một số người dân tham gia chữa cháy chưa cao. Công tác kiểm tra, kiểm soát người vào rừng, sử dụng lửa còn biểu hiện đơn giản, chủ quan. Công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng và PCCCR còn hình thức...
Giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai nói chung, PCCCR nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành và hệ thống chính trị cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và cùng vào cuộc. LLVT Quân khu 4 xác định tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và PCCCR; luôn sát cánh cùng với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng địa phương kịp thời giúp dân phòng, chống thiên tai, cháy rừng. Thường xuyên xây dựng, bổ sung các phương án, tổ chức huấn luyện, diễn tập, thống nhất xây dựng hệ thống văn bản phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các đơn vị trong toàn quân khu. Cùng với đó, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn trong đơn vị; sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó khắc phục hâu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố cháy rừng.
------------------
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự-Bộ Quốc phòng: Không ngừng phát triển giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Nội dung của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn vận động, phát triển, đòi hỏi phải được giữ gìn, kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phải được thể hiện sống động trong nhận thức tư tưởng và tỏa sáng trong hoạt động thực tiễn quân sự; trong xử lý các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ quân đội với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với đồng chí, đồng đội, với bạn bè quốc tế... Toàn bộ các mối quan hệ, các phẩm chất tốt đẹp, cao quý ấy được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta kế thừa, tiếp thu, phát huy và lan tỏa trên lập trường của giai cấp công nhân, thể hiện sâu sắc tính nhân dân và tính dân tộc.
 |
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương. |
Sự vận động, phát triển của những giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới chịu sự quy định của các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của người quân nhân cách mạng, của yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, giữ vững, phát huy, lan tỏa giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới đang đặt ra yêu cầu rất cao về tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ .
Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, giữ vững, phát huy, làm lan tỏa giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới, cần có sự tham gia tích cực, chủ động, tự giác của các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân, để giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được giữ gìn, phát huy, không ngừng tỏa sáng, phù hợp với điều kiện và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội trong tình hình mới.
Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải kế thừa, giữ gìn và không ngừng bổ sung những phẩm chất mới tốt đẹp trong phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ theo yêu cầu mới, tiêu chí, tiêu chuẩn mới. Chủ động, tích cực, đẩy mạnh quá trình làm cho giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được tỏa sáng, tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
------------------
Thiếu tướng TRỊNH VĂN QUYẾT, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2: Cùng nhân dân tạo sức mạnh tổng hợp
Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, lâu dài của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời làm tốt công tác vận động quần chúng của Đảng, trực tiếp là tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh ngày càng hiệu quả.
 |
Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết. |
Những kết quả đạt được trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở của LLVT quân khu những năm qua, góp phần quan trọng thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; đồng thời ngời sáng thêm bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Hiện nay và trong thời gian tới, đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; LLVT quân khu tiếp tục xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” với yêu cầu ngày càng cao hơn. Để tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở luôn vững mạnh, quân khu đổi mới cách thức, phương pháp tổ chức và hoạt động công tác dân vận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt, vận động quần chúng, giúp dân giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc tạo xây động lực, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
------------------
Thiếu tướng PHẠM VĂN TỴ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu: Tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển
Những năm qua, không chỉ ban hành nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn (CHCN) đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); đồng thời xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, sự cố, CHCN sát tình hình thực tế, địa bàn.
 |
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ. |
Từ năm 2015 đến tháng 8-2019, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị điều động 47.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, 5.200 lượt phương tiện, tham gia cứu được 3.176 vụ, 19.371 người, 1.411 phương tiện (chiếm 87,93% công tác TKCN trên biển của các lực lượng trong toàn quốc), kêu gọi 12.470.322 lượt người, 4.198.871 lượt phương tiện vào nơi tránh trú an toàn khi xuất hiện thời tiết nguy hiểm trên biển. Ngoài ra, lực lượng quân đội còn CHCN thành công hàng nghìn người, hàng trăm phương tiện nước ngoài hoạt động hoặc có hải trình qua vùng biển Việt Nam và quốc tế...
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác CHCN trên biển, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai, đặc biệt là công tác TKCN trên biển. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, địa phương rà soát xây dựng, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó sát thực tế. Tổ chức huấn luyện, diễn tập thuần thục; duy trì nghiêm chế độ ứng trực CHCN ở tất cả các cấp, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành cho cán bộ và khả năng cơ động ứng phó của các đơn vị trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, nhất là tại các vùng biển, đảo xa và khu vực trọng điểm thiên tai, sự cố. Chú trọng đầu tư mua sắm trang bị CHCN chuyên dụng; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức diễn tập TKCN, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa...
------------------
TS CAO ĐỨC THÁI, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Để giá trị Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích, có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu giúp nhân dân khi gặp thiên tai, bão lũ... Những cán bộ, chiến sĩ khi đã hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc trở về địa phương, lại xông pha xây dựng hệ thống chính trị các cấp ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 |
TS Cao Đức Thái. |
Hiện nay, các thế lực chống phá Quân đội ta đang tập trung vào luận điệu “trung lập hóa quân đội”. Do đó, nếu thiếu nhận thức về chế độ xã hội, về bản chất cách mạng của quân đội, về những thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, cán bộ, chiến sĩ quân đội sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến những hậu quả khó lường trước.
Do đó, hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn giữ vững bản chất cách mạng, bảo vệ danh dự, uy tín Bộ đội Cụ Hồ. Để làm được điều này, quân đội cần đẩy mạnh công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, mục tiêu chiến đấu và nhiệm vụ của quân đội. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ, tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, có lòng yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Cán bộ, chiến sĩ cần nỗ lực học tập, nghiên cứu, nắm chắc các chủ trương, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước để không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác chính trị, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, điều kiện hoàn cảnh nào. Để giá trị truyền thống Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng, cán bộ, chiến sĩ quân đội phải vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, hăng say cống hiến tài, đức của mình cho quân đội, cho Tổ quốc, dám chiến đấu, xả thân hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng nhận, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
------------------
Đồng chí NGUYỄN TIỀN PHONG, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ: Phát huy hiệu quả mô hình "Tết quân dân"
Mô hình “Tết quân dân” bắt đầu từ năm 2007 được Bộ CHQS TP Cần Thơ chọn xã Trường Long, huyện Phong Điền là nơi tổ chức. Với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, mô hình tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, tích cực, làm chuyển biến nhận thức, tạo được niềm tin, yêu mến của nhân dân trên địa bàn.
 |
Đồng chí Nguyễn Tiền Phong. |
Trong suốt thời gian diễn ra “Tết quân dân”, cán bộ, chiến sĩ LLVT cùng chính quyền địa phương tham gia giúp đỡ bà con trên địa bàn xây dựng nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, khám và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình khó khăn, thăm và tặng quà gia đình người có công... Cũng trong dịp này, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên tái hiện quan cảnh ngày tết kháng chiến bằng cách tổ chức nhân dân nơi đóng quân lập bàn thờ Tổ quốc, treo ảnh Bác Hồ; cán bộ phụ nữ mặc trang phục áo bà ba đen, đội nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ gợi lại hình ảnh các nữ dân quân năm xưa. Cùng với đó, bộ đội còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đua ghe, các trò chơi dân gian, thi làm các loại bánh cổ truyền. Những hoạt động trên làm sống lại trong bà con hình ảnh, không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến. Qua hơn 10 năm tổ chức với kinh phí hơn 226 tỷ đồng, các đơn vị và chính quyền địa phương phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 11.000 lượt người, trao hơn 6.000 suất quà tặng người có công, hộ nghèo, xây dựng hơn 300 căn nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, xây dựng hoàn chỉnh hơn 24.000m đường bê tông và nhiều công trình khác.
Mô hình “Tết quân dân” là bước đột phá có tính sáng tạo của Bộ CHQS thành phố trong những năm qua; được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng, Ban Dân vận Trung ương khen thưởng và chỉ đạo nhân rộng thực hiện trên địa bàn Quân khu 9.
------------------
Đồng chí HOÀNG THỊ LÀNG, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái: Gần gũi, gắn bó, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân
Trong những năm qua, LLVT nói chung, các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong tiến hành công tác dân vận, gần dân, sát dân, sẵn sàng có mặt ở những nơi trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân thực hiện mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
 |
Đồng chí Hoàng Thị Làng. |
Cho đến nay, nhân dân tỉnh Yên Bái vẫn không hết bàng hoàng khi nhớ lại các trận lũ ống, lũ quét lịch sử xảy ra tại huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ. Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, LLVT trong tỉnh và các đơn vị thuộc Quân khu 2 đã kịp thời huy động hơn 15.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tích cực tham gia giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Với tinh thần dũng cảm, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đã tìm kiếm, cứu vớt gần 50 người bị lũ cuốn trôi; di chuyển hơn 450 hộ gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm; thu dọn hơn 5.200 nhà dân, 35 trường học, các công trình công cộng và hơn 200km đường giao thông bị bùn đất vùi lấp...
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ ngày đêm không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, dầm mình trong mưa gió để giúp dân di dời, đưa người dân ra khỏi vùng thiên tai, lao mình tìm kiếm các nạn nhân xấu số… để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng người dân Yên Bái. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Yên Bái và các đơn vị thuộc Quân khu 2 còn vượt đèo cao, đường đất cheo leo, trơn trượt, đến với các bản làng xa xôi nhất để tuyên truyền, vận động, giúp người dân di dời, dựng nhà làm nơi ở mới an toàn; kịp thời tham gia sửa chữa các công trình công cộng bị hư hỏng, thiệt hại...
Những việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa của cán bộ, chiến sĩ quân đội thể hiện sâu sắc giá trị cốt lõi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thực sự được phát huy và tỏa sáng trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
------------------
TS NGUYỄN CÔNG SINH, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế: Chương trình kết hợp quân dân y góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) quân dân y (QDY) trên cơ sở y tế địa phương và lực lượng quân y trên địa bàn nhằm bù đắp khoảng trống về y tế ở những vùng khó khăn, phức tạp. Đến nay, có 10 bệnh viện QDY, 5 trung tâm y tế QDY huyện đảo, 34 bệnh xá QDY, hàng trăm trạm y tế, phòng khám QDY, tạo mạng lưới KCB rộng khắp, cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng đến tận nơi ở của người dân, góp phần củng cố lòng tin của người dân với Đảng.
 |
TS Nguyễn Công Sinh. |
Quân y các đơn vị quân đội đã phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương triển khai các phòng khám, trạm y tế, bệnh xá QDY dọc tuyến biên giới, phục vụ nhiệm vụ KCB ban đầu cho đồng bào các dân tộc trong khu vực. Các phòng khám QDY thực sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào. Tại đây, các “chiến sĩ áo trắng”, “bác sĩ quân hàm xanh” cùng với y tế địa phương đang hằng ngày, hằng giờ chăm sóc sức khỏe và giúp đồng bào phát triển kinh tế.
Ngoài ra, lực lượng quân y còn tích cực, chủ động tham gia cùng y tế cơ sở thực hiện các chương trình y tế quốc gia như: Tiêm chủng mở rộng, dân số-kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS... tổ chức cai nghiện ma túy tại các xã biên giới. Hoạt động kết hợp QDY KCB, cấp thuốc điều trị miễn phí ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, biển, đảo, vùng ATK thường gắn liền với công tác dân vận, tuyên truyền đồng bào các dân tộc thực hiện nếp sống văn minh, cách phòng bệnh; kết hợp phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nắm diễn biến tư tưởng của bà con. Có thể nói, kết quả Chương trình kết hợp QDY những năm qua đã tạo được lòng tin của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, cư dân, ngư dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, biển, đảo... vào Đảng, vào chế độ, thông qua việc họ được bình đẳng trong quyền được KCB theo quy định của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân.
------------------
Đồng chí TRẦN VĂN MÔN, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương: Quân đội trong Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”
Hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cụ thể hóa thành Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM” và triển khai thực hiện rộng khắp. Qua thực hiện phong trào cho thấy: Các cơ quan, đơn vị quân đội đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai với nhiều hình thức, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
 |
Đồng chí Trần Văn Môn. |
Theo đó, các đơn vị đã làm tốt công tác vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, kết hợp sản xuất với tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao. Cùng với đó, quân đội còn tham gia tích cực phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, vận động học sinh ở các xã, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đến trường và trở lại trường học. Quân y các đơn vị không những trực tiếp khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mà còn tham gia bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ địa phương; hỗ trợ trang thiết bị và triển khai hiệu quả Chương trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”; các đơn vị kinh tế-quốc phòng triển khai hiệu quả mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, quân đội luôn đi đầu và là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Những đóng góp tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị quân đội trong xây dựng NTM thời gian qua góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
------------------
Đại tá ĐỖ ĐỨC DŨNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3): Tô thắm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ
Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) là đơn vị chủ lực đóng quân trên địa bàn có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến khá phức tạp. Nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác dân vận (CTDV), lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong sư đoàn đã luôn quan tâm đến CTDV nói chung, nhiệm vụ hành quân dã ngoại làm CTDV nói riêng.
 |
Đại tá Đỗ Đức Dũng. |
Theo đó, quá trình hành quân dã ngoại làm CTDV được các đơn vị trong sư đoàn thực hiện tích cực, toàn diện với nhiều nội dung, hình thức sáng tạo, hiệu quả như: “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Bò giống giúp người nghèo”, “Áo ấm tình thương”, “Gắn kết giữa hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số”… Đơn vị còn triển khai giúp dân tu sửa, làm mới đường giao thông liên thôn; sửa chữa nhà rông văn hóa; kè đá và san mặt bằng sân trường học, điểm trường học; nạo vét kênh mương thủy lợi; làm vườn rau mẫu; vệ sinh đường làng, ngõ xóm...
Để có kết quả đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trước nhân dân; chú trọng phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong hành quân dã ngoại kết hợp làm CTDV.
Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong tham mưu, chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và các lực lượng trên địa bàn trong thực hiện CTDV. Đối với các đơn vị trực tiếp hành quân dã ngoại làm CTDV, đơn vị đều có nghị quyết chuyên đề, bàn giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.
Thực hiện tốt nhiệm vụ hành quân dã ngoại kết hợp làm CTDV vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của bộ đội trước dân, nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân dân trên địa bàn Tây Nguyên, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội.
------------------
Đại tá PHẠM BÁ HẬU, Phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an: Tăng cường phối hợp giữa quân đội và công an
Thực hiện Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Công an nhân dân (CAND) đã chủ động phối hợp với Quân đội nhân dân (QĐND) thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) trên phạm vi cả nước, nhất là ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Qua đó góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
 |
Đại tá Phạm Bá Hậu. |
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp bảo vệ ANTT trong điều kiện mới, hai lực lượng cần tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp cán bộ, chiến sĩ xác định quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục phối hợp nắm tình hình, chủ động trao đổi, thống nhất đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ ANTT; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án sử dụng lực lượng, phương tiện trong các tình huống phức tạp về ANTT; tổ chức tốt công tác huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, bất cập để công tác phối hợp ngày càng hiệu quả hơn...
Qua gần 10 năm thực hiện, Nghị định số 77 đã tạo điều kiện để hai lực lượng phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động phối hợp còn bộc lộ một số hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Đây là cơ sở pháp lý để cấp ủy, chính quyền, cơ quan công an, quân sự các cấp chấp hành, vận dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên địa bàn.
------------------
Đại tá ĐẶNG CÔNG BẦU, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quân khu 7: “3 bám” để giúp dân hiệu quả
Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 778 được giao nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP trên vùng dự án thuộc địa bàn 4 xã biên giới khó khăn nhất của huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Qua hơn 15 năm triển khai, vùng đất này đã từng ngày thay da, đổi thịt...
 |
Đại tá Đặng Công Bầu. |
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên xuống các điểm dân cư, thực hiện "3 bám" (bám dân, bám thôn, bám chính quyền), "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó xây dựng phương án củng cố, phát triển thôn, bản. Cùng với đó, các tổ, đội sản xuất thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Đoàn còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh Bình Phước, Công ty Cao su Phú Riềng… tổ chức 32 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và dạy nghề chăm sóc, khai thác cao su cho hơn 1.120 lao động nông thôn trong vùng dự án và phụ cận; cung cấp giống rau, cây ăn trái, cây công nghiệp, giống gia cầm, thủy cầm, thủy sản cho hơn 400 hộ đồng bào dân tộc...
Đoàn còn thường xuyên cử tổ quân y xuống các thôn chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn lối sống văn minh, khoa học; cách phòng, tránh các căn bệnh thường gặp; kết hợp tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân trong vùng dự án… Các tổ, đội công tác làm tốt công tác tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý địa bàn, phát triển kinh tế; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng; loại bỏ các hủ tục, hoạt động mê tín dị đoan và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đến nay, đơn vị đã giúp 4 xã trong vùng dự án thành lập 15 chi bộ, 15 chi đoàn, 8 chi hội phụ nữ, 6 câu lạc bộ thanh niên; giới thiệu được hàng chục đoàn viên ưu tú kết nạp vào Đảng.
------------------
Thượng tá LÊ HUY, Phó chính ủy Vùng Cảnh sát biển 1: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”
Những năm qua, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ, Bộ tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 1 chú trọng phát huy chức năng “đội quân công tác”, tích cực, chủ động làm tốt công tác dân vận bằng nhiều hình thức, biện pháp, mô hình, trong đó triển khai thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là một điểm sáng nổi bật.
 |
Thượng tá Lê Huy. |
Bám sát hướng dẫn của cấp trên, BTL vùng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm địa bàn, với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân làm mục đích. Qua hai năm triển khai thực hiện, BTL vùng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở 3 xã, huyện đảo tổ chức tuyên truyền cho hơn 5.400 cán bộ và nhân dân, 870 giáo viên và học sinh; cấp phát 23.600 tờ rơi tuyên truyền các loại, 270 cuốn sổ tay tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm tàu cá ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc BTL vùng quản lý. Từ năm 2017 đến nay, BTL vùng sử dụng 23 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo được 13 tàu, thuyền với 109 thuyền viên bị nạn.
Cùng với các hoạt động trên, BTL vùng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường biển; tham gia xây dựng nông thôn mới; thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình ngư dân thuộc diện chính sách, hộ nghèo; tặng quà học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm, tặng cờ Tổ quốc, áo phao, tủ thuốc, radio cho các tàu cá; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân...
Sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ đơn thuần là những con số nêu trên, điều quan trọng là thông qua việc làm cụ thể, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo để ngư dân vừa bám biển phát triển kinh tế, vừa tham gia có trách nhiệm vào bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
------------------
Anh DƯƠNG VĂN VƯƠNG, Trưởng bản Giang Châu, Đăk Ngo (Tuy Đức, Đắc Nông): Cảm ơn bộ đội đã cho đồng bào cuộc sống hôm nay
Những năm qua, bằng tình cảm và trách nhiệm với dân, Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16) đã tích cực giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm phát triển sản xuất. Ngoài ra, bộ đội còn giúp địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 |
Anh Dương Văn Vương. |
Trước đây, khi người Mông từ các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu di cư vào Tây Nguyên, chỉ biết phát rừng, làm nương nên bữa no, bữa đói; nhà thì làm tạm bằng phên tre, vách nứa. Hầu như nhà nào cũng có người sốt rét, con trẻ không được đến trường. Năm 2002, Binh đoàn 16 tiếp nhận 312 hộ/1.986 nhân khẩu, đưa về định cư tại khu dự án của Trung đoàn 720.
Ngay sau đó, bộ đội đã sát cánh cùng đồng bào san đất, làm nhà, ổn định nơi ăn ở. Mỗi gia đình được cấp một bộ chăn màn, khám chữa bệnh miễn phí, người lớn được cấp quần áo bảo hộ lao động. Binh đoàn tổ chức san ủi mặt bằng xây trường học, cán bộ của trung đoàn đến từng nhà ghi danh sách rồi vận động các gia đình đưa con em đến trường đi học. Bộ đội còn bảo đảm lương thực cho chúng tôi ăn uống trong một năm đầu; cấp cây giống, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, thu hoạch. Ngoài ra, y sĩ, bác sĩ của trung đoàn còn khám bệnh, cấp thuốc; người bị bệnh nặng được đơn vị cho xe chở đi bệnh viện.
Chúng tôi, những người từ hai bàn tay trắng, không nhà, không đất, không điện, không đường, không trường học, không có cái ăn, nhờ có bộ đội Binh đoàn 16 tận tình giúp đỡ, đồng bào đã có cuộc sống đủ ăn, có việc làm ổn định, vươn lên làm giàu. 4.500 hộ đồng bào các dân tộc trong vùng dự án của Binh đoàn 16 nói chung; 312 hộ dân tộc Mông thuộc 3 bản Si Át, Giang Châu, Sín Chải nói riêng, chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, nhất là bộ đội Binh đoàn 16 đã giúp đồng bào có được cuộc sống như ngày hôm nay.
------------------
Chị MAI THỊ HIỀN, vợ Anh hùng liệt sĩ Phạm Hữu Huyên: Hãy giữ mãi hình ảnh cao đẹp
Chồng tôi là Anh hùng liệt sĩ Phạm Hữu Huyên, nguyên nhân viên quân y Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Ngày chồng hy sinh, con trai lớn của tôi chưa tròn 3 tuổi. Con gái thứ hai mới chào đời được 3 tháng. Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng tôi tự nhủ: Anh không còn nữa, nhưng hành động dũng cảm, hy sinh quên mình vì nhân dân của anh mãi là niềm tự hào của gia đình, quê hương. Điều khiến mẹ con tôi cảm thấy ấm lòng là luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của đơn vị, nơi chồng tôi công tác. Nhất là sự ghi nhận, quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng dành cho mẹ con tôi. Gần một năm sau ngày hy sinh, chồng tôi vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, niềm an ủi rất lớn đối với gia đình, khiến tôi càng thêm tự hào về anh, từ đó xác định phải sống xứng đáng là vợ của người anh hùng.
 |
Chị Mai Thị Hiền. |
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ QĐND vẫn luôn hiện hữu từng ngày. Vẫn còn đó những người lính ngã xuống giữa thời bình để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Các anh hy sinh khi cứu dân trong lũ; hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ rà phá bom còn sót lại trong chiến tranh; hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm… Qua cuộc tọa đàm này, nhớ về người chồng thân yêu của mình, tôi càng trân trọng và biết ơn sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ LLVT vì hạnh phúc của nhân dân và hy vọng cán bộ, chiến sĩ hôm nay tiếp tục giữ vững, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.