QĐND - Năm 1948, trong điều kiện vũ khí trang bị của Quân đội ta còn thô sơ, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bắc Bắc (Trung đoàn 36) đã nghiên cứu, chế tạo được một loại vũ khí đơn giản, có thể phá được đồn địch. Vật liệu chế tạo là những đoạn ống dẫn nước bằng gang chứa đầy thuốc nổ, có gắn kíp lựu đạn ở cuối ống. Sau khi đập kíp lựu đạn, khoảng vài giây sau, toàn bộ lượng thuốc nổ trong ống sẽ nổ, sức công phá có thể làm sụp đổ tháp canh hoặc từng mảng lô cốt. Hồi đó chưa xuất hiện danh từ "bộc phá ống" như cách gọi hiện nay, nên loại vũ khí này được đặt tên là "đề tô", xuất phát từ danh từ "đề-tô-na-tơ" của Pháp. Những chiến sĩ sử dụng loại vũ khí này đều là những người gan dạ, dũng cảm, bình tĩnh, không sợ hy sinh và thường được gọi một cách trìu mến là "chiến sĩ đề tô". 

Cuối năm 1948, Tiểu đoàn 478 (Trung đoàn Bắc Bắc) được lệnh bí mật di chuyển về vùng Thuận Thành, phối hợp với các đại đội độc lập trong vùng mở cuộc tiến công phá vỡ tuyến phòng ngự của địch ở bờ bắc sông Đuống. Đêm 3-12-1948, tiểu đoàn tiến công đồn Á Lữ, do một trung đội Âu-Phi chiếm đóng. Đại đội 37 là đại đội chủ công, 2 đại đội còn lại bố trí chặn đánh quân tiếp viện. Đại đội 37 tiến sát chân đồn, dùng một tiểu đội bí mật cắt các lớp rào. Các "chiến sĩ đề tô" nhanh nhẹn lao qua cửa mở, dùng "đề tô" phá các lô cốt, ụ súng, trong khi các chiến sĩ khác ào ạt xông lên dùng gươm giáo, mã tấu, lựu đạn tiêu diệt địch. Chỉ trong vòng 15 phút, đồn Á Lữ đã bị tiêu diệt, quân ta thu toàn bộ vũ khí và chỉ bị thương 2 chiến sĩ.

Việc chế tạo ra "đề tô", cũng như sáng tạo cách đánh tiêu diệt một vị trí có công sự phòng ngự vững chắc của địch trong lúc đó đã đóng góp kinh nghiệm quý trong việc xác định cách đánh tiêu diệt các đồn bốt của địch. Chiến công của Trung đoàn Bắc Bắc đã được Bộ Tổng chỉ huy ghi nhận và đúc kết thành "chiến thuật mật tập" để toàn quân học tập. Tiểu đoàn 478 được Bộ Tổng chỉ huy quyết định tặng danh hiệu "Tiểu đoàn Á Lữ"...


KHÁNH ĐIỆP