QĐND Online – “Tây Nguyên, ai đã từng qua đó/Suốt cả cuộc đời mắc nợ nhớ thương nhau” – Trung tướng, Tiến sĩ Đinh Ngọc Duy, Trưởng ban liên lạc, đã mở đầu buổi gặp gỡ các cựu chiến sĩ quân y từng công tác trên chiến trường Tây Nguyên-B3, bằng câu thơ quen thuộc như vậy.

Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Được (đứng giữa) cùng nhiều tướng lĩnh đến dự buổi gặp mặt.

Buổi gặp mặt được tổ chức sáng 29-3, tại Hội trường Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vì bận công tác không đến dự được, đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cùng hàng chục tướng lĩnh và đông đảo cựu chiến sĩ quân y Tây Nguyên-B3 đến dự.

Thiếu tướng, GS, TSKH, Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Đại (bên phải), một cây đại thụ của nền y học quân sự cũng đã từng công tác, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên.

40 năm đã trôi qua, những chiến sĩ quân y một thời sống và chiến đấu trên mảnh đất Tây Nguyên anh hùng, bất khuất, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, bám sát bộ đội, bám sát chiến trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Buổi gặp gỡ đã bùng lên trong họ những ký ức thân thương của một thời đạn lửa. Đó là ký ức về những ngày đầu năm 1964, Bộ Chính trị quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, cùng với các đơn vị chủ lực, các đơn vị quân y đầu tiên cũng ra đời, như Đội phẫu thuật 30 người do Bác sĩ Nguyễn Xuân Bền làm đội trưởng; Tiểu đoàn quân y thuộc Sư đoàn 325 do Bác sĩ Trịnh Văn Luận chỉ huy…Theo đà trưởng thành và chiến thắng của bộ đội ta ở Tây Nguyên, nhiều viện quân y như Viện 1, Viện 2, Viện 3, Viện 4… lần lượt được thành lập. Viện 211 là bệnh viện tuyến cuối của Mặt trận, cũng là bệnh viện khu vực Tây Nguyên ra đời cuối năm 1965. Mạng lưới quân y ở Tây Nguyên đã hình thành, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cùng các đơn vị bộ đội đứng chân trên các vị trí chiến lược của Mặt trận, nối liền với hậu phương miền Bắc và hai nước bạn (Lào, Cam-pu-chia), thông đường vào Nam Bộ, xuống Khu 5, sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu tác chiến của Mặt trận. Khả năng cứu chữa cho các chiến dịch ngày càng nâng cao, như trong chiến dịch Đắc Tô 1, đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô 1967, quân y đã cứu chữa 1089 thương binh.

Tiết mục “Bài ca Tây Nguyên” do tuổi trẻ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 biểu diễn, chào mừng buổi gặp mặt.

Nhiều sáng kiến, chiến công của bộ đội quân y trong thời kỳ này cũng được các đại biểu nhắc lại đầy tự hào. Như phong trào “Nuôi quân-phòng bệnh” năm 1969, xuất phát từ phát hiện của Bác sĩ Võ Văn Vinh (thấy dấu hiệu có nhiều bệnh nhân chết do nạn đói), đã khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng trong bộ đội. Hay như cuộc chiến đấu ngày 21-4-1969, địch thả biệt kích xuống khu vực Viện 211, các tổ chiến đấu của Viện dưới sự chỉ huy của Chính ủy Lê Quốc Toản đã chiến đấu anh dũng, bắn rơi một máy bay HU1F, tiêu diệt phi công địch, bảo vệ hơn 1000 thương binh của Viện an toàn… Ngày 26-3-1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Quân đoàn 3 để chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn, toàn bộ quân y Mặt trận được biên chế về Quân y Quân đoàn 3. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân y Quân đoàn 3 đã thu dung 1193 thương binh, góp phần không nhỏ vào ngày đại thắng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng Đinh Ngọc Duy ôn lại truyền thống bộ đội quân y Tây Nguyên.
Các cựu chiến sĩ quân y đồng thanh hát lại các ca khúc quen thuộc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

“Chiến tranh đã lùi xa và để lại khoảng cách 40 năm. Thời gian càng trôi đi, những ký ức một thời binh lửa nơi chiến trường Tây Nguyên bất khuất càng lắng đọng lại vẹn nguyên, sâu sắc, sáng trong và luôn là nguồn năng lượng sạch tiếp sức cho mỗi người, mỗi nhà trong đại gia đình cán bộ, nhân viên quân y Tây Nguyên-B3 vượt lên khó khăn của cuộc sống trong cơ chế thị trường, để tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước trong điều kiện mới” – Trung tướng Đinh Ngọc Duy khẳng định như vậy.

Bài và ảnh: HỒNG HẢI