QĐND - Cái lạnh buốt giá của “rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” bao phủ khắp bầu trời, mặt đất, nhưng hôm nay nắng vàng đã khoác lên bờ cây, ngọn cỏ, mặt hồ một sức sống mới. Trong sương sớm, từng tốp người “rẽ mây” đi về phía đồi Co Tý, nơi có di tích lịch sử cách mạng “Hầm năm cửa”, nơi cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) dùng làm sở chỉ huy ra những quyết định quan trọng trong suốt 5 năm từ 1950 đến 1954. Bảy mươi năm đã trôi qua, những chứng tích của một thời hào hùng vẫn còn đó và hôm nay địa điểm cơ quan TCCT tại thôn Thẩm Tắng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trong đoàn người tụ hội về đồi Co Tý có gia đình bà Triệu Thị Cầm. Chính gia đình bà đã nhường căn nhà lá cho bộ đội ở trong những ngày đầu cơ quan TCCT đặt chân về. Bà Triệu Thị Cầm, sinh năm 1951, cho biết: “Ngày các chú bộ đội rời đi, dân chẳng biết. Tôi và chị ruột (bà Triệu Thị Đức, sinh năm 1943) tìm lên chơi thì các chú đã đi rồi, hai chị em ôm nhau khóc. Các chú để lại cho gia đình một túi quần áo cũ nhưng còn lành lặn, cả nhà gìn giữ mãi, mỗi khi nhớ chị em chúng tôi lại đem áo ra ngắm, vuốt” .
Bà con kể lại rằng, năm 1950, đồi Co Tý (tiếng Việt có nghĩa là cây thị) nằm giữa rừng già Khau Tý (nghĩa là rừng cây thị). Dân ở rất thưa, quanh khu vực Co Tý này chỉ có lác đác vài gia đình: Nông Thị Tham, Triệu Thị Ty... Khi biết bộ đội về làng xây dựng đại bản doanh, người dân ở các bản xa hơn cũng tìm tới giúp sức. Ông Nông Văn Tuyền, 84 tuổi, từng là một trong những người như vậy. Ông kể lại: “Bà con chúng tôi lúc đó được giúp bộ đội là cảm thấy phấn khởi lắm. Nhiều người làm, rất vui, người đào hầm, người kéo đất, tôi đầm đất nền hầm”. Mấy năm sau quanh đồi Co Tý đã thêm người, việc bảo vệ, canh gác Hầm năm cửa rất nghiêm ngặt, các gia đình đã dịch chuyển nơi ở tạo thành một vành đai bảo vệ cho bộ đội. Đến giờ dấu tích còn lại vẫn còn 28 hộ gia đình ở thành một vòng mà đồi Co Tý là tâm điểm.
 |
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa tặng nhà văn hóa Thẩm Tắng bức ảnh chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
|
Người dân giúp chúng tôi hình dung ra căn Hầm năm cửa này một cách rất sinh động. Năm cửa được mở theo các hướng chính đông, tây, nam, bắc. Ngoài ra còn một cửa gác mở theo hướng đông nam, phía dưới chân đồi có một chuồng nuôi bốn con ngựa. Dịch lên một chút đoạn sườn đồi là hầm bán âm của bộ đội làm nhiệm vụ canh gác. Ngày xưa, hướng chính vào hầm là hướng tây. Nhưng giờ do đường liên thôn từ Khau Diều đi lên thuận tiện, bà con đi lên đồi theo hướng cửa tây nam. Giữa năm vừa rồi, TCCT đã xây tặng nhân dân thôn Thẩm Tắng một nhà văn hóa ở ngay chốt cửa hướng tây nam này.
Xã Định Biên có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, vậy là cũng khá nhiều so với huyện Định Hóa có tổng số 15 di tích. Cạnh những di tích này thường có nhà văn hóa do các đơn vị xây tặng địa phương. Và điều đáng mừng là các nhà văn hóa này đều phát huy tốt vai trò là nơi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa văn nghệ của bà con. Đúng như lời nhận xét của đồng chí Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Các công trình văn hóa gắn với di tích lịch sử đã giúp cho di tích trở nên sống động, công tác giáo dục truyền thống đi vào nhân dân tốt hơn.
Bà con ở Định Hóa rất phấn khởi khi được đón Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT về dự ngày lễ trọng này. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa xúc động khi được về nơi làm việc của cơ quan TCCT ở ATK Định Hóa. Còn bà con thì cảm động vây quanh Trung tướng để được nghe chất giọng phương Nam trầm ấm, mộc mạc, trao nhau những lời thăm hỏi ân tình. Tình cảm trân trọng đó càng được nhân lên khi bà con nghe đồng chí phát biểu giữa buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia cho địa điểm cơ quan TCCT ở Thẩm Tắng. Nhắc lại công ơn của nhân dân không quản hy sinh, chở che đùm bọc cho bộ đội trong những ngày kháng chiến gian khổ, đồng chí Trung tướng bộc bạch: “Trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng mãi mãi tự hào về căn cứ địa Việt Bắc”. Đồng chí mong muốn việc trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích Hầm năm cửa sẽ được thực hiện khẩn trương và nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của khách tham quan, là nơi về nguồn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, trong đó có cán bộ, chiến sĩ của TCCT.
Hiện tại trên di tích Hầm năm cửa-địa điểm cơ quan TCCT đóng quân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia này đã có một tấm bia “Di tích lịch sử kháng chiến”. Đây là nơi đồng chí Nguyễn Chí Thanh ở và làm việc giúp Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam mạnh về chính trị. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ và oanh liệt. Tấm bia này được dựng vào năm 2004. Bia làm bằng đá phiến, nguyên khối rất lớn. Lúc ấy, người dân của cả thôn Thẩm Tắng đã ra kéo giúp bia vào đúng vị trí. Nhớ lại chuyện này, anh Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội CCB xã Định Biên, vẫn còn xúc động: “Bia đá rất lớn, chúng tôi phải đẩy bằng con lăn làm bằng thân cây cọ. Nhưng đường trơn, dốc, đôi khi bia chệch ra khỏi đường, nhiều người đã lăn xả vào ghé vai đỡ bia. Tôi nghĩ chỉ có tình cảm quý mến bộ đội mới khiến người dân nhiệt tình như thế”.
Tấm bia đó đã ở đồi Co Tý 10 năm. Mười năm, bia đá “chứng kiến” bao đổi thay trên quê hương Định Biên, Định Hóa. Từ một xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, Định Biên giờ đã mang dáng dấp của một làng quê trù phú. Hôm nay, bước chân đi trên quê hương cách mạng, trên vùng lõi của ATK Định Hóa kiên cường, bất khuất, thủy chung, son sắt một thời, chứng kiến những đổi thay mà cảm thấy trong lòng ấm áp. Tình chiến sĩ, nghĩa đồng bào có nơi nào sâu đậm hơn thế...
Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ