Những năm trước đây, trong công tác nghiên cứu địa hình và diễn tập chỉ huy tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược của Học viện Quốc phòng, giáo viên và học viên phải tác nghiệp trên các hệ thống sa bàn cát. Tương tự như ở Học viện Lục quân, Học viện Hậu cần và các trường đào tạo sĩ quan của quân đội cũng thường sử dụng sa bàn cát để huấn luyện, diễn tập.

Trong quá trình tác nghiệp, các sa bàn cát khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra, học viên rất khó hình dung hình thái chiến trường. Sự nghèo nàn và đơn điệu của hệ thống đã làm giảm hứng thú của người học, hạn chế chất lượng huấn luyện. Từ năm 2004, Học viện Hậu cần đã xây dựng, lắp đặt và áp dụng hệ thống sa bàn điện tử ứng dụng kỹ thuật số. Tiếp đến là Học viện Quốc phòng xây dựng sa bàn điện tử vào năm 2005, sau đó là các học viện, trường sĩ quan quân đội khác.

Sa bàn điện tử quân sự ba chiều ứng dụng kỹ thuật số là sản phẩm khẳng định trí tuệ, sự sáng tạo của các nhà khoa học quân sự Việt Nam. So với các hệ sa bàn điện tử và hệ thống mô phỏng chiến trường phục vụ huấn luyện chỉ huy tham mưu, tác chiến của quân đội các nước trên thế giới như hệ thống ABS-2010 của I-xra-en, ABS-2000 của CHLB Đức hay hệ thống mô phỏng chiến trường Sextant của Mỹ… thì hệ thống sa bàn do Học viện KTQS nghiên cứu chế tạo phù hợp hơn nhiều với điều kiện nước ta, tính chất công nghệ tương đương do ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số hóa...

Trên sa bàn điện tử, học viên tác nghiệp trong môi trường bản đồ số hai chiều để lập kế hoạch tác chiến và quan sát diễn biến chiến trường trên nền địa hình số ba chiều. Các dữ liệu địa hình thường xuyên cập nhật, khiến cho tình huống chiến đấu và các hoạt động bảo đảm trên chiến trường sát thực tế chiến đấu hơn. Học tập trên sa bàn điện tử giúp học viên không phải sử dụng bản đồ giấy mà trực tiếp khảo sát, lập kế hoạch tác chiến, bảo đảm cho chiến dịch theo yêu cầu tập bài đề ra, từ đó tăng sự hứng thú học tập của học viên.

Sản phẩm sa bàn điện tử quân sự ba chiều là kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mô phỏng trong quốc phòng-an ninh và kinh tế-xã hội (KC.01.07) thuộc Chương trình trọng điểm Nhà nước về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông tin-truyền thông giai đoạn 2001-2005 (KC.01) do PGS-TS, Trung tướng Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì.

Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng công tác chỉ huy tham mưu, tác chiến của quân đội ta, nhất là nâng cao trình độ lập kế hoạch, quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy cấp chiến dịch, các nhà khoa học của học viện đã nghiên cứu, phát triển sa bàn điện tử ba chiều để làm công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho người chỉ huy. Sa bàn thiết kế theo cấu hình mở, hệ thống hoạt động trên mạng LAN, có khả năng mở rộng. Các dữ liệu đầu vào của sa bàn là bản đồ số hóa hai chiều tốc độ cao phục vụ xây dựng địa hình số ba chiều của vùng tác chiến tương ứng; ảnh hàng không, các mô hình đối tượng và công cụ khác.

Trong sa bàn, nhóm nghiên cứu còn đưa các dữ liệu quản lý địa hình số ba chiều với các lớp khác nhau trên nền địa hình gồm các mảnh bản đồ tỉ lệ 1:50.000 với thông tin GIS đầy đủ về địa hình, chính trị; thể hiện quang cảnh chiến trường nhờ kết hợp giữa ký hiệu quân sự hai chiều và mô hình ba chiều của các đối tượng theo nhóm quân-binh chủng. Sa bàn có đầy đủ công cụ tra cứu phân tích địa hình trước khi xây dựng phương án tác chiến và chức năng tác nghiệp trên bản đồ số. Sản phẩm có công cụ cho người chỉ huy giao nhiệm vụ và tổ chức hiệp đồng binh chủng, báo cáo tình hình, ra mệnh lệnh tác chiến. Sa bàn còn có khả năng làm việc đồng thời của nhiều người trên mạng, đồng bộ dữ liệu, phương án tác chiến cho toàn bộ hệ thống.

Sa bàn điện tử quân sự ba chiều ứng dụng kỹ thuật số là sản phẩm khẳng định trí tuệ, sự sáng tạo của các nhà khoa học quân sự Việt Nam. So với các hệ sa bàn điện tử và hệ thống mô phỏng chiến trường phục vụ huấn luyện chỉ huy tham mưu, tác chiến của quân đội các nước trên thế giới như hệ thống ABS-2010 của I-xra-en, ABS-2000 của CHLB Đức hay hệ thống mô phỏng chiến trường Sextant của Mỹ… thì hệ thống sa bàn do Học viện KTQS nghiên cứu chế tạo phù hợp hơn nhiều với điều kiện nước ta, tính chất công nghệ tương đương do ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số hóa. Trong khi đó, sa bàn điện tử ba chiều chế tạo trong nước không chỉ có giá thành phù hợp mà còn bảo đảm tính bảo mật cao, cập nhật các thông tin thực tế đáp ứng với yêu cầu chiến thuật, nghệ thuật sử dụng lực lượng ở nước ta.

Cùng với sa bàn điện tử ba chiều, đề tài KC 01-07 còn tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ mới đã được chuyển giao cho các đơn vị trong và ngoài quân đội như hệ thống ca-bin mô phỏng huấn luyện lái xe tăng, mô phỏng huấn luyện bắn súng pháo và tên lửa chống tăng B-72, hệ thống mô phỏng huấn luyện lái tàu sông đã chuyển giao cho một số cơ sở đào tạo của Bộ Giao thông-Vận tải…

Sản phẩm phần mềm máy tính của đề tài đã được thương mại hóa, chuyển giao công nghệ ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Những sản phẩm công nghệ thông tin và các hệ thống mô phỏng ứng dụng kỹ thuật số tạo ra từ đề tài đã góp phần nâng cao vị thế của Học viện KTQS, uy tín của các nhà khoa học quân đội trong giới khoa học cả nước.

HƯƠNG HỒNG THU