Công tác giám định pháp y là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt mọi hoạt động của Viện Pháp y Quân đội. Đặc biệt, nhiệm vụ giám định xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin được Viện nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao nhất để có kết quả đúng.

Công tác giám định HCLS được đẩy nhanh là bởi mẫu hài cốt bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố như thời gian, khí hậu, địa chất... trong đó yếu tố thời gian có tác động lớn nhất. Mẫu hài cốt cách đây 5 năm đã khác rất nhiều so với mẫu khai quật hiện tại. Do đó, cán bộ kỹ thuật, giám định viên phải “chạy đua với thời gian” để bảo quản và xử lý mẫu.

Giám định viên thực hiện giải trình tự gene từ mẫu hài cốt liệt sĩ

Mới đây, Viện Pháp y Quân đội vừa giám định đúng 5 HCLS và đang làm các thủ tục báo cáo bàn giao cho thân nhân liệt sĩ theo quy định. Để có kết quả đó, các nghiên cứu viên của Viện đã nhiều ngày không nghỉ, làm việc bất kể ngày đêm. Thiếu tá Đỗ Thị Xao Mai, nghiên cứu viên Khoa Xét nghiệm sinh học cho biết: “Quy trình giám định đầu tiên sẽ quan sát hình thái của mẫu, xem mẫu đó có khả năng để giám định ADN không. Những mẫu có khả năng sẽ đưa vào để tách chiết ADN, nhân bản, giải trình tự. Sau đó, chúng tôi đọc kết quả, so sánh, ghép nối các kết quả với nhau”.

Quy trình giám định rất phức tạp bởi ADN ty thể còn trong các mẫu răng, xương với tỷ lệ rất thấp. Khi thực hiện các khâu giám định rất dễ nhiễm ADN của người làm trực tiếp, nhiễm từ kiểm chéo giữa các mẫu với nhau, hoặc từ môi trường bên ngoài. Trong quá trình tách chiết, những trường hợp nhiễm như vậy rất nhiều. Do đó, công tác xử lý nhiễm kéo dài từ một đến hai tuần, sau đó mới giám định lại được. Có những trường hợp giám định kéo dài hàng tháng. Dù mẫu có hình thái tốt nhưng giám định lần đầu không thu được ADN, hoặc thu với nồng độ quá thấp, không đủ để giải trình tự gene, khi đó các bước phải lặp lại từ đầu. Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ Viện Pháp y Quân đội không bao giờ “bỏ mẫu”.

Mỗi mẫu đều là kết quả của cả một hành trình vất vả khi gia đình liệt sĩ, các cơ quan, tổ chức cùng phối hợp tìm kiếm thông tin, kết nối đồng đội, khai quật hài cốt... Nhiều cán bộ của Viện phải làm việc cả tháng tại thực địa để khảo sát, lấy mẫu. Vì vậy, nếu mẫu vẫn còn khả năng giám định dù phải thực hiện quy trình nhiều lần, giám định viên vẫn tiếp tục làm cho tới khi đạt được kết quả.

Kỹ thuật viên Viện Pháp y Quân đội lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định. 

Một khó khăn khác là việc đối chiếu với mẫu thân nhân. Đây là bước vô cùng quan trọng khi mẫu thân nhân đóng vai trò làm mẫu chuẩn để so sánh. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần có đầy đủ thông tin về liệt sĩ, nơi hy sinh, đơn vị chiến đấu, nghĩa trang an táng... Những thông tin này giúp định hướng quá trình tìm kiếm thân nhân phù hợp để lấy mẫu đối chiếu.

Với kinh nghiệm trong công tác giám định HCLS, Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ nhiệm phụ trách Khoa Xét nghiệm sinh học chia sẻ: “Để giám định hiệu quả, cần xây dựng kế hoạch, định hướng rõ ràng sẽ giám định những mẫu hài cốt nào, so sánh với những mẫu thân nhân nào. Hiện nay, việc giám định hài cốt chủ yếu dựa vào phân tích ADN ty thể. Nắm được nguyên lý di truyền theo dòng mẹ sẽ giúp giảm sai sót trong quá trình xác minh và tránh trùng lặp, nhầm lẫn trong quần thể”.

Thời gian qua, để phục vụ công tác giám định, Viện Pháp y Quân đội đã khai quật, giám định hình thái học hài cốt, lấy mẫu HCLS và mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ tại nhiều địa phương và các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long, An Giang, qua đó lấy được 2.248 mẫu HCLS. Hiện tại, Viện đang lưu và bảo quản 2.699 mẫu HCLS.

Nhờ sự nỗ lực trong công tác giám định, kết quả xác định danh tính HCLS từ năm 2020 đến 2025 của Viện Pháp y Quân đội đạt được nhiều thành công. Viện đã thực hiện phân tích ADN được 396 mẫu HCLS và thân nhân liệt sĩ (223 mẫu HCLS và 173 mẫu thân nhân, đã xác định được danh tính của 61 liệt sĩ). 

Đại tá, TS Nguyễn Văn Lợi, Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội nhấn mạnh: “Xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang ý nghĩa thiêng liêng trong công tác tri ân các anh hùng liệt sĩ. Với vai trò là một trong những đơn vị đầu ngành, Viện Pháp y Quân đội tập trung nghiên cứu, áp dụng các phương pháp giám định tiên tiến, đặc biệt là những kỹ thuật phân tích mẫu HCLS lâu năm. Viện đẩy mạnh kết nối với các ban liên lạc cựu chiến binh, các đơn vị từng chiến đấu tại địa phương để khai thác thông tin thực địa phục vụ việc định hướng đối chiếu mẫu thân nhân. Mong rằng thân nhân liệt sĩ, các cơ quan, đơn vị tiếp tục hợp tác cung cấp mẫu và thông tin liên quan, góp phần làm sáng tỏ danh tính các liệt sĩ còn chưa được xác định”.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.