QĐND - Ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, cán bộ, chiến sĩ được theo dõi thông tin thời sự qua chế độ đọc báo, nghe đài và xem thời sự hằng ngày; nghe tổng hợp thông tin thời sự tuần vào các sáng thứ hai sau lễ chào cờ... Việc duy trì nghiêm các chế độ này đã góp phần định hướng thông tin, ổn định tư tưởng cho bộ đội. Tuy nhiên, hiện nay với sự bùng nổ thông tin, cán bộ, chiến sĩ cũng được tiếp cận với thông tin qua mạng internet, do vậy việc quản lý và định hướng thông tin là rất quan trọng.
Hiện nay chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tích xách tay kết nối 3G... mọi người đã có thể tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, đa dạng đồng thời có thể cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân với bạn bè thông qua internet. Với các quân nhân trong quân đội, cũng không khó lắm để có thể sở hữu riêng cho mình những phương tiện thông tin kết nối internet, nên họ có nhiều cơ hội để cập nhật từng giờ, từng phút thông tin thời sự trên internet. Đây thực sự là một tín hiệu vui, vì nhờ đó mà bộ đội đã nắm bắt nhanh hơn các chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cập nhật các vấn đề thời sự diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Song, người ta thường nói, thông tin trên internet như một mớ hỗn độn, sẽ là tích cực nếu như người đọc biết ""gạn đục khơi trong"" và sẽ vô cùng nguy hại nếu chúng ta thiếu ""kháng thể"" trước ""mê cung"" thông tin trên internet.
 |
Cán bộ, học viên tìm hiểu thông tin trên internet tại Thư viện Học viện Phòng không - Không quân. |
Đại úy Nguyễn Văn Phương - Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 365 chia sẻ: ""Thay vì mỗi buổi sáng chờ đọc báo giấy, hay phải đợi đến khung giờ cố định để nghe đài, xem ti vi như trước, giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại kết nối 3G, ngồi một chỗ, bộ đội cũng có thể cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng nhất. Đó là chưa nói, khi theo dõi thông tin trên internet, cùng lúc chúng ta còn có thể nghe - đọc - xem clip thông tin, hoặc xem những tin tức trước đó chưa có điều kiện cập nhật... Tuy nhiên, làm thế nào để tìm hiểu thông tin trên internet một cách hiệu quả lại tuỳ thuộc vào thái độ và ý thức của từng quân nhân"".
Còn Trung tá Đinh Tiến Mừng - Trưởng ban Chính trị Phân hiệu 2 - Trường Trung cấp kỹ thuật PK-KQ thì cho rằng: ""Thông tin trên internet vô cùng phong phú, đa dạng, nhưng hết sức hỗn tạp. Chưa nói đến nguồn thông tin từ các website, các trang mạng xã hội... mà ngay cả một số trang báo điện tử hàng đầu trong nước đôi lúc thông tin còn chạy theo thị hiếu đám đông, tập trung khai thác và đăng tải quá nhiều những nội dung vấn đề tiêu cực, các mặt trái của xã hội, thiếu định hướng, thiếu tính nhân văn... do đó đã vô tình làm cho độc giả có cái nhìn méo mó về xã hội, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, nhất là đối với các bạn trẻ còn thiếu kỹ năng sống, yếu về bản lĩnh chính trị..."".
Đại úy Trương Công Pháp - Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) chia sẻ thêm: ""Vào thời điểm hiện nay, các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bộ đội không chỉ là những người tiếp nhận thông tin mà còn có thể chủ động cung cấp và chia sẻ thông tin, hình ảnh lên internet thông qua trang mạng cá nhân của mình. Đây là một vấn đề mới, nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể dẫn đến mất an toàn thông tin đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân từng quân nhân, tạo sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động..."".
Từ thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác quản lý và định hướng thông tin cho bộ đội trong thời đại bùng nổ thông tin, trong đó rất cần sự chủ động vào cuộc của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Cụ thể là phải tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc các quy định của quân đội, cơ quan, đơn vị về việc sử dụng internet, trong đó chú ý đến một số nội dung như: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện, máy tính, USB 3G trước khi đưa vào sử dụng; tuyệt đối không được soạn thảo văn bản phục vụ công việc trên những máy tính kết nối internet; không trao đổi thông tin nội bộ, trang bị vũ khí qua điện thoại, không đưa tin quân sự lên mạng; cấm mang máy tính xách tay cá nhân vào cơ quan, đơn vị... Để làm tốt công tác này, thì bản thân mỗi cán bộ, nhất là cán bộ chính trị ở các đơn vị phải là những người định hướng cho bộ đội về những trang báo điện tử, website hay, bổ ích để theo dõi, đồng thời chỉ ra những tác hại, mánh khóe mà kẻ xấu có thể lợi dụng để móc nối, lối kéo, hoặc đánh cắp thông tin cá nhân để sử dụng vào những âm mưu xấu. Cùng với đó là trang bị cho bộ đội kiến thức và bản lĩnh để họ chủ động ""gạn đục khơi trong"" khi đối diện với ""biển"" thông tin hỗn tạp trên internet. Về phần mình, từng quân nhân hãy là những người sử dụng internet có ý thức, hiệu quả và an toàn cho bản thân và cơ quan, đơn vị mình.
Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG